Bao cánh rừng phía tây Quảng Nam, những ngày qua không còn yên tĩnh. Đất lành bao năm hóa thành đất dữ. Vùng đất mà ở đó, cuộc đời của họ gắn chặt, xoay quanh, phụ thuộc vào từng góc núi để rồi cuối cùng kết thúc giữa chính góc rừng ấy. Đất lạnh khi vẫn còn người mất tích. Đất lạnh chôn người chết vì lũ ống, sạt lở vừa tìm thấy thi thể trên bình địa hoang tàn mà mới đây thôi còn là bếp ấm, nóc bình yên.
Phía sau người chết và mất tích, chúng ta nhìn thấy những mảnh đời khốn khó. Những phận người từ đây sẽ cô độc giữa rừng. Phước Lộc, Trà Leng vẫn còn chạy đua với thời gian, chống chọi với bùn đất, đá tảng, mưa rừng để tìm kiếm người còn nằm đâu đó.
Những người may mắn sống sót, được đưa xuống cứu chữa và điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, họ không có gì cả ngoài các vết thương. Một tấm áo với họ, cũng quý. Hàng hóa, thực phẩm, áo quần, mền mùng… đều quá cần kíp lúc này với các ngôi làng bị vùi lấp, bị cô lập.
Ấm lòng khi người dân cả nước, bằng nhiều kênh khác nhau, nhanh nhất là qua các nhà báo đang tác nghiệp tại hiện trường, đã kịp thời chia sẻ mất mát với bà con. Kể cả xa hơn một chút, là nhận đỡ đầu các học trò mồ côi, lo cuộc sống của các em 5 - 7 năm kế tiếp, lo cho những người mất tất cả người thân.
Ngoài những “chiếc phao” quăng ra ngay lúc này, là cả những “con thuyền” để họ đi tiếp. Mọi kết nối và tiếp nhận vẫn đang hối hả, thúc giục, như chính cuộc chạy đua tìm kiếm người mất tích ở các cánh rừng.
Nóng đến độ, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - người ở “tâm điểm” nóc Ông Đề thông qua facebook cá nhân (nickname Trần Vỹ Nguyễn) đã nhờ chia sẻ góp ý với những người nóng lòng muốn vào để cứu trợ, giúp đỡ bà con gặp nạn, rằng, hãy khoan vào Trà Leng, hãy bình tĩnh, hãy chờ thời tiết ổn định, đường sá bớt sạt lở và hãy phối hợp với chính quyền địa phương.
Thầy Vỹ viết: “Tâm lý những người sụp nhà mất người thân bây giờ suy sụp và hoang mang không có tâm lý nhận gì cả”. Người dưới xuôi, hãy nghe theo lời người ở núi, bởi giữa cơn sốt từ thiện ào ạt, trước mắt là điều tích cực, nhưng e lâu dài sẽ có hệ lụy.
Với các nạn nhân, tấp nập người đến - người đi hỗ trợ lúc này, cũng cần lường trước việc vô tình để lại cho bà con những khoảng trống khi họ vừa phải đối diện với thảm nạn. Sang chấn tâm lý lâu dài vẫn có thể xảy ra bởi cơn thảm họa từ đất tại Trà Leng, Phước Lộc, nhất là với trẻ con, chúng sẽ không hiểu, không lý giải được chuyện gì xảy ra, và cái chết với chúng lại càng khó hiểu hơn.
Ở các nước phát triển, cùng với tái thiết cuộc sống cho người dân, họ có đội ngũ các nhà tâm lý, bác sĩ tâm lý để hỗ trợ cho người bị nạn và thân nhân của họ. Điều này cũng quan trọng không kém một chỗ ở tạm thời, cái ăn trước mắt cho nạn nhân. Đánh giá thiệt hại và xác định những ưu tiên tái thiết sau bão là điều chính quyền các cấp đang phải làm lúc này, nhưng cần nhanh hơn nữa.
Với những thiệt hại khôn lường mà chúng ta đang và sẽ còn chứng kiến, nếu chưa thể có những báo cáo tác động môi trường tổng thể từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm thủy điện, làm du lịch trên đất rừng thì có - thể - không, ngừng hết lại mọi thứ đang tác động vào rừng? Khi chúng ta ngừng lại, thiên nhiên sẽ có cách dần tự chữa lành vết thương, từng chút một. Phải học cách “sống thế nào để khiêm nhường với trời đất” (chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc). Nếu không, rồi chúng ta, con cháu chúng ta sẽ chẳng còn gì để cứu trợ nữa. Bởi lẽ, với sự ngông cuồng của khoa học thực nghiệm, cùng với lòng tham vô độ con người đã ngày càng đi đến chỗ quá trớn, thách đố tất cả mọi sự.
Hàng vạn cánh tay ấm nóng đã chìa ra, để các nạn nhân của rừng không đơn độc, để đất ấm lại, vì dù đau thương đến tột cùng, rồi họ vẫn phải tiếp tục sống, trên đất rừng.