Đất hát lời thương

THẢO NGUYÊN 16/04/2023 06:12

Nhân trằn trọc suốt đêm. Chuyện nghe được hồi chiều khiến cô bồn chồn, không dưng mà cảm giác nhói đau ở ngực quấn riết lấy Nhân nhức nhối. 

Thành trở mình, nhắc vợ ráng ngủ một chút, sáng mai phường mở phiên chợ nghĩa tình, hai vợ chồng phụ trách gian rau xanh chắc Nhân sẽ đuối mất. Ngoài ba trăm ký bỏ mối cho tiểu thương, bọn Nhân sẽ nhổ thêm vài mươi ký bó thành từng bó nhỏ gửi bà con đi chợ, chừng 3 giờ khuya cô Thuận ghé phụ.

Đã quen với những phiên chợ người mua không phải trả tiền như này, Nhân vẫn luôn háo hức mỗi khi nó diễn ra, tầm hai, ba tuần phường tổ chức một phiên. Cô nhớ vẻ bối rối của cán bộ phường khi nghe Nhân tới đăng ký góp sức cho chợ nghĩa tình. Bất kể Nhân quả quyết rau vườn nhà sẵn có, má Nhân trồng nào giờ lâu lắc rồi.

Sau một hồi dông dài hỏi thăm chuyện sức khỏe rồi chuyển qua bán buôn, ông thiệt tình biểu Nhân để rau bán đặng lo thuốc men, phường sẽ hỏi vài nhà vườn trên địa bàn, chắc thể nào cũng có ai đó hào phóng. Trong thoáng chốc Nhân hơi tủi dù hoàn toàn hiểu thái độ của bác cán bộ. Từ lâu rồi, lối xóm vẫn thường tặc lưỡi nói Nhân ngay trong bụng mẹ đã bốc phải quẻ xăm xấu, thành ra cuộc đời long đong.

 

Không tài nào chợp mắt nổi, Nhân bật dậy ngó đồng hồ mới rê kim tới một giờ khuya. Ý nghĩ hấp nồi xôi đậu phụng mang ra chợ thình lình chạy qua tâm trí, cô khẽ khàng kéo thau nếp lại ảng múc nước ngâm rồi ngồi thừ ở đó.

Món này vào đầu những ngày thành phố chơi vơi trên đỉnh dịch bệnh COVID-19 hai năm trước, chị Lam thường nấu gửi tặng các khu cách ly. Bạn dân quân nhận chở xôi rảo quanh mấy con hẻm phố thời điểm đó, chiều nay đã rấm rức khóc, “Người tốt vậy mà ông trời toàn chơi ác”. Nhân nén thở dài, nghe mình “ừ” một tiếng khô khốc.

Chị Lam với Nhân hai người phụ nữ không hẹn mà gặp tình cờ, là mối duyên khởi điểm chẳng ai mong muốn. Lúc đó cả hai đều đang trong bệnh viện, ngồi ngoài hàng ghế chờ trên hành lang, Nhân trân trân đếm từng người qua lại, trong khi chị Lam lặng lẽ dán mắt vô mũi giày của chính mình.

Không biết thời gian trôi qua bao lâu, hay có lẽ nó đã dừng lại, khi những người tới khám đều ra về, hai chị em vẫn còn ngồi bất động đến nỗi có bác sĩ tạt qua lay vai hỏi dò liệu cả hai có ổn không, cần giúp gì không. Chị Lam loạng choạng đứng dậy kêu trời giờ giấc trôi mau thiệt bác sĩ à, tui chỉ nghỉ chút thôi.

Chờ bóng áo blouse khuất sau lối rẽ hành lang, chị Lam lướt qua Nhân vài bước, không biết nghĩ sao bèn quay đầu khẽ cười rủ ghé quán cháo đối diện bệnh viện, chỗ đó bán sáng đêm, Nhân lủi thủi theo sau chị không nói không rằng. Đầu óc cô bị bọc trong vòng nút thắt cổ chai, càng cố vùng vẫy tìm lối thoát càng bị thít chặt lại, giá khóc được có khi đỡ hơn, nhưng nước mắt chạy trốn khỏi Nhân rồi.

“Em chợt biết ơn vì chỉ còn một mình. Nếu ở đây giờ này, má sẽ đau lòng biết mấy”, Nhân miết tay lên mặt bàn gỗ, giọng xa xăm, nói chỉ để gió nghe thấy vậy mà chị Lam bưng mặt nức nở.

Đèn bật sáng choang và tiếng lao xao kéo Nhân khỏi dòng nhớ miên man. Cô Thuận ào vô bếp quở nghĩ lung vụ gì để lửa lớn quá, xôi cháy tiếc chết, Nhân bâng quơ hồi này buổi khuya cứ lạnh ngang, ngày thì nắng chan chát rã người. Nhìn cô Thuận lui cui xới nồi xôi nghi ngút khói, cách quãng chút xíu lại len lén nhìn về phía mình, Nhân biết cuộc chuyện trò của hai cô cháu sớm muộn cũng sẽ đi tới chỗ nhắc chị Lam.

Chị sống trong xóm trọ bên khu Gò Mả quạnh quẽ, phòng rất nhỏ, chừng hơn chục mét vuông, nền nức toác mấy mảng tường nham nhở. Nhân đã tới chơi vài lần, lần nào chị Lam cũng lăng xăng phân bua ăn nhiều chớ ở nhiêu đâu. Mà, kỳ thực ăn cũng không bao nhiêu, như Nhân biết.

Chị tiện tặn hết sức, bởi trăm sự chỉ trông chờ xe xôi bán hai bữa sáng, chiều cho công nhân. Mỗi đợt chợ phiên nghĩa tình được mở, tương tự cô Thuận bỏ xe gom phế liệu, chị Lam nghỉ bán bữa sáng lọc cọc đạp xe qua vườn nhà Nhân cắt lá chuối, chẻ dây bó rau. Nhân từng càm ràm nghỉ ngơi đi, lụi cụi miết hại sức dữ, đã không khỏe rồi mà còn, ngay lập tức chị Lam trề môi huých vai cô, “Ý chê tui già rồi chớ gì”. Nhân im lặng trong khi nhìn chị Lam lâu thiệt lâu, cả Nhân và chị, đều đang chịu đựng cùng một chứng bệnh.

Có lẽ sẽ có tiến triển, hoặc không, dù sao đi nữa vào thời điểm đó, Nhân đã từ bỏ hy vọng. Đối với Nhân, hy vọng là thứ cảm xúc phù phiếm. Hồi còn nhỏ, dù rất thiết tha muốn biết, Nhân đã cố ghìm mình lại để không hỏi má ba đâu, tại sao con không có ba giống tụi bạn, rồi cô âm thầm hy vọng một lúc nào ở thì tương lai đột ngột ông xuất hiện, vòng hai cánh tay đang run ôm Nhân mà rằng lâu nay nhớ con gái quá trời, tui loay hoay kiếm đường mòn mỏi mới về được đây.

Hai bảy tuổi, Nhân khóc không ngừng trong ngôi nhà còn hăng nồng mùi vữa vôi mới. Cô đặt hai bàn tay chồng lên nhau thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực liên tục, mặc kệ máu cam mình đang nhỏ từng giọt lên ngực má.

Lối xóm kể, khi nhân viên từ xe cứu thương lắc đầu nặng nhọc, “Trễ quá. Bác bị đột quỵ não”, Nhân vẫn gào thét lạy lục xin người ta cứu bà. Thật vô lý, chỉ vài giờ đồng hồ trước hai má con còn háo hức qua điện thoại. Má đã tan bữa chợ và Nhân hẹn sẽ về sớm đưa má ra quán mỳ ưa thích của bà làm một bữa ngon lành mừng nhà mới.

Hai chín tuổi, Nhân hy vọng có sự nhầm lẫn, cô toét miệng cười khi bác sĩ thông báo bệnh trạng. Bất chấp cơ thể bắn tín hiệu liên tục, Nhân tức tốc phủ nhận, cô đã thầm hứa với má sẽ sống vui và hạnh phúc, nhất định. Vậy nhưng, trong lời hứa, Nhân vô tình bỏ quên sức khỏe, cô không lường được về nó. Nhân đi qua bốn bệnh viện, hy vọng sẽ nhận một kết luận khác, nhưng không điều gì kiểu vậy xảy ra. Những câu cửa miệng tự an ủi, “Sẽ ổn thôi”, “Sẽ có gì đó tốt hơn” vắng dần.

Khác Nhân, chị Lam không từ bỏ hy vọng. Chị sống mỗi ngày với tâm thế lạc quan và lòng biết ơn. Biết ơn vì còn được nghe bé Cà líu ríu, còn được thấy má ngồi tỉ mẩn đan áo len cho con cháu và còn được cùng Nhân, cùng cô Thuận tất bật trong vườn xới đất, tấm tắc khen đợt này rau lên đều xanh thiệt xanh đã mắt rồi rối rít tính lỡ đâu bấy nhiêu bó ít quá, bà con tới sau không có phần áy náy bỏ đâu cho hết.

Cứ sau mỗi hàng rau nhổ lên, chị thường cúi thấp áp tai rì rầm gì đó với đất mà Nhân không nghe rõ, xong thì nheo mắt cười, nói hên quá, đời này được gặp mấy đứa. Bây giờ, Nhân cứ băn khoăn mấy đứa là đất, là những bụi cải, xà lách, hay bọn Nhân, Nhân và Thành.

Vừa về từ chợ đầu mối, Thành nhanh chóng chất mấy cần xé mây đã được xếp đầy rau lên xe. Anh dặn Nhân kiểm tra túi thuốc, uống lúc 8 giờ sáng. Sau ca ghép thận hồi tuần trước, Nhân hãy còn mệt.

Phiên chợ sáng nay vốn dĩ Thành không cho Nhân đi, cô nài nỉ quá, chồng đành nhượng bộ. Mỗi lần nhìn Thành từ đằng sau, tấm lưng tưởng đâu hao gầy hóa ra rất rộng và vững chải, Nhân lại xúc động, nghĩ đời mình đâu chỉ toàn bóng tối.

Cô gặp Thành vào cái lúc mà từng ngày trôi qua đều ước được chết đi. Anh ở đó, trong bệnh viện, tuần một, hai lần cùng những người bạn, họ nấu cháo đem vô tặng bệnh nhân. Đôi khi ân cần dìu bước ai đó, đôi khi khác lại toe toét cười với một đứa trẻ, nhưng trước Nhân, Thành đã nổi khùng.

Cô đứng trên sân thượng bệnh viện, mắt nhắm nghiền, đôi chân bước nhẹ bẫng, biết rằng cảm giác bình yên giả tạo này sẽ chẳng kéo dài lâu, cho nên phải đi thôi, thiệt nhanh tới chỗ má. Từ khi phẫu thuật AVF sẽ là vòng lọc máu vĩnh viễn cho đến hơi thở cuối cùng, hay có thể, hãy thử liên lạc với ba cô coi sao, biết đâu, bác sĩ phụ trách điều trị gợi ý, ừ, biết đâu, ông sẽ cho đứa con gái mình đã vứt bỏ cùng với má nó một quả thận. Nhân cay đắng hỏi ngược, có cách liên lạc với người mình không hề biết sao, thưa bác sĩ?

Phiên chợ đông như mọi lần. Các bà, các cô tíu tít bên những sạp hàng nối sát nhau. Một bác luống tuổi lom khom cầm bó cải bẹ xanh, hấp háy mắt buồn, “Vắng cô Lam, thành ra chỗ này trống quá. Mà, cô Nhân ơi, nghe nói ngày mai bà cụ phải vô trung tâm gì đó, còn cháu Cà sống ở viện mồ côi sao. Thỉnh thoảng ông trời lại bỏ qua người lành”.

Nhân muốn khóc, lần đầu tiên kể từ ngày má đi. Chị Lam mất rồi, vì con vi rút corona vô hình lửng lơ đâu đó trong không khí mỗi ngày bọn Nhân hít thở. Chị ngỡ mình được vui duyên muộn, nào ngờ hay tin bào thai là con gái, người ta bỏ đi một nước không thèm hỏi han. Má chị tròn trèm bảy mươi tuổi lãnh phần nuôi cháu lên ba bằng xe xôi con gái để lại.

Cô Thuận giấu nhẹm chuyện bà cụ có dấu hiệu của chứng Aizheimer nhớ quên đứt đoạn, bởi cùng lúc đó Nhân đã nhập viện, sau những dằng dặc điều trị suy thận mãn giai đoạn cuối, cô được nhận một quả thận hiến từ người cho chết não.

Canh đúng 8 giờ sáng, Thành vạch túi xé từng màng bọc gom thành nhúm thuốc đưa cho Nhân. Cô ngập ngừng chìa cánh tay nổi đầy cục u về phía chồng đón lấy. Có vẻ Thành muốn nói gì đó, nhưng trước khi chồng lên tiếng Nhân đã hít một hơi sâu, cô biết mình không nên và càng không thể lần lữa, “Em muốn đón bà cháu Cà về, chắc sẽ cực, nhưng tụi mình có hai, à, mà ba người lận”. Thành nheo mắt cười, gật đầu. Cô Thuận lao tới ôm chầm bọn Nhân.

Cô Thuận đang nấc lên thành tiếng, cả Nhân nữa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đất hát lời thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO