Đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm: Tính toán kỹ nhu cầu

XUÂN PHÚ 09/03/2021 07:48

Ngoài chính sách miễn học phí được thực hiện từ nhiều năm nay, sắp tới sinh viên (SV) sư phạm theo diện “đặt hàng đào tạo” còn được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo quy định tại Nghị định 116 (25.9.2020) của Chính phủ.

Sinh viên sư phạm tới đây sẽ được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí trong suốt thời gian học tại trường. Ảnh: X.P
Sinh viên sư phạm tới đây sẽ được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí trong suốt thời gian học tại trường. Ảnh: X.P

Được ưu ái

Lâu nay, SV ngành sư phạm nhận được rất nhiều ưu ái của Nhà nước. Nhiều năm qua, những thầy cô giáo tương lai được miễn hoàn toàn học phí trong suốt quá trình học tập tại trường đại học, cao đẳng. Điều này vừa là chính sách thu hút, vừa tạo thuận lợi cho sinh viên con em gia đình khó khăn vượt qua cản ngại về mặt kinh tế để bước vào giảng đường đại học. Chưa dừng lại ở đó, chính sách hỗ trợ SV sư phạm còn tiến thêm một bước qua Nghị định 116 của Chính phủ ban hành năm 2020 khi bên cạnh hỗ trợ học phí thì Nhà nước còn hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt trong suốt khóa học.

Theo bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính, hiện nay SV sư phạm được miễn học phí nên Nhà nước chỉ còn hỗ trợ sinh hoạt phí. Với định mức sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng thì qua 4 năm ngân sách hỗ trợ cho mỗi SV hơn 145 triệu đồng. Như vậy, cùng với học phí, một SV sư phạm được Nhà nước “nuôi” ăn học cho đến khi ra trường với số tiền tổng cộng khoảng 200 triệu đồng.

Có một điều khác biệt so với trước đây, đó là SV theo học ngành sư phạm được hưởng chính sách này (học phí và sinh hoạt phí) là những người được đào tạo theo nhu cầu của địa phương thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Nghĩa là các tỉnh, thành phố hàng năm rà soát, tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên từng cấp học, môn học tại địa phương mình, từ đó đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo SV sư phạm với cơ sở đào tạo. Có hỗ trợ ắt có chế tài. Theo quy định của Nghị định 116, SV phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nếu không làm việc trong ngành GD-ĐT sau 2 năm ra trường hoặc công tác không đủ thời gian quy định (tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo).

Nhiều băn khoăn

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, Chính phủ giao các bộ ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nên địa phương rất khó triển khai. Một vướng mắc khác, sắp tới đây triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 song chưa biết được học sinh lựa chọn môn học tự chọn nào để đáp ứng nguồn giáo viên. Trong khi đó, thực trạng đội ngũ của ngành và qua kỳ thi tuyển viên chức giáo viên vừa qua cho thấy, giáo viên bậc THCS và THPT hiện nay thừa khá nhiều và số dư này có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong vài năm tới. Vì vậy, số SV sư phạm ra trường trong 4 năm tới ngoại trừ mầm non và tiểu học, còn lại THCS và THPT rất khó tìm việc.

Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Võ Đăng Thể thông tin thêm, Trường Đại học Quảng Nam đang đào tạo 356 SV mầm non và 455 tiểu học, chưa kể các trường sư phạm khác trên cả nước trong khi sau kỳ thi tuyển viên chức giáo viên vừa qua cả tỉnh chỉ còn nhu cầu 583 chỉ tiêu. Với quy mô lớp học được tính toán trên dự báo dân số, có thể khẳng định trong 4 năm tới Quảng Nam không thiếu giáo viên. Do đó, từ năm học 2024 - 2025 trở về sau cần hết sức cân nhắc, kế hoạch đào tạo SV sư phạm phải dựa trên nhu cầu của các địa phương.

PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam lưu ý phải tính toán đến cả số lượng giáo viên nghỉ hưu hàng năm để xây dựng nhu cầu đào tạo sát đúng thực tế nhu cầu. Trong năm 2021, số SV sư phạm tốt nghiệp của trường là 158 mầm non, 144 tiểu học.

Quy định về việc bồi hoàn kinh phí cũng tạo ra nhiều băn khoăn. Hiện nay không có quy định ưu đãi nào trong tuyển dụng đối với SV diện này, họ cũng phải tham gia thi tuyển viên chức giáo viên cạnh tranh. Do đó, câu hỏi đặt ra là nếu thi không đạt thì có phải bồi hoàn? Theo ông Thành, Nghị định 116 quy định sau 2 năm không đi dạy người học phải bồi hoàn nhưng nếu thi tuyển không đậu, hoặc địa phương không có nhu cầu giáo viên, bắt bồi hoàn thì oan cho các em quá. Bà Thảo nói vấn đề đặt ra là thi không đậu có bồi hoàn hay không nhưng cơ sở pháp lý triển khai chưa rõ, nên chờ hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.

Trước đây, Quảng Nam đưa nhiều người đi đào tạo theo diện nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng sau đó việc thu hồi ngân sách hỗ trợ đối với một số trường hợp không thực hiện đúng cam kết rất khó khăn. Nhiều địa phương trên cả nước cũng gặp vướng mắc tương tự, thậm chí có địa phương còn phải khởi kiện người học ra tòa vì không bồi hoàn kinh phí sau khi ra trường nhưng không về địa phương công tác.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm: Tính toán kỹ nhu cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO