Không chỉ tập trung nghiên cứu, phản ánh… những vỉa tầng văn hóa xứ Quảng, các tác giả trong tập sách “Đất Quảng - một góc nhìn văn hóa” (NXB Đà Nẵng, 2024) còn dành tâm huyết bày tỏ nỗi niềm trăn trở trước công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa...
Đây là ấn phẩm thuộc “Tủ sách Đất Quảng” do Nhà xuất bản Đà Nẵng phối hợp Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng thực hiện. Những bài viết được chọn lọc ở chủ đề văn hóa đã đăng tải trên các ấn phẩm của hai tờ báo, nhằm góp tiếng nói thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương, thống nhất non sông (1975 - 2025).
Tiếp cận ấn phẩm này, bạn đọc sẽ bắt đầu đi từ những trầm tích ở thời kỳ Sa Huỳnh và Champa với các di tích Bàu Dũ, An Bang, Chiên Đàn, Khu đền tháp Mỹ Sơn, kinh thành Trà Kiệu, kinh thành Bão tố Rudra-pura… Rồi đến đô thị cổ Hội An - chứng nhân giao lưu kinh tế - văn hóa, hội nhập quốc tế và một đô thị Đà Nẵng vươn mình trong thời đại mới.
Đó là bước đi từ văn hóa làng Quảng đến văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị giữa thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu. Ở đó, người đọc có cơ hội “lặn” vào trong nét độc đáo, đa dạng của văn hóa lễ hội, tập tục từ miền biển đến đồng bằng lên trung du, miền núi; với lễ hội đua ghe, hát bả trạo, hô hát bài chòi, hát bộ, đâm trâu, cúng lúa trăm mừng lúa mới…
Như trong bài viết “Làng Quảng, cái nôi văn hóa Quảng”, tác giả Hà Huyền Hoa (Trương Điện Thắng) cho rằng, “… người Việt Quảng Nam vốn sống trong các làng nông thôn. Sau những tiếp cận, dung hóa với văn minh Chămpa, làng Quảng và các sinh hoạt của nó chính là nơi tạo ra văn hóa Quảng”.
Hay đọc “Chờ một cơn mưa” (Thành Công - Đăng Ngọc), “Người Cơ tu đặt tên làng” (Alăng Ngước), “Nhìn lên cao thấy ché” (Đăng Nguyên) đến “Dặm dài chợ quê ven biển” (Tôn Thất Hướng), “Những “trái tim” có… sẹo” (Trung Việt), người đọc hình dung được nét đa dạng và những biến đổi trong đời sống văn hóa từ miền núi đến vùng biển và đô thị của xứ Quảng.
Cùng với đó, những bài viết về văn hóa ẩm thực đã làm nên bản sắc Quảng như mỳ Quảng, cao lầu, bánh tráng đập mắm nêm, mít trộn, nước mắm, nước chè… Những món ngon được tiếp biến và cải tiến qua bao đời, là đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn hay mỗi dịp tụ tập, hội hè, bên mâm cỗ làng hay đám tiệc giữa phố…
Với tập sách này, người đọc còn tiếp cận những giá trị văn hóa phi vật thể, gắn với truyền thống tốt đẹp bao đời của người xứ Quảng. Đó là tinh thần hiếu học, ý chí cầu tiến và canh tân qua những danh xưng “Ngũ phụng tề phi”, “Lục phụng bất tề phi”…
Là tính cương trực, thẳng thắn, thích tranh luận để đi đến tận gốc rễ của vấn đề; là bản sắc độc đáo, riêng có từ mâu thuẫn nội tại con người xứ Quảng như đổi mới và bảo thủ, dễ thích ứng và hay cãi, lãng mạn và duy lý…
Trong bài viết “Phẩm chất hiếu học của người Quảng xưa”, tác giả Bùi Văn Tiếng chỉ ra rằng: “Ngay học chữ thì không phải lúc nào người Quảng cũng hiếu danh, cũng chăm chăm với mục đích học để thi đỗ và ra làm quan. Và ngay làm quan thì người Quảng vẫn có những quan chức thật sự hiếu học như Phạm Phú Thứ …”.
Không chỉ tập trung vào nghiên cứu, biên khảo, phản ánh… những vỉa tầng văn hóa xứ Quảng, các tác giả trong tập sách còn dành tâm huyết bày tỏ trăn trở trước công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, những lo toan cho cả mai sau.
Đó là làm sao lưu giữ bản sắc làng Quảng trong quá trình xây dựng nông thôn mới; gìn giữ và phát huy văn hóa xứ Quảng trong biến thiên thời gian và thời cuộc; làm sao bảo tồn, khôi phục những di tích vật thể và phi vật thể của tiền nhân gửi gắm lại trong thời kỳ đô thị hóa và hội nhập thế giới; bảo tồn lời ăn tiếng nói, câu ca giọng hò, tập tục, lễ hội xưa… trong quá trình tiếp biến đa thanh đa sắc đa ngôn.