Đất ở đâu để trồng rừng thay thế?

NGUYÊN ĐOAN 13/01/2021 14:55

(QNO) - Tham gia thảo luận tại tổ sáng nay 13.1, đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My đã đặt vấn đề như trên và đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm diện tích đăng ký trồng rừng thay thế của các dự án thủy điện ở miền núi.

Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ sáng nay 13.1. Ảnh: N.Đ
Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ sáng nay 13.1. Ảnh: N.Đ

Trước đó, UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh về việc xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án Thủy điện Sông Tranh 4 trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Tiên Phước.

Dự án này có tổng diện tích theo trích đo địa chính là 434,192ha. Trong đó, 28,032ha thuộc phần diện tích đã thu hồi đất chuyển sang đất năng lượng năm 2018, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4. Phần diện tích đang triển khai đo đếm giải thửa hiện nay là 406,16ha.

Còn hiện trạng rừng đề nghị xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án thủy điện Sông Tranh 4 được xác định cụ thể là 33,734ha; chức năng rừng sản xuất và thuộc loại rừng trồng.

Theo đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở NN&PTNT đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích đất rừng bị ảnh hưởng bởi dự án trong quy hoạch của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030 và phối hợp cùng Bộ NN&PTNT cập nhật nội dung này vào quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Nhiều tác động bất lợi do thủy điện gây ra ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân vùng hạ du. N.Đ
Nhiều tác động bất lợi từ các công trình thủy điện làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân vùng hạ du. N.Đ

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh nhấn mạnh rằng, quỹ đất để thực hiện trồng rừng thay thế hiện nay không có.

Theo bà Thanh, khi Ban Dân tộc HĐND tỉnh đi khảo sát, giám sát nội dung chuyên đề có liên quan, các địa phương cơ sở báo cáo đâu còn quỹ đất để trồng rừng thay thế nữa. Thủy điện Sông Tranh đã đem việc trồng rừng thay thế xuống quỹ đất huyện Phú Ninh, chuyển chức năng phòng hộ xuống địa bàn này. Như vậy, có phát huy được chức năng phòng hộ đối với khu vực xung quanh thủy điện Sông Tranh đó hay không, tình trạng khô hạn tại khu vực này ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

“Tôi đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ trong thời gian vừa qua chúng ta đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm diện tích đăng ký dự kiến sẽ trồng rừng thay thế đối với các dự án lấy đất rừng ở khu vực miền núi để xây dựng các nhà máy thủy điện” – bà Thanh phát biểu.

Kết quả khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy hiện nay không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế. Ảnh: N.Đ
Kết quả khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy hiện nay không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế. Ảnh: N.Đ

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho biết, dự án nêu trên đã được HĐND tỉnh thống nhất thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại Nghị quyết số 40 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh với tổng diện tích là 369,78ha (Hiệp Đức 278,6ha, Tiên Phước 91,18ha).

Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng 33,734ha rừng sản xuất sang mục đích khác của dự án Thủy điện Sông Tranh 4 trên địa bàn tỉnh. Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo đúng quy định của pháp luật về Luật Lâm nghiệp.

Giải trình các nội dung đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang khẳng định: “UBND tỉnh đã có chủ trương chính thức tạm dừng xem xét chủ trương đầu tư các dự án thủy điện để rà soát, đánh giá lại và xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi có chủ trương mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đất ở đâu để trồng rừng thay thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO