Đất kiên trung sinh người trung kiên

Truyện ký của PHẠM THÔNG 29/10/2015 08:32

Trần Tuân người thôn Mỹ Cang, xã Kỳ Anh (nay là xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ). Ông là cán bộ Việt Minh được phân công ở lại hoạt động nằm vùng, bị địch bắt nhốt tù nhiều năm. Năm 1961, từ nhà lao Hội An bọn địch di lý ông vào giam giữ tại Tam Kỳ. Tại đây, ông cùng Hồ Trượng (người Thăng Bình) rủ nhau thoát ngục. Thoát khỏi nhà giam, Hồ Trượng tạt về phía ngã ba Trường Xuân, lên đèo Tây Yên, băng sông Tam Kỳ vào Trường Cửu, Kỳ Trà rồi nhảy lên phía Xuân Bình - Phú Thọ bắt liên lạc với Huyện ủy Tam Kỳ để tìm đường về cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam. Còn Trần Tuân, sau khi chia tay bạn tù, giả dạng dân biển, theo thuyền nậu rổi xuôi về cửa An Hòa. Giữa đường, ông lên Kỳ Xuân tìm đường lên chiến khu. Theo nguồn tin nắm được trong tù, Kỳ Xuân có phong trào rất mạnh, vài năm gần đây có hàng loạt thanh niên bí mật nhảy núi. Các xã ở cánh nam Tam Kỳ đều có dấu hiệu hoạt động của cách mạng. Thôn Tứ Mỹ thuộc xã Kỳ Sanh nằm ngay chân hòn Rơm - núi Chúa đã được giải phóng. Tiếng súng diệt ác ôn vang lên ở nhiều nơi, bộ máy ngụy quyền thôn xã dao động, sợ sệt. Ông Tuân chọn vào phía đó mới có nhiều cơ may thoát lên núi. Thứ nữa, xuôi đò về biển An Hòa cũng là đòn đánh lạc hướng địch. Bởi, thường người thoát tù không bao giờ đi về phía biển mà phải nhắm lên núi, nơi đó mới có “Việt cộng”.  Trên thuyền toàn là người rổi cá ở cánh đó, họ kháo thầm rằng cộng sản đang nổi lên ở nhiều nơi, bắn chết mấy ông cảnh sát, đại diện xã. Tình hình ở các xã phía nam Tam Kỳ rộn lắm. Ông Tuân nghe, bỏ bụng mừng.

Ghe cập bến Kỳ Xuân. Đây là địa bàn từng hoạt động thời kháng chiến chống Pháp, ông Tuân xuống đò lần đến Diêm Trường gặp ông Câu là người quen cũ. Ông Câu có bốn năm người con tập kết, nhảy núi, rất đáng tin tưởng. Ông Câu giấu ông Tuân trong một cái rương hai ngăn, liên hệ với các đồng chí đang hoạt động nằm vùng tại địa phương tìm cách đưa lên chiến khu.

Đường đến chiến khu khó và nguy hiểm. Kỳ Xuân là một ốc đảo, sông lớn sông nhỏ bao bọc tứ phía, muốn lên chiến khu là lần tới cái chân hòn Rơm, núi Chúa xa tít kia; phải qua đò, qua các hàng rào ấp chiến lược Kỳ Khương, Kỳ Sanh; qua những chặng đường, những điểm nút địch thường bố trí mật thám, gián điệp, bảo an, dân vệ, thanh niên chiến đấu canh gác, thám thính. Trong đêm tối, ông Câu bố trí hai người con gái dẫn ông Tuân luồn qua bãi mắm ông Tiệp đến bờ sông Trường Giang, nơi quãng sông rộng nhất chèo ghe đưa qua bến Đá Cồng Cộc, ở đó có người đón đưa lên thôn 8 Kỳ Sanh. Từ đây ông Tuân vác đòn xóc giả dạng người đi cắt lá lần lên phía Tứ Mỹ là vùng giáp ranh được giải phóng đầu tiên của tỉnh Quảng Nam thời đó.

Đến được Tứ Mỹ là ông Tuân như sáo sổ lồng, là về trở lại trong vòng tay yêu thương của những người đồng chí. Từ đây ông sẽ tự do tiếp tục dấn thân trên con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.

Kể từ khi ông Tuân sa vào tay giặc đến lúc này đã sáu năm. Trong sáu năm đó ông trải qua hầu hết đòn tra tấn dã man của địch nhưng luôn giữ một lòng sắt son với Đảng, với dân. Bọn địch có thể giam cầm, đày đọa thể xác ông nhưng không thể đánh gục được ý chí, không thể giam cầm được lý tưởng của ông. Ông tin có ngày lực lượng cách mạng sẽ phục hồi, Đảng sẽ lãnh đạo nhân dân vùng dậy tự giải phóng cho mình.

Ông Tuân đã từng trải hàng chục năm trên con đường tranh đấu, đã được thử thách trong lao tù, sẵn có trình độ và bản lĩnh, chỉ sau một thời gian ngắn thích nghi với môi trường mới, tình hình mới, ông được huyện ủy phân công theo đoàn công tác do ông Cúc Vọng người Kỳ Thịnh phụ trách, về hoạt động ở cánh bắc Tam Kỳ. Lúc này cơ sở cách mạng trong các làng xã còn mỏng, để báo hiệu cho quần chúng biết rằng cách mạng nay đã lớn mạnh, đã hiện diện trên vùng đất này, ông Cúc Vọng chỉ đạo Đội công tác do ông phụ trách lên đỉnh Dương Ba Đầu cao nhất vùng, dùng cây tre dài cắm ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lá cờ rất lớn, treo ở đỉnh cao, dân chúng các xã Kỳ Thịnh, Kỳ An đều có thể nhìn thấy. Họ kháo thầm với nhau: “Cách mạng đã về! Mình đã về”.

Ông Tuân là người nhạy bén, có năng lực tổ chức, diễn thuyết lôi cuốn người nghe, lại là người vùng đông, am hiểu địa bàn, huyện ủy phân công ông phụ trách Đội công tác Kỳ Anh. Thông qua người dân của thôn Thạch Tân, Vĩnh Bình, Tỉnh Thủy thuộc xã Kỳ Anh lên nguồn bán cá mắm, chiếu lác, lưới bắn, mua tranh về lợp nhà, mua lá thị về nhuộm lưới, mua tre về đặt chà nhử cá ngoài biển…, ông tuyên truyền giác ngộ,  móc nối xây dựng cơ sở cách mạng tại quê hương mình.

Với phương thức gầy dựng từ xa như thế, cơ sở cách mạng lần lượt được cài cắm rải rác ở các thôn trong xã. Đầu năm 1963 ông Tuân xin ý kiến huyện ủy bí mật đưa Đội công tác từ Kỳ Quế luồn lách các ấp chiến lược Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Lý, vượt đường 1 về Thạch Tân, Vĩnh Bình nằm vùng vận động quần chúng. Cuối năm 1963, Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tình hình chính trị rối ren, chính quyền Sài Gòn tranh giành quyền lực, xâu xé lẫn nhau, phong trào đấu tranh của Phật giáo, sinh viên nổi lên quyết liệt, ngụy quân ngụy quyền tại các làng xã dao động cực độ. Ta lợi dụng thời cơ, phát triển lực lượng, tấn công mở rộng vùng giải phóng, giành thế chủ động trên toàn chiến trường miền Nam. Tại Kỳ Anh, ông Tuân cùng đồng đội tăng cường hoạt động bắt nối thêm nhiều cơ sở. Mỗi thôn có tổ du kích mật; bộ khung cán bộ xã và mười một thôn được ông lên danh sách trong đầu, khi nổi dậy sẵn người đáp ứng công việc cấp bách của vùng giải phóng mới mở ra. Các cuộc họp, tiếp xúc giao nhiệm vụ cho các đầu mối cơ sở đều diễn ra ở những chỗ vắng vẻ. Tuyệt mật là nguyên tắc sống còn mà ông và đồng đội luôn ghi nhớ khi hoạt động trong vùng địch hậu.

Về nằm tại Kỳ Anh gần hai năm, lúc ém mình trên rầm nhà ông Tôn, xóm Chùa, Mỹ Cang; khi ẩn trong buồng nhà bà Hoành, nhà ông Tam, thôn Thạch Tân hoặc nằm hầm bí mật ở thôn Vĩnh Bình... cách nhà cha mẹ chỉ vài ba trăm mét nhưng ông Tuân không thể về gặp vợ con, cha mẹ. Thà rằng trong những năm ở tù, bị địch gông cùm, cấm cố buộc phải chịu đựng, còn lúc này chỉ mấy bước thôi nhưng ông tự cấm mình.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đất kiên trung sinh người trung kiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO