Người Quảng Nam

Đất đai và tục cúng đất

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 09/02/2024 11:21

"Có đất, có dân mới quy tụ nên làng", ông cha ta nói vậy! Một nhà thơ đã viết "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn". Mối quan hệ giữa đất và người là quan hệ qua lại từ bao đời nay vậy!

tnb-61762.jpg
Tục cúng đất ở Quảng Nam hiện vẫn được duy trì từ cộng đồng đến tư gia - một cách để tri ân tiền nhân đã có công mở đất, lập làng. Ảnh: L.V

1. Một lần đến chơi với bạn tôi ở làng Mạc Xuyên cổ, nay là Mỹ Xuyên Tây (thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) nghe anh bạn Trần Văn Hảo kể: Mạc Xuyên nghĩa là cát và sông.

Đây là vùng đất nhiều cát trắng và chung quanh có những con sông, như sông Thu Bồn, sông Kẻ Thế… Vì chữ “Mạc” khiến người ta liên tưởng đến nhà Mạc, nên từ năm 1572 Mạc Xuyên đổi thành Mỹ Xuyên.

Tiền hiền làng Mỹ Xuyên là ngài chánh Đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công vào đây từ đất Bắc. Trong văn tế Tiền hiền trước đây còn lưu lại thì Tiền hiền làng ở Hồng Lĩnh thuộc trấn Nghệ An.

Nhờ trưng công toàn bộ điền thổ để dân làng Mỹ Xuyên được hưởng lộc nước nên từ trước đến nay đất của Mỹ Xuyên đều là 100% đất công, Hiện trong làng vẫn còn đình thờ Tiền hiền. Chính giữa hậu tẩm có 3 chữ “Phụng Tiền Hiền” và bài vị ghi là “Phụng vị Tiền Hiền Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công”.

Anh Trần Văn Hảo, cựu nhà giáo, người có công nghiên cứu về sử làng nhấn mạnh yếu tố đất công từ xưa của làng. Anh cho rằng, chính ngài Tiền hiền thời lập làng đã vận động binh lính khai thác đất đai và ghép đất của các làng Chăm vào nên trưng công toàn bộ để chia cho các lưu dân đến sau có ruộng để canh tác.

Đó là yếu tố đặc sắc về quản lý đất đai ở Mỹ Xuyên mà các làng chung quanh không có được!

Quay ra Điện Bàn, trường hợp làng Quảng Lăng (nay thuộc phường Điện Nam Trung) cũng là một điển hình thú vị.

Theo LiTana, Quảng Lăng và Quảng Hậu là hai trại, bên cạnh sáu Giáp phía bắc dinh trấn Thanh Chiêm. Vào năm 1555 khi “Ô châu cận lục” của Dương Văn An ra đời, các địa danh này chưa có tên trong 66 xã ở Điện Bàn. Chưa có xã hiệu nghĩa là chưa đủ 50 dân đinh, cả Trại và Giáp đều vậy.

Theo “Quảng Lăng, đất và người”, thì: cả hai ngài thủy tổ tộc Võ Như và tộc Đặng Hữu đều đến Quảng Lăng đầu tiên, quy dân, lập điền trang doanh trại dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tân năm 1665 - 1667. Hai ngài đó là Võ Như Oanh và Đặng Hữu Chiếu là tiền hiền làng Quảng Lăng. "Quảng Nam xã chí" năm 1944 cũng xác định điều này.

Các vị cao niên ở Quảng Lăng xác định, đây là một vùng sông nước, có rừng, có gò xen kẽ. Quảng là rộng, Lăng là gò, rừng, lùm, bàu.

Các địa danh cổ như bến Lội, cồn Hống, cồn Cất Rớ, bàu Ông Lại, bàu Sen, bàu Ốc Hạ chạy theo hướng Bắc - Nam, hay bến Mắm, bến Chức và các loại vật dụng do người dân khai quật khi đào giếng, cải tạo đồng ruộng như mỏ neo, bánh lái, ván thuyền, cột buồm…, chứng tỏ xưa nơi đây là một vùng sông nước, tổ tiên các tộc họ đã rất kỳ công biến một vùng đất như vậy, từ một trại để lập thành làng lúc có đủ số dân và có xã hiệu.

Như vậy, cha ông chúng ta đã đấu tranh với thiên nhiên và cả khí hậu khắc nghiệt hàng mấy thế kỷ để giành lấy đất đai, từ sình lầy, sông suối, cho các thế hệ hôm nay. Đất đai ấy, từng mét, là một di sản có được đến nay, có thể nói là đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của hàng chục thế hệ đã qua…

tnb-61762-03.jpg
Hiên nhà mùa xuân. Ảnh: L.T.K



2.
Nghĩ về đất đai của tiền nhân, ta lại liên tưởng đến tục cúng đất hay tá thổ của người Quảng.

Tá thổ là gì?

Cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân định nghĩa: “Tá thổ là thuê đất, mượn đất”. Vậy mượn của ai, thuê của ai mà phải cúng? Ông Xuân dẫn ra các văn tế trong lễ cúng đất hay tá thổ: “Chú Ngung, Man Nương” (Chú Ngung Đào Lương Bang, Man Nương Nguyễn Thị Thục). Lồi, Lạc thương vong. Chàm, Chợ, Mọi rợ. Đăng chủ hương hồn. Đồng lai cộng hưởng”.

Đó là những sắc dân, những linh hồn đã ở trên đất này. Người ta cho rằng “Lồi” là sắc dân có trước cả người Chăm, có thể họ đã bị người Chăm tiêu diệt trước đó để chiếm đất từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên.

“Lạc” và “Mọi” là các sắc dân vùng núi cao có thể đã bị người Chăm đánh bạt khỏi vùng đồng bằng chăng. Ông Xuân cho rằng bài văn tế cúng đất trên đây là một tài liệu quan trong để tra cứu các sắc dân vùng Hóa Châu trước khi có người Chăm.

Và người Việt đến tiếp quản vùng đất này, chúng ta lại “tá thổ” - cúng đất để tạ ơn những giống người đã đến khai phá vùng đất này, kể cả các “thương vong” của họ, như một nghĩa cử nhân văn là lòng biết ơn!

Điều này nhắc ta nhớ lại Tiền hiền Lê Quý Công của làng Mỹ Xuyên (Mạc Xuyên), khi ông sáp nhập đất đai của các làng Chăm chung quanh đã bỏ đi vào làng mình và sung tất cả vào công điền để chia cho những lưu dân mới đến có chỗ trồng tỉa, ổn định cuộc sống… Và chắc chắn người dân Mỹ Xuyên và quanh vùng Trà Kiệu, Duy Xuyên cũng rất coi trọng lễ cúng đất hàng năm như những nơi khác khắp xứ Quảng…

Lễ cúng đất hay tá thổ ở Quảng Nam, theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân là vì hai lý do: Để an ủi tiền nhân vì đã mất đất đứng và xin họ đừng vì phẫn nộ mà quấy phá kẻ hậu sinh.

Cúng đất ở xứ Quảng ngày nay vẫn được duy trì theo cách cá nhân hóa đến từng gia đình, vừa nhớ ơn người xưa lại vừa cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đình an khang.

“Người xưa” ấy, theo người viết bài này, cần bao quát cả các tiền nhân đã nhường lại đất đai cho địa phương mình, là vị Tiền hiền đã mở mang bờ cõi cho các lưu dân đến sau có nơi sinh sống làm ăn.

Trong tục cúng đất ấy, ngày nay người dân xứ Quảng còn có phần tưởng nhớ vong hồn những người đã chết vì bị tên bay, đạn lạc do chiến tranh; những vong hồn không nơi nương tựa, mà họ tin là đang vất vưởng đó đây…

Phải chăng đó cũng là một nghi thức văn hóa dân gian nên được gìn giữ vào những ngày đầu năm!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đất đai và tục cúng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO