Tập sách "Đất Quảng trong lịch sử: Tư liệu và Nghiên cứu" (NXB Đà Nẵng, 2022) của tác giả Hy Giang Lê Thị Mai thông qua việc khai thác nguồn tài liệu thành văn đã tập trung khảo cứu, phân tích một số vấn đề lịch sử, văn hóa đất Quảng từ thời Chămpa đến thời Pháp thuộc.
Sách có kết cấu 2 phần: Đất Quảng từ dấu xưa Chămpa đến thời chúa Nguyễn và Đất Quảng từ đầu triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc. Phần lớn bài viết trong sách đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề địa danh của vùng đất xứ Quảng, cụ thể là khu vực thuộc Bắc Quảng Nam (từ Duy Xuyên trở ra Hải Vân).
Tác giả với lòng yêu mến vùng đất quê hương và cách làm việc khoa học đã làm rõ nhiều tầng lớp địa danh qua thời gian; cũng như đề cập lại các địa danh “vang bóng một thời” nay không còn.
Ví dụ có các tên làng rất đẹp như Du Xuyên, Ảnh Dương Hải Tuyền (thuộc quận Hải Châu, Đà Nẵng hiện nay); các tên rất hay có tính chất “sông nước” như Hoài Thủy, Hy Giang (Duy Xuyên); là sự sản sinh các đơn vị hành chính mới như “thuộc”, hoặc tính chất về không gian của một đơn vị hành chính không giống như ta nghĩ ngày nay, đó là sự không liên cư liên địa, hay đơn vị hành chính này bao bọc lấy đơn vị hành chính kia…
Từ những thống kê này cho độc giả thấy sự thay đổi địa danh qua các thời kỳ đối với một làng xã cụ thể, mà hiện nay khi nghiên cứu đặt tên đường (theo địa danh) cần hết sức cẩn trọng để đảm bảo cả hai yếu tố: một cái tên sát đúng nhất đối với nơi đó và đảm bảo tính mỹ học của nó.
Nhiều bài viết còn lại trong tập sách cũng đã làm rõ hơn những nhân vật gắn với không gian cụ thể, có tính đại diện trong việc thể hiện tính chất lịch sử, văn hóa của đất Quảng.
Đó là việc trùng tu đình châu La Tháp (Duy Xuyên); về nhân vật lịch sử Nguyễn Duy Kế (Duy Xuyên) với làng Bàu Ấu (Phương Trì, Thuận Trì); về ngài Trúc Đường Phạm Phú Thứ với Hội Nguyên kiều (Điện Trung, Điện Bàn); về tấm bia Chân Quý tì khưu ký lược bi (Mai Châu, Quảng Đông, Trung Quốc)...
Các thông tin trên góp phần luận giải nhiều vấn đề lý thú về tấm lòng, đức độ của các nhân vật, sự giao lưu văn hóa, tôn giáo, thương mại giữa Trung Hoa, Nhật Bản với xứ Quảng, Đàng Trong thời Nguyễn qua các câu chuyện lịch sử cụ thể.
Ngoài ra, tập sách có tính gợi mở hướng nghiên cứu mới nhưng cũng đầy khó khăn, đó là sinh thái học lịch sử, cụ thể là vùng đất xứ Quảng. Tập sách chỉ có một bài viết đề cập trực tiếp về chủ đề này là “Phong thổ xứ Quảng qua tác phẩm Hải Ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán (cuối thế kỷ 17)”.
Thế nhưng các bài nghiên cứu địa danh khác trong sách cũng đã gián tiếp đề cập sinh thái học lịch sử, với sự biến đổi của địa hình, dòng chảy các con sông, của các đầm, ao, hồ,…; của những cảnh quan lịch sử xứ Quảng theo các dòng sông (chủ đạo của sông Thu Bồn) để có thể hình dung một khung ảnh yên bình mà tiền nhân ta đã sống thuận theo nó. Điều này để lại sự suy ngẫm cho hậu thế về một quy hoạch không gian địa lý bền vững, ưu tiên theo hướng thuận theo tự nhiên.