|
(Tiếp theo và hết)
Dạo Trần Tuân sa vào tay giặc, con ông còn rất nhỏ, đứa trai đầu bảy tuổi, đứa nhỏ nhất mới mấy tháng, bây giờ chúng đã lớn rồi, chắc chúng nó trông cha lắm. Đến nay gần chục năm biền biệt cách xa, ông nhớ cha mẹ, vợ con đến thắt ruột. Không yêu thương vợ con, cha mẹ thì làm sao ông yêu cái rộng lớn, xa vời hơn được. Thế thì lý chi mà ông tự ép mình quá đáng như thế. Sợ chết ư? Sợ liên lụy gia đình ư? Lý do đó có, nhưng là phần nhỏ. Về thăm gia đình hay phải chờ đến cái giờ phút quê hương nổi dậy? Câu hỏi đó mãi giằng xé quyết liệt nơi sâu thẳm lòng ông. Sau lần vượt ngục, gia đình ông nằm trong tầm ngắm số một của đối phương. Bọn hội đồng xã, bọn nghĩa quân lui tới, rình rập, dòm ngó, dọa nạt cha mẹ; dùng mọi thủ đoạn ve vãn chia cắt, chiếm đoạt vợ ông. Gia đình là cái tổ ấm của mỗi con người, nhưng trong lúc này kẻ địch đang giăng bẫy chờ ông tại chính cái tổ ấm đó. Ông về nhà, có thể bị bắt, bị lộ, vỡ hết sự nghiệp mà ông cùng đồng đội và nhân dân đã gầy dựng bấy lâu nay. Xương máu của đồng đội, của quần chúng cơ sở và chính của gia đình ông sẽ đổ, cảnh chết chóc, tù đày sẽ bao trùm lên cả xã. Cơ hội giải phóng quê hương phải lùi lại không biết cho tới bao giờ. Tổn thất khôn lường. Ông quá thấm thía bài học này từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tới nay. Ông nhất quyết không về! Mặc cho tim mình thổn thức! Mặc cho nước mắt lăn dài trên gò má táp gió bạt sương của người đàn ông từng trải.
Nửa cuối năm 1964 đến giữa năm 1965, từ các vùng giáp ranh với rừng núi Trường Sơn có địa thế thuận lợi được giải phóng trước, các đội công tác cùng với bộ đội chủ lực luồn sâu vào vùng địch chiếm, hỗ trợ lực lượng quần chúng nổi dậy tự giải phóng. Hầu hết vùng nông thôn hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà nhất loạt đồng khởi, cách mạng đã làm chủ hầu hết làng quê từ đồng bằng đến miền duyên hải chạy suốt từ Hải Vân đến Dốc Sỏi giáp với Bình Sơn - Quảng Ngãi. Những mảng lớn làng quê được giải phóng tạo thành thế liên hoàn bao vây các thị trấn, thị xã, thành phố là sào huyệt cuối cùng của bọn ngụy quân ngụy quyền từ tỉnh đến cơ sở. Địch co cụm lại ở các đô thị, ven đô, các chốt điểm trên cao, dọc một số tuyến đường huyết mạch...
Đầu tháng 9.1964, Mặt trận Dân tộc giải phóng xã Kỳ Anh do ông Tuân - Đội trưởng đội công tác kiêm Chủ tịch Mặt trận chớp thời cơ, phát động nhân dân nhất tề vùng dậy diệt ác phá kìm, đánh đuổi bọn ngụy quân ngụy quyền chạy lên ẩn nấp tại tỉnh lỵ Quảng Tín - Tam Kỳ. Vùng giải phóng sát biển Kỳ Anh mới mở ra thật khí thế. Ông Tuân cùng đồng chí, đồng đội ngày đêm vận động nhân dân rào làng chiến đấu, đào hầm trú ẩn, động viên con em thoát ly gia nhập quân giải phóng, xây dựng bộ máy chính quyền, mặt trận, các đoàn thể quần chúng, đóng góp lương thực nuôi cán bộ, bộ đội, du kích, bám biển bám đồng tăng gia sản xuất... Mọi việc đều tiến hành trong không khí gấp gáp thời chiến. Nhiều lúc ông đang diễn thuyết trong các cuộc mít tinh thì ca nông từ tỉnh đường Quảng Tín, từ đồn Núi Cấm, Tuần Dưỡng nã tới, mọi người chạy tìm nơi ẩn nấp. Ông Tuân và các chiến sĩ của ông luôn bình tĩnh hướng dẫn nhân dân cách tránh để giảm bớt sát thương của đạn pháo. Khi quả đạn bay tới xé gió rè rè thì nằm rạp xuống đất, nếu nghe tiếng hú dài là quả đạn rơi ở tầm xa. Nếu vụt chạy thì dễ bị mảnh pháo sát thương.
Kỳ Anh mới giải phóng vài ba tháng đã có cả ngàn thanh niên thoát ly tham gia quân giải phóng. Lực lương thanh niên Kỳ Anh được bổ sung cho bộ đội từ huyện đến Quân khu 5. Riêng tại xã có một trung đội du kích tập trung, mỗi thôn có một đến hai tiểu đội du kích ăn cơm nhà đánh giặc, bộ máy chính quyền, đoàn thể hình thành khá hoàn chỉnh, mỗi gia đình đều có hũ gạo tiết kiệm nuôi quân, phong trào thanh thiếu niên rất sôi nổi. Kỳ Anh trở thành nơi cung cấp gạo mắm, nhân tài vật lực cho cách mạng ở chiến khu.
Tuy nhiên, Kỳ Anh là địa bàn nằm dưới đường 1, án ngữ sát phía đông tỉnh đường Quảng Tín. Vùng giải phóng Kỳ Anh như mũi dao chĩa thẳng vào mặt chúng. Vì thế nơi đây lập tức trở thành chiến trường ác liệt. Địch huy động tối đa lực lượng càn quét, oanh kích liên miên nhằm tái chiếm vùng đất này. Cán bộ, du kích Kỳ Anh đã chiến đấu hàng trăm trận giữ vững vùng giải phóng. Để bảo tồn lực lượng cách mạng trên địa bàn gần như cô lập, ông Tuân với tư cách là người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền địa phương chủ trương xây dựng địa đạo Kỳ Anh, hình thành thế trận thiên la địa võng trong lòng đất. Bộ đội, du kích bám chắc vào đất mẹ chiến đấu chống trả hàng trăm cuộc càn quét, đánh phá quyết liệt, tàn khốc của kẻ thù. Trong những năm 1965 - 1967, Kỳ Anh cùng với xã Bình Dương (Thăng Bình) là ngọn cờ đầu phong trào chiến tranh nhân dân ở Quảng Nam.
Đất kiên trung sinh người kiên trung. Từ trong chiến trường vô cùng khốc liệt, từ trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh, ông Trần Tuân đã nổi lên vai trò trụ cột, người có công đầu tổ chức lực lượng, là linh hồn của đỉnh cao phong cách mạng xã Kỳ Anh trong những năm 1963 - 1967. Từ thực tiễn phong trào, Trần Tuân đã được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy, tiếp đến là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Bắc Tam Kỳ rồi được cấp trên điều đi đảm trách nhiệm vụ lớn hơn của huyện, của tỉnh.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, lửa đạn ngút trời, cái chết luôn rình rập từ mọi phía. Trần Tuân, người con ưu tú của đất Kỳ Anh đã không qua được hết cuộc chiến, ông hy sinh trên đường công tác. Ông vĩnh viễn nằm lại nơi rừng núi xa xăm kia. Sau ngày đất nước thống nhất, Kỳ Anh thời kháng chiến chống Mỹ đổi tên thành xã Tam Thăng. Và, một thời máu lửa, bi tráng của vùng đất này đã hun hút lùi về quá khứ. Nhưng, hình ảnh Trần Tuân - một Trần Tuân hùng hồn diễn thuyết khiến cho lớp lớp thanh niên Kỳ Anh vùng đứng dậy đi về phía non sông vẫy gọi - một Trần Tuân anh hùng, tài hoa mà giản dị - một Trần Tuân sắt son với lý tưởng cách mạng mãi đọng lại nơi sâu thẳm tâm hồn của những người kháng chiến và các thế hệ nhân dân Tam Thăng.
Truyện ký của PHẠM THÔNG