Trong phạm vi những tập quán ở các làng quê Việt, xem ra còn nhiều lề thói xưa xen lẫn tốt xấu...
Trên quỹ đạo chuyển dịch, vận động của mình, cái thực thể văn hóa vừa “tiếp” vừa “biến”: tiếp nhận những yếu tố ngoại lai rồi dung hòa với những yếu tố bản sắc của mình để khai sinh những trạng tướng mới. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, có những “lề thói” thuần Việt nơi đất làng vẫn chưa bị xóa sổ bởi các quy luật “tiếp biến” văn hóa nêu trên. Xin mô tả lại một vài trong số đó.
Ăn cơm phá nhà
Còn nhớ cái năm tôi sửa ngôi nhà rường 5 gian. Ngôi nhà này đã trải qua 3 đời, đến tôi là đời thứ tư, xuống cấp nặng đến mức người sống dưới mái nhà ấy phải đương đầu với nhiều nỗi bực dọc thường trực như mối mọt, dột nát, tróc lở, tối tăm... và cả nguy cơ toi mạng vì cột đổ bất cứ lúc nào. Tôi quyết định dỡ ra xây lại thành một cái nhỏ hơn, bỏ qua điều tối kỵ mà người xưa truyền lại: thứ nhất vườn đem ra, thứ nhì nhà đem vô.
Lễ hội đâm trâu ở Đông Giang, một tập tục hiến sinh truyền thống nhưng gây cảm giác mạnh đối với du khách. |
Hôm triệt hạ ngôi nhà cũ, tôi mượn được hơn một chục người đến giúp. Họ tự phân công nhau mỗi người một việc, không cần tới sự “chỉ đạo” của gia chủ. Đến xế chiều, công việc hoàn tất. Hầu hết vật liệu đều còn nguyên vẹn và được sắp xếp ngăn nắp. Trong bữa rượu tạ ơn, tôi lí nhí đòi trả tiền công liền bị mắng át: “Cái chú ni đi lâu quên hết lệ làng. Có ai đời ăn cơm của chú mi, phá nhà của chú mi lại đi lấy tiền công?”. Không những vậy, đến ngày tôi bỏ móng lóng nền nhà mới, rất nhiều bà con trong làng đến hỏi: “Chú mi có việc chi mần để tau kiếm một đôi công”. Nên hiểu, “kiếm công” ở đây không phải là làm công lấy tiền mà là “khuyến mãi”… tình làng nghĩa xóm. Bởi cái “thói quê” từ bao đời nay là vậy!
Tiếng trống báo tang
Ngày nay không chỉ các thành phố lớn mà ngay cả ở các thị xã, thị trấn nhỏ cũng đã có các dịch vụ tang ma. Nhà có người chết, chỉ cần nhấc điện thoại lên là sẽ có người đến đảm nhận tất tần tật công đoạn từ khâm liệm đến an táng. Tang chủ chỉ lo tập trung vào việc... khóc lóc và chuẩn bị tiền. Nhưng ở đâu đó sau các lũy tre làng vẫn còn giữ được lệ cũ. Nếu trong xóm có người chết, ông trưởng họ hoặc trưởng xóm sẽ giục vài hồi trống. Chỉ một lát sau, bà con xóm giềng đã đến chật sân. Trong lúc tang gia đang bối rối, các vị kỳ lão sẽ đứng ra nhờ cậy, cắt đặt mọi chuyện từ khâu đi mua sắm đồ tang chế đến việc thành lập đội âm công. Ai cũng sẵn sàng đóng góp một phần công sức của mình vào cái sự kiện “đời người ai cũng một lần” này, bởi họ luôn quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” mà người xưa từng nhắc nhở. Còn nếu có nhà nào nghe trống giục mà lười không đến, ông trưởng xóm sẽ xông thẳng vào tận bếp mà hỏi xéo: “Chẳng lẽ nhà chú từ rày không còn ai chết nữa sao?!”. Nghĩ tới viễn cảnh nhà có chuyện mà chẳng ai thèm ngó ngàng tới, có lẽ không ai dám ngồi lì.
Chuyện kiêng cữ
Mặc dù ánh sáng khoa học đã đi theo sách vở và truyền thông soi rọi đến từng ngõ quê, nhưng cho đến nay ở nông thôn vẫn còn lắm điều kiêng cữ. Trong lễ cưới, cô gái nào đã trót mang bầu thì khi đoàn đưa dâu vừa vào đến sân nhà trai sẽ có bà cô chạy ra dắt nhanh vào cửa bên và phải bước qua một tàu lá chuối. Riêng thao tác đó cũng đã khiến không những cô dâu mà cả họ nhà gái phải sượng mặt. Tiếp đó, nghi thức cáo gia tiên sẽ bị gạch đi trong chương trình hôn lễ. Ở một số nơi còn nghiêm khắc tới mức không cho đôi tân hôn ra trình diện trước hai họ. Cô vợ trẻ đành trốn kỹ trong buồng, vừa khóc thút thít vừa đấm túi bụi vào ngực chồng mà trách móc: “Tại anh, tại anh đó!”. Tội thiệt!
Sẽ xử trí thế nào với những tập tục hiến sinh làm nhiều du khách phải “đêm nằm thấy ác mộng” như lễ đâm trâu , lễ chém lợn đang được “bảo tồn” trong các thôn bản ở xứ ta? |
Còn trong chuyện tang khó, những tập tục mê tín dường như vẫn chưa thông thoáng hơn xưa là mấy. Người chết ở bên ngoài như chết đuối, đụng xe, kể cả chết trong bệnh viện… thì thi thể chỉ được phép đặt ở ngoài sân, không được đưa vô nhà. Trong năm, nhà nào có tang thì tết đến tất cả những người chịu tang đừng có láng cháng bước qua ngõ nhà người khác nếu không muốn bị nguyền rủa. Sự kiêng kị còn nặng nề hơn đối với trường hợp nhà có thai nhi sút sổ. Không chỉ ngày tết mà cả những ngày bình thường cũng không ai dám đến nhà, và tất nhiên các thành viên trong gia đình cũng đừng hòng được mời trong những dịp giỗ chạp, cưới hỏi, tân gia. Tập tục gọi đó là nhà có phong long. Nếu ai vì không hay biết mà lỡ tiếp xúc với gia đình phong long thì khi về phải lo xông khói, tẩy uế cả nhà. Người ta đổ tội cho phong long mọi sự xúi quẩy, tai họa. Con đau, heo chết, gà dịch,… thậm chí đến vại cà muối bị thối ruỗng cũng tại phong long. Nhưng hỏi phong long là cái thứ gì, già trẻ đều ú ớ. Lạ thiệt!
Có một lề thói không thể chấp nhận được vẫn còn rất phổ biển ở các làng quê: gia súc, gia cầm chết không được đem chôn hoặc tiêu hủy mà vất ra bờ bụi hoặc dưới kênh mương. Hỏi lý do, được trả lời rằng: “Xưa bày nay bắt chước, làm vậy mới tiếp tục nuôi được!”. Nhưng lũ chó háu ăn lại tha các xác chết đó về lại nhà chủ. Nếu gặp phải trận đại dịch thì những ngày sau người ta lại phải tiếp tục đi liệng xác chết, cả làng thối um…
Như vậy, trong những tập quán cổ truyền còn lại ở làng quê, bên cạnh các yếu tố thấm đẫm tính nhân văn cần được khuyến khích bảo tồn vẫn có nhiều tục lệ không còn phù hợp với thời đại. Không phải bất cứ thứ gì có nguồn gốc lâu đời đều phải được nâng niu đưa vào bộ sưu tập “bản sắc văn hóa” của cộng đồng. Ngay cả những tập tục của các dân tộc thiểu số vốn được quảng bá lâu nay cũng cần phải được chọn lọc lại theo các tiêu chí khoa học và văn minh. Sẽ xử trí thế nào với những tập tục hiến sinh làm nhiều du khách phải “đêm nằm thấy ác mộng” như lễ đâm trâu, lễ chém lợn đang được “bảo tồn” trong các thôn bản ở xứ ta?
Phan Văn Minh