Đất Quảng tưởng nhớ người

LÊ NĂNG ĐÔNG 02/09/2015 12:02

Ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc từ trần. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân và nhân dân ta. Cùng với cả nước cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xứ Quảng vô cùng đau xót. Để tưởng nhớ Người, nhiều hình thức để tang và truy điệu được cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tổ chức.

Sau khi Bác Hồ từ trần, ngày 9.9.1969, Khu ủy 5 tổ chức lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Khu ủy ở Sông Tranh, Quảng Nam, đồng thời Khu ủy động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân biến đau thương thành hành động, mở đợt sinh hoạt chính trị học tập và làm theo Di chúc của Bác, củng cố quyết tâm đánh thắng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Khu ủy 5, Tỉnh ủy Quảng Nam, Đặc khu ủy Quảng Đà mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ”, nhằm chỉnh đốn tổ chức, chuyển hướng nhiệm vụ, khôi phục lại phong trào. Ban Tuyên huấn Quảng Nam phát động cuộc vận động “biến đau thương thành hành động cách mạng”, “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” và được nhân dân hưởng ứng tích cực; đồng thời ra được tập sáng tác thơ văn “Đời đời ơn Bác”. Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức phát động phong trào đăng ký “Thề mãi mãi là dân cụ Hồ”. Đây được coi là một trong những sáng kiến hợp lòng dân.

Tấm khăn thêu bài thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ do chị em trong nhà tù chính trị Hội An thêu năm 1969.
Tấm khăn thêu bài thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ do chị em trong nhà tù chính trị Hội An thêu năm 1969.

Nghe tin Bác mất, đồng chí Võ Chí Công, người con của mảnh đất xứ Quảng, Bí thư Khu ủy 5 vô cùng xúc động, trong hồi ký của mình ông viết: “Riêng tôi, được Trung ương điện báo hàng ngày trước khi Bác mất, bệnh Bác yếu dần, tôi rất lo lắng. Khi được báo Bác đã từ trần nghe như sét đánh vào tai, đầu óc bối rối, buồn bã xúc động, vô cùng thương tiếc, tâm hồn xao xuyến mấy ngày đêm không ăn không ngủ”.

Còn tại nhà lao Hội An, đảng bộ nhanh chóng thông báo cho các chi bộ, tổ đảng và từng cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên biết, đồng thời phát động các chi bộ đảng trong nhà lao tìm mọi cách và bố trí thời điểm thích hợp để tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Đúng 5 giờ sáng, ngày 6.9.1969, lễ truy điệu và để tang Bác Hồ được bí mật tổ chức tại các phòng giam. Việc tổ chức truy điệu Bác trong nhà lao rất khó khăn và cực kỳ nguy hiểm. Nhưng với lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn, những người tù cách mạng đã vượt qua nguy hiểm tham dự lễ truy điệu Bác. Tù nhân yêu nước với khăn tang, đứng xếp hàng, hát quốc ca và dành ba phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương vô vàn đối với Bác. Sau đó, địch phát hiện và bắt những người tham gia lễ truy điệu Bác đem phơi nắng dưới cột cờ ba ngày rồi mới cho về phòng giam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau lễ truy điệu, trong niềm xúc động khôn nguôi, đồng chí Huỳnh Kim Vạn (nguyên Phó Chủ tịch xã Điện Phong, Điện Bàn bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An từ năm 1954) đã sáng tác điếu văn truy điệu Bác, trong đó có đoạn:

“Tin sét đánh ngang tai đau đớn quá,

Tin Bác về xúc động cả tim tôi,

Bác Hồ ơi! hỡi Bác Hồ!

Công đức Bác như trời cao biển rộng

Bác mất đi trời đất đều chuyển động

Non sông nhà bao phủ một màu tang…

Bác mất đi cả thế giới bàng hoàng

Nhân dân miền Nam chúng con đều cúi đầu rơi lụy.

Nhớ Bác xưa: Suốt đời Bác không một ngày an nghỉ.

…Thương tiếc Bác chúng con nguyện vâng lời Bác dạy” (lao xá Hội An ngày 10.9.1969).

Cũng tại nhà lao Hội An, trong năm 1969, 6 chị em tù chính trị đã thêu bài thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ và được bí mật chuyển ra ngoài. Đến năm 1971, chiếc khăn thêu này được mang ra tặng Đại hội Đảng bộ thị xã Thanh Hóa lần thứ VIII.

Nhân dân bên ngoài cũng đã sáng tác thơ và đưa vào nhà lao làm tài liệu giáo dục chính trị cho tù nhân yêu nước, bài thơ có đoạn:

“Non sông đất nước nghiêng mình

Bốn nghìn năm đã kết tinh Bác Hồ

Lòng con đau xót vô bờ

Nghìn năm sau biết bao giờ cho nguôi…

Theo lời Di chúc thiêng liêng

Chúng ta thề quyết vươn lên không ngừng

Quảng Đà nở rộ xuân mai

Đà Thành chào đón đoàn quân tiến về

Nhà máy bãi chợ bến xe

Phố phường nổi dậy diệt tề, trừ gian

Súng Bác Hồ tặng Hội An

Hai mươi năm nắm vững vàng trong tay

Quê ta giặc chết chồng thây

Đồng xanh rợp bóng cờ bay dập dìu

Bao nhiêu đau xót tình thương

Bấy nhiêu sức mạnh phi thường chiến công

Quê ta đất thép thành đồng

Chờ ngày đại hội cho lòng nở hoa.

cùng với nhân dân trong tỉnh, cấp ủy đảng, du kích các xã Kỳ Mỹ, Kỳ Thịnh đã trang nghiêm tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, nguyên Bí thư Chi bộ xã Kỳ Thịnh xúc động nhớ lại: Lễ truy điệu được tổ chức vào ngày 9.9.1969 tại vườn nhà ông Đốc (thôn 4, nay là thôn Xuân Trung, xã Kỳ Thịnh) với sự tham dự của hơn 300 người gồm cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang xã và đông đảo nhân dân các thôn 2, 3, 4, 5. Ai ai cũng nghẹn ngào xúc động với tấm băng tang màu đen cài ở ngực áo. Sau phần tuyên bố lý do của đồng chí Hồ Tín, cán bộ tuyên huấn xã, tôi đọc điếu văn ôn lại cuộc đời và công lao vĩ đại của người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, đồng thời phát động phong trào “biến đau thương thành hành động cách mạng” trong toàn đảng, toàn quân dân trong xã, quyết tâm vượt qua khó khăn, đánh thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam để thỏa lòng mong ước của Người. Trong những ngày tháng đau thương ấy, nhân dân trong xã cũng tổ chức tưởng nhớ Bác Hồ bằng nhiều hình thức. Trong vùng giải phóng, nhiều gia đình lập bàn thờ, để tang Người; trong vùng địch kiểm soát, các mẹ các chị sử dụng vải đen để làm quay nón lá, dùng vải trắng làm khăn trùm đầu như một hình thức để tang”.

Bằng tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ - vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng giải phóng đến vùng địch kiểm soát, trong nhà tù, trại giam, ở đâu đồng bào chiến sĩ, quân và dân xứ Quảng cũng đã tìm cách tổ chức truy điệu, để tang Bác  Hồ với tấm lòng tôn kính nhất. Gần 40 năm ngày Bác đi xa, nhưng hình ảnh của Người luôn đọng lại trong trái tim mỗi người con xứ Quảng anh hùng.

LÊ NĂNG ĐÔNG

Gặp Bác ở Câu lạc bộ Thống Nhất (Hà Nội)

Câu lạc bộ Thống Nhất là nơi gặp gỡ của anh chị em miền Nam tập kết vào dịp Quốc khánh hay dịp tết. Câu lạc bộ nằm sát bên Hồ Gươm. Đến đây, anh chị em sẽ tham gia những trò chơi, được gặp những người đồng hương, những bạn bè đồng đội cũ.

Vào dịp tết năm 1957, tôi từ trường Học sinh miền Nam số 23 Hà Đông, đi bộ hàng chục cây số lên thị xã Hà Đông rồi đi xe điện lên Hà Nội để đến câu lạc bộ thăm chơi, gặp gỡ người quen. Tôi nhớ hôm đó đâu ngày Mùng 2 Tết. Vừa đến nơi, tôi nghe mọi người xì xào: có tin Bác Hồ đến thăm anh chị em miền Nam. Một lúc sau, khi chúng tôi đứng ở sân câu lạc bộ thì có mấy chú chạy ra mở cổng̣. Đúng lúc ấy, một chiếc ô tô màu đen dừng lại ngay cổng. Cửa mở, một cụ già bước ra xe. Mọi người hô to: “Bác, Bác Hồ”. Bác nhanh nhẹn đi theo mấy chú dẫn đường vào câu lạc bộ. “Bác, Bác Hồ”, tôi cùng mọi người lại hô vang. Chợt, khi đi ngang qua tôi, Bác dừng lại. Chẳng biết có phải vì tôi là người bé nhất ở đó hay vì tôi hô to nhất mà Bác cúi xuống bên tôi:

- Cháu là Học sinh miền Nam?

- Dạ.

- Cháu mấy tuổi?

- Dạ thưa Bác, cháu 12 tuổi.

- Ba má cháu có ở miền Bắc không?

- Dạ, ba cháu ở miền Bắc, nhưng ở xa cháu, còn má và các em ở miền Nam ạ.

Bác xoa đầu tôi, dặn:

- Cháu phải ngoan ngoãn nghe lời thầy cô, cố gắng học tập để sau này về xây dựng miền Nam nhé.
Mọi người xúm xít lại bên Bác. Các chú bảo vệ mở đường để đưa Bác vào câu lạc bộ. Tôi cùng với mọi người ùa vào theo, hô vang: “Bác Hồ, Bác Hồ muôn năm”.

Kính chào Bác, chúng con về Nam chiến đấu theo Di chúc của Người

Vào khoảng ngày 8.9.1969, tôi cùng với Đoàn cán bộ chuẩn bị đi B (đi Nam) đến Hội trường Ba Đình viếng Bác Hồ. Những ngày này, các cơ quan, các đơn vị quân đội và nhân dân về đây viếng Bác rất đông. Đoàn nào cũng muốn mình được vào viếng sớm nhất. Chúng tôi may mắn là Đoàn chuẩn bị đi Nam nên được vào sớm.

Chúng tôi được đưa vào hội trường. Bác đang nằm trong quan tài thủy tinh, người hồng hào như đang ngủ say. Chúng tôi vừa khóc vừa đi quanh quan tài. Mọi người phải đi nhanh để đoàn khác lại đến. Tôi muốn thưa với Bác: Bác ơi, cho chúng con dừng lại lâu lâu một chút để ngắm Bác được kỹ hơn, vì đây không những là lần cuối chúng con đến vĩnh biệt Bác mà còn đến chào Bác để trở về quê hương miền Nam chiến đấu. Nhớ thương Bác nhiều nhưng chúng con cần ra đi để thực hiện Di chúc của Bác: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Bác, Bác ơi... Nhưng phía sau tôi có một cánh tay giục tôi bước tới để đoàn khác lại đến. Chúng tôi không thể chần chừ được…

Kính thưa Bác, chào Bác, chúng con đi…

THANH QUẾ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đất Quảng tưởng nhớ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO