Chiều 1.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) Quảng Nam có cuộc làm việc với đoàn công tác của HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam do ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam làm trưởng đoàn về kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tại địa phương.
Theo Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam, tổng nguồn vốn đến 31.10.2016 khoảng 3.619,664 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay 918,562 tỷ đồng với 34.503 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 793,076 tỷ đồng, chiếm 86,34% doanh số cho vay. Hiện tổng dư nợ đạt 3.605,188 tỷ đồng với trên 145.154 khách hàng còn dư nợ. Nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 0,11%/tổng dư nợ. Dự kiến năm 2017, tăng trưởng dư nợ khoảng từ 9 - 10%.
Ngân hàng kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn và phân bổ ngay từ đầu năm đối với các chương trình có tính cấp thiết dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, để ngân hàng chủ động cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục cân đối nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ việc làm theo Nghị định 61 của Chính phủ, nâng mức vay đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường lên 10 - 15 triệu đồng/công trình, bổ sung cơ chế xử lý nợ rủi ro đối với những người bị vướng vòng lao lý, đi tù… và chương trình học sinh sinh viên, bằng cách cho khoanh hoặc xóa nợ đối với các trường hợp học sinh sinh viên bị rủi ro vì nguyên nhân khách quan (ốm đau, tai nạn, chết, mất tích).
Ông Lại Xuân Môn đã đánh giá khá cao nỗ lực huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn vay và nhất là khống chế nợ xấu với mức thấp nhất. Ông Môn đề nghị ngân hàng tiếp tục đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định, tiếp tục phấn đấu giữ vững chất lượng tín dụng, bảo toàn vốn của nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cùng thực hiện. Những kiến nghị của ngân hàng này sẽ được ghi nhận và đề xuất lên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam xem xét và có hướng xử lý cho đúng nhu cầu thực tế từ các địa phương.
T.D