Đất ba sông Đại Lãnh chuyển mình

HOÀNG LIÊN 23/07/2020 09:58

Về đất “ba sông” xã Đại Lãnh (Đại Lộc), màu xanh bao phủ ruộng đồng, đường làng ngõ xóm sạch sẽ tinh tươm. Niềm phấn khởi nhân đôi khi vùng đất “ba sông” đã cán đích xã nông thôn mới (NTM) cuối năm 2019 và lễ công bố danh hiệu diễn ra vào những ngày cuối tháng 7 này.

Cổng làng vào khu dân cư NTM kiểu mẫu Hoằng Phước Bắc được xây dựng khang trang. Ảnh: BÍCH LIÊN
Cổng làng vào khu dân cư NTM kiểu mẫu Hoằng Phước Bắc được xây dựng khang trang. Ảnh: BÍCH LIÊN

Phát huy vai trò chủ thể

Còn nhớ, thời điểm năm 2011, cũng như nhiều địa phương khác, xã Đại Lãnh hưởng ứng chủ trương xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. Sau 9 năm, Đại Lãnh vực dậy tiềm năng, xóa đói giảm nghèo ngoạn mục, cán đích xã NTM với diện mạo khởi sắc. Với một vùng quê thường xuyên gánh chịu những hậu quả nặng nề của lũ lụt như Đại Lãnh, đó là nỗ lực lớn vượt khó. 

Hỗ trợ người dân thoát nghèo bằng biện pháp cụ thể

Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, công tác giảm nghèo được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ đến và là yếu tố then chốt đưa Đại Lãnh trở thành xã NTM nâng cao vào năm 2024. Xã đã và đang tiếp tục rà soát lại hộ nghèo, sẽ phân chia thành các nhóm khác nhau, tìm nguyên nhân nghèo, mỗi nhóm sẽ có hình thức hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Ai thiếu đất sản xuất sẽ hỗ trợ cho thuê đất vòng 1, đất 5% của xã để phát triển kinh tế; hộ nghèo thiếu vốn nằm trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ vốn vay từ kênh ủy thác, tín chấp; hộ nào không có nghề sẽ hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động... Xã cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ sát sao, bên cạnh đó còn có sự vào cuộc của các cấp hội, đoàn thể, Mặt trận trong việc trao sinh kế, giúp xây dựng và sửa chữa nhà ở... 

Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh nhớ lại, thời điểm phát động xây dựng xã NTM, là xã miền núi, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được đầu tư, giao thông cách trở, tỷ lệ các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được bê tông hóa, được cứng hóa rất thấp. Xã Đại Lãnh là vùng “rốn lũ”, khó thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong khi thương mại - dịch vụ còn nhỏ lẻ, thu ngân sách chủ yếu nhận điều tiết từ cấp trên…

“Khối lượng việc rất lớn, khó khăn muôn vàn, song với quyết tâm lớn, Đại Lãnh đã có những chuyển biến sâu sắc. Khi người dân - những chủ thể NTM nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm, họ sẽ hưởng ứng tích cực. Đó là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công” - ông Yến nói.

Hoằng Phước Bắc là thôn được chọn thí điểm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở Đại Lãnh đã khoác lên mình áo mới. Cổng làng to đẹp, đường làng quang rạng, nhà nhà với cổng ngõ, tường rào được chỉnh trang, những khu vườn mẫu xanh mướt góp phần điểm tô cho bức tranh NTM. Làng vẫn giữ không gian, kiến trúc làng truyền thống, trữ tình giữa cơn lốc “đô thị hóa” làng quê.

Ông Nguyễn Văn Thướt - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hoằng Phước Bắc cho hay: “Việc xây dựng NTM được người dân đồng lòng, chung sức hưởng ứng. Bà con đã hiến ngày công lao động, đất vườn, đất sản xuất, gần 50 hộ chủ động chỉnh trang, tháo dỡ, di dời tường rào, cổng ngõ để làm đường bê tông 5m. Người dân còn góp công, góp của xây dựng thiết chế văn hóa, lắp đèn điện ở các trục đường chính và ngõ xóm. Tinh thần đó rất đáng quý. Bình quân thu nhập đầu người tại Hoằng Phước Bắc đến cuối năm 2019 là 42,62 triệu đồng, toàn thôn không còn hộ nghèo (trừ đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội)”...

Hướng đến xã không còn hộ nghèo

Những năm qua, từ nguồn lực chương trình NTM và phát huy nội lực, Đại Lãnh đã quyết liệt triển khai các mục tiêu giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ trên 20% ở thời điểm phát động xây dựng NTM xuống còn 2,3% cuối năm 2019 (53 hộ).

Theo ông Ngô Xuân Yến, Đại Lãnh đặt mục tiêu xóa hết hộ nghèo, hướng đến xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xã tích cực khuyến khích phát triển dịch vụ, du lịch, kinh doanh, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Xã cũng nỗ lực quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển mạnh các loại hình ăn uống, giải trí, lưu trú, cơ sở phục vụ khách du lịch khi điểm du lịch sinh thái Sông Cùng của xã được khai thác và khu du lịch Cổng Trời (Đông Giang) đi vào hoạt động. Trong đó, phát triển thương mại theo hướng trở thành đầu mối trung gian, trung chuyển nhiều luồng hàng giữa vùng đồng bằng với trung du, miền núi của tỉnh theo tuyến ĐT609 kết nối Đại Lộc - Đông Giang - Tây Giang.

Khuyến khích các cơ sở may mặc gia công, chế biến sản phẩm vào địa bàn, phát triển ngành nghề gắn với phát triển sản phẩm du lịch như: nghề mộc, điêu khắc mỹ nghệ… 

Đại Lãnh nỗ lực xây dựng các hình thái liên kết sản xuất, xây dựng sản phẩm địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hiện Đại Lãnh có 4 HTX đều hoạt động tốt.

HTX Nông nghiệp Đại Lãnh tổ chức liên kết sản xuất lúa thuần với diện tích 100ha và hàng ngàn hécta lúa thương phẩm. HTX Thảo Nguyên chuyên phát triển may mặc, sản xuất ươm cây giống rừng trồng.

HTX Đồng Tâm chuyên về lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch. HTX Đại Lãnh Phong chuyên sản xuất, cung ứng chủng loại nấm bào ngư, sản phẩm hiện đã có chỗ đứng trên thị trường, và đang nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm nước mắm dành cho người ăn chay từ nấm bào ngư, bên cạnh sản phẩm nấm tươi, tạo sản phẩm OCOP đặc hữu của địa phương... 

Đặt mục tiêu trở thành xã không còn hộ nghèo, với Đại Lãnh, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, cần sự quyết tâm, đồng lòng, chung sức, phát huy nội lực hơn nữa để đạt được thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đất ba sông Đại Lãnh chuyển mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO