Trung Man, có cách gọi khác là Trung Mang, như một ngã ba đón đợi những luồng di dân và cả những “xê dịch” của người dân bản địa. Từ cuộc đất của dân ngụ cư này, gợi mở về nhiều khía cạnh văn hóa, tập tục và trên hết là bản năng sinh tồn của mỗi giai đoạn…
1. Tôi nghe cái tên Trung Man lần đầu đâu hồi thập niên 80 của thế kỷ trước. Nhà ông nội tôi có người lên làm công nhân Nông trường chè Quyết Thắng, tết hay gửi về mấy gói trà uống chơi. Chuyện làm công nhân cực sướng ra sao, chè trà ngon dở thế nào… tôi không biết, nhưng lại nghe được chuyện làm vàng, từ miệng chú tôi kể. Chú bỏ làm ruộng, đi theo “tiếng hát đãi vàng” quyết đổi đời. Hai tháng sau, áo quần rách nát về, cười như cái hố bom lở, rằng đón xe ra đến Túy Loan thì đi bộ lên Trung Man nghỉ lại đêm rồi vào sông Vàng bòn đãi. Rằng may còn cái xác, thiên hạ trúng loạn, còn mình thì “trúng” sốt rét…
Trung Man, đất của dân ngụ cư. Ảnh: TRUNG VIỆT |
Ký ức tuổi thơ chỉ chừng đó, nhưng kỳ lạ là hay bị ám bởi hình ảnh từng tốp người bụi bặm, trang bị như dân cao bồi miền tây nước Mỹ trong sách của Jack London đi làm vàng, nhưng lại nghỉ dưới một tán cây lớn giữa đường. Bao lần qua lại vùng này, để ý tuyệt nhiên không thấy cây nào cổ thụ “đứng tấn” trên đường đi, mà toàn đồi chè lúp xúp, nhà cửa nhấp nhô. Nhưng quẩn quanh trong đầu nhiều nhất vẫn là định danh Trung Man. Cột mốc, biển báo khoảng cách của ngành giao thông ghi “Trung Mang”. Dân vùng này vẫn ghi địa chỉ Trung Mang. Đọc hồi ký của ông Quách Xân, thấy ghi là “Trung Man” (chữ Man không có g). “Man” là man rợ, man di, một cách gọi khinh bỉ của người Pháp với đồng bào Cơ Tu nơi đây. Còn “Trung” là chỉ địa hình vùng này ở đoạn giữa. “Đúng là Trung Man, nhưng lâu rồi người ta cứ gọi là Mang, nghĩa là mang vác, gùi cõng”, già làng Y Kông ở xã Ba, Đông Giang nói. Vùng xã Ba này, trải chiếc chiếu ở gươl, chắc chắn già Y Kông ngồi ở vị trí đầu lĩnh bởi tuổi tác, uy tín lẫn tài năng. Cũng theo tài liệu của Quách Xân, hồi đó vùng này thuộc Hòa Vang, quan đầu phủ ở Hòa Vang buộc mỗi làng phải có một cai phu và chữ phu trở thành một chức danh, ví dụ tên Túc là cai phu thì gọi là Phu Túc mà sau này đọc trại đi thành Phú Túc. Sự miệt thị của Pháp đến tận tên gọi làng, ví dụ làng Mai thành Man Mai.
Vùng Hạ Man và Trung Man là một tổng. Cai tổng đầu tiên tên Cói, nên làng sau này gọi là Tổng Cói, nhưng không hiểu sao lại thành Tống Cói (có chỗ đọc là Tống Cóil). “Ừ, tôi đang ở Man Mai đây, nhưng cúng làng thì về Tống Cói” – già Y Kông đập tay tôi. Suốt buổi, tôi để ý, sau mỗi cái đập vào tôi, là một chuỗi những thở dài. Khách hỏi vì sao, già nói: “Vì gốc làng ở đó thôi”. “Cháu nghe nói Cơ Tu vùng này không phải từ trên cao tràn xuống mà từ dưới Hòa Vang lên?”. “Đúng, như tôi đây là họ Nguyễn, cái họ Y là do tôi hoạt động ở Tây Nguyên nên lấy họ theo đồng bào trên đó. Bà con vùng này là họ Nguyễn, Đinh, Mạc chứ đâu có Alăng, Bh’riu, Bhing, Arất… Ông nội tôi người Hòa Khương, lấy bà tôi người Cơ Tu mà. Hoang vu, làm chi có người Kinh, chỉ có Cơ Tu thôi. Đến khoảng 1966 thì Mỹ đánh ác liệt quá, bà con phải chạy lên La Dêê, khu 7. Năm 1976, bắt đầu kéo nhau về. Ôi, ban đầu đông đúc lắm, thế mà lúc về chỉ còn 700 người. Dân Cơ Tu chuyển dần lên phía tây sông Vàng. Ở được 5 năm, không đường sá, đói ăn thiếu mặc, khổ lắm, bà con liều xuống Dốc Kiền, Trung Man, Phú Bảo, Tà Lâu ở. Tôi phải làm quyết liệt mới gọi bà con về đấy!”.
Tôi ướm ông một câu quen thuộc, rằng dân ngụ cư tứ xứ từ Nghệ An, Ninh Bình, Huế, Quảng Bình rồi dân các huyện trong tỉnh đến đây, Trung Man được gì mất gì? Ông lại thở dài: “Không có người Kinh, thì cháu nhà tôi bán cà phê cho ai? Ti vi ở đâu mà xem? Rồi tôi làm tượng, giới thiệu bản sắc văn hóa Cơ Tu cho ai? Khách quốc tế tháng nào, tuần nào cũng lên đây. Văn minh đem lại nhiều nhưng mất cũng nhiều lắm.
Ông Y Kông và ông Trường - một người “cố cựu” đất Trung Man, một người suốt đời ngụ cư trôi nổi. |
Ở ngay vị trí ngã ba huyện, là đầu mối giao thương từ Đà Nẵng lên, lẽ ra Trung Man phải hơn thế này. “Ở đây, dân vùng ngoài Quảng Bình trở ra nhiều lắm, họ làm ăn giàu có hơn người mình nhiều, bởi họ chăm chỉ dễ sợ” - anh Nguyễn An Phương, Trưởng Công an xã Ba kể một mạch rồi cười ha ha: “Tôi dân Điện Quang, lên đây từ 1985, nhưng đến giờ vẫn ở nhà gỗ, còn họ nhà đúc mấy tấm, keo mấy chục héc ta, tiền tỷ, con cái học Đà Nẵng hết. Xã này còn có anh phó chủ tịch mặt trận người Nghệ An vào đây 1990, làm rẫy phải đáng nể, hết chè đến trồng keo, giàu lắm”. Xã có 4.635 nhân khẩu, trong đó 1.852 nhân khẩu người Cơ Tu, còn người Tày Nùng chỉ có 3 hộ với 14 người, dân các tỉnh ngoài là 250 hộ; hộ nghèo toàn xã chiếm 12,03%. Một thầy giáo ngồi bên cạnh buông lời nhận xét: “Người miền Bắc vào đây đông. Miền núi mà hộ nghèo ít như thế, chứng tỏ đời sống nơi đây khá lắm chứ chẳng chơi!”. Anh Phương lý giải, họ giàu nhờ trồng keo, buôn bán, còn chuyện làm gỗ, làm vàng thì tứ chiếng khắp nơi, không riêng gì người bản địa và cũng đã qua rồi cái thời lục lâm thảo khấu giang hồ khuấy đảo kéo về làm vàng. Tất nhiên không phải hết những con nghiện, nhưng ít hơn rồi….
2. Vẫn không thôi dứt trong tôi, là chắc chắn phải có những số phận trôi dạt đau khổ nổi nênh của đời ngụ cư như là điều hiển nhiên, như phép mặc định vốn có. Và tôi đã gặp. Ông tên Trường. Quán sửa xe mới dựng của ông có lẽ là chỗ dừng sau cùng của một đời bôn ba đủ nghề. “Gần 60 tuổi rồi, tôi mới tin là con người có số. Quê tôi ở Phú Yên, năm 1961, tôi mới 4 tuổi thì mẹ mất, ngoại tôi gửi tôi ra Sơn Trà – Đà Nẵng sống với cậu ruột. Năm 1975, tôi vào thanh niên xung phong làm công trường 2/9 bên Thạnh Mỹ - Hiên cũ, năm 1976 sang Trà My làm đường, rồi học lái xe ủi, xe lu làm cầu đường. Năm 1985, tôi có vợ, quê vợ ở Điện Quang – Điện Bàn, lên đây làm công nhân nông trường chè. Khổ quá, tháng 6.1983, tôi xin nghỉ việc, làm nghề sửa xe, vá lốp ô tô đầu tiên ở xã Ba này, rồi đi làm vàng”.
Nói đến đây ông bất ngờ cúi mặt. “Giai đoạn này, nhà tôi như tuồng cải lương. Tôi thất lạc gia đình từ năm 1961, không biết anh chị ruột ở đâu. Năm 1975, tình cờ trên một chuyến xe tôi nghe một người nói biết chị tôi có chồng ở Bình Định. Tết năm 1976, tôi đi An Nhơn tìm chị, lạ, hỏi là trúng liền, qua chị biết anh ruột đang lái xe lam thuê ở La Hai. Năm 1976, tôi nghỉ phép, tìm về Phú Yên gặp ba tôi. Năm 1999, chị tôi ra khuyên nên về với ba, bởi cả đời tôi không gần ông rồi. Tôi bán hết tài sản, nhà cửa về quê, vào đó làm mía, đường, nhưng có biết đâu ở đó lại khổ hơn Trung Man. Thế là lại đùm túm quay về với tài sản là 1 cái tủ nhỏ xíu và 900 ngàn. Anh em hàng xóm xúm lại cho đất, dựng nhà cho. Ai ngờ, 2 năm sau, nhà cháy trụi. Lại phải bắt đầu từ tay trắng, cũng bà con anh em cho chứ lấy đâu ra”.
Ông Trường kể, thời đó vùng này hoang vu, ngoài công nhân nông trường, người buôn bán sáng chiều chạy lên chạy về bằng đi bộ được… 10 người. Chính vàng là sức mạnh, là tiếng hú vang xa ghê gớm gọi thiên hạ tứ phương chầu về. Người Huế vùng Lăng Cô, Đá Bạc đến sớm nhất, vào đầu thập niên 80, dựng lều bạt, gánh rau cá thịt vào bán trong các bãi vàng rồi phất lên từ đó. Người Bắc vào nhiều khoảng 1988, 1989. Họ làm công nhân, làm gỗ, vàng, sống rất ổn định. Vàng đã “quậy nát” rừng xã Tư. Trâu kéo gỗ của lâm tặc, chính là sản phẩm từ Nghệ An mang vào chứ đây đâu có. Bây giờ, ở đây 90% dân ngụ cư sống ổn định, lắm người giàu có, nhà trên này là phụ thôi, tậu hết nhà ngon lành ở Đà Nẵng. Đời ông cũng gập ghềnh lên xuống vì vàng, lúc đầy túi lúc không có một cắc, nhưng không xa nó được. Mãi đến năm ngoái và đầu năm nay, ông còn lang thang vào rừng tìm nó, nuôi mộng đổi đời nhưng thất bại. Ông quá già so với tuổi, gương mặt dài ra, răng rụng mấy chiếc, mặt chằng chịt vết nhăn như vết chém thời gian, oan nghiệt của số phận. Cái gọi là số phận mà ông rút ra, hẳn là trải nghiệm cay đắng của một đời muốn thay đổi, ước ao không nguôi làm giàu nung chảy từng phút giây, nhưng bàn tay lại không nắm được tiền nên đã đẩy ông đến chỗ cùng cực.
Vợ ông, một công nhân nông trường chè đã lớn tuổi, nghỉ hưu nhưng vẫn gắn bó với chè, thu nhập hơn 1 triệu mỗi tháng. Lầm lũi, hiền lành, nắng gió và bấp bênh đời sống khiến bà khô đét, đen nhẻm nhưng cười thì rạng rỡ. “Ừ, số phận cháu à, nhưng còn do cái đầu mình nữa”. Bừng lên trong tôi ý nghĩ về những người chèo thuyền ngược trên thác, cố chống chọi qua cơn sóng gió, băng qua bằng nghị lực và niềm tin, dù biết rằng đời mình chẳng ra gì, nhưng cố vượt vì đàn con. Hai đứa con lớn đã trưởng thành, làm công chức nhà nước, thế là được rồi.
3. Dân ngụ cư đa nguồn gốc là yếu tố khá đặc biệt, thú vị, để hình thành một vùng đất, mà đặc điểm trên là hiếm có tại miền Trung thời hiện đại. Chính làm ăn kinh tế, sinh sống với nhiều hạng người, lắm quê quán sẽ đẻ ra những lệch pha văn hóa, tất nhiên ở đây chưa đủ các điều kiện để hình thành nên những bản sắc riêng biệt. Chưa đủ các điều kiện để gọi tên chung nó là gì, nhưng văn hóa đa sắc màu sẽ hình thành cái gọi là môi trường tự do trong quan niệm sống, sẽ dung nạp nhưng rất dễ đào thải. Còn giữ bản sắc Cơ Tu, nói như Y Kông là ông già rồi, bất lực rồi, chuyện đó bây giờ của chính quyền. Phải chấp nhận ngụ cư, bởi đó là quy luật và phải đợi thời gian, nó sẽ thành hình thành dạng.
Tôi vào quán cà phê ngã ba Trung Man. Nhìn người đàn bà đẩy xe bánh mì đi bán, nhớ quán xá nhậu nhẹt tưng bừng chiều qua, bạn bảo đấy chỗ kia hồi trước là rạp chiếu phim của công nhân nông trường chè, tôi buột miệng rằng chính công nhân với nếp sinh hoạt quy củ, đã hình thành nên cái phong thái chưa hẳn là đô thị nhưng không rặt là nông dân ở chốn này và điều đó khiến ta tò mò. Người ta nhớ nơi đây là chè, là số phận se thắt của những nữ công nhân không chồng mà có con. Tôi ra đứng ngó cái giếng tập thể công nhân, xa xa mây trắng vắt ngang núi thành dãy dài, ánh lên trong nắng sớm và xanh thẳm trời cao, thấy như rơi vào ký ức trong mát xa vời. Giếng bây giờ đã nằm ở lòng suối, bơ vơ, cô độc như dấu chấm than buồn quá vãng. Thời đó, giếng này nuôi mấy trăm người. Từ đó kéo một đường thẳng sang bờ bên kia là con suối cũ giờ đã đào đãi vàng lấp mất. Có hai suối nam và nữ. Những chứng tích một thời. Bao người đã tắm, đã uống, đã giặt giũ, vui chơi, lớn lên tại đây rồi ra đi. Những đứa trẻ ngày đó, kẻ còn bám quê, kẻ đã dứt áo. Cái giếng lùi xa, ngổn ngang cạnh nó là rác thải. Có lẽ người ta quên nó rồi, như quên hai dãy nhà tập thể giờ thành chỗ trâu bò ở. Có người đi xa trở về, bốc hòn sỏi ném xuống lòng giếng, bảo nghe như tiếng nấc sâu thẳm dội từ lòng mình.
Đất lành chim đậu, không ai cưỡng lại được điều đó. Tôi nhớ người bạn, nhà mấy đời ở Sài Gòn, gần tết điện hỏi ngoài đó tết cúng ra sao, giỗ chạp, lễ hội thế nào, đâu là truyền thống, đâu là hiện đại, quốc doanh… Xong, bảo thế thì quá hay, ước chi trong này cũng được như thế, rằng Sài Gòn không có đâu, mình quê Sa Đéc nhưng mất gốc rồi. Tôi nói đô thị là thế, phải chấp nhận, không thể có chuyện lùa bò thả trâu bơi thuyền giữa phố mừng tết. Bạn bảo thì biết vậy, nhưng nhịp đập văn hóa truyền thống, thèm lắm, giữa một năm quần quật làm ăn, hết năm Sài Gòn vắng ngắt bởi 2/3 là dân ngụ cư kéo về quê cũ. Ôi, biết làm sao, kẻ ở quê thì mê phố, ở phố muốn về quê.
Nhớ đến đây, tôi ước rồi Trung Man sẽ như thế, lúc đó Trung Man là gì, sẽ gọi tên được.
Ghi chép của LÊ TRUNG VIỆT