Nguyễn Viết Lâm, Lê Văn Nhật - những thế hệ rất trẻ của làng gốm Thanh Hà, chọn cách trưởng thành ngay tại quê nhà, trên chính nghề nghiệp bao đời cha ông truyền lại.
Đưa đặc sản ẩm thực vào gốm, một hướng khởi nghiệp của hai thanh niên Nguyễn Viết Lâm và Lê Văn Nhật ở Hội An. |
Nơi trở về
Lê Văn Nhật vừa tròn tuổi 30. Nguyễn Viết Lâm thì trẻ hơn, ở thế hệ 9X của làng gốm. Nhưng chừng như giữa họ không có khoảng cách tuổi tác và đồng điệu trong suy nghĩ. Có lẽ, gốm và những sản phẩm đất sét của làng là thứ để họ kết nối với nhau. Riêng Văn Nhật chững chạc hơn, bởi bôn ba nhiều rồi mới quay về làng, làm gốm. “Ban đầu tôi chọn nghề điện tử nhưng ba tôi nói “bây giờ con không về làng thì khi nào mới về làm gốm”. Rứa là gác lại chuyện đi đông đi tây, về học gốm nghiêm túc từ ông bà, ba mẹ” - Nhật chia sẻ. Còn với Lâm, xem chừng tuổi 9X của anh khá khác biệt. Nhà cả mấy đời làm nghề gốm, lại sống ngay ở khu vực trung tâm của làng, nơi đầu tiên đón khách du lịch, vì vậy Lâm biết mình sẽ không thể trưởng thành, nếu đôi tay tuổi trẻ rời xa gốm.
Trong những thăng trầm của thời cuộc, làng nghề truyền thống luôn đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Và làng gốm Thanh Hà với tuổi đời hàng trăm năm cũng không ngoại lệ. Chính nhiệt huyết với nghề cha ông từ người trẻ của làng là ngọn lửa để lò gốm được duy trì. Trong đó có Lâm và Nhật. Tâm huyết tuổi trẻ ấy được khơi dậy, như cách hai bạn trẻ chia sẻ: “nhìn cách ông bà, cha mẹ níu kéo giữ nghề, chúng tôi không khỏi trăn trở về sự tồn vong của một ngôi làng cổ ven sông, kể cả chuyện thị trường của sản phẩm gốm hay bao nhiêu lâu nữa ngôi làng này trở về thời hưng thịnh - nếu chỉ nhờ vào lượng khách đến thăm thú hàng ngày? Dù khó khăn, thử thách nhưng mọi người vẫn giữ nghề, chờ một ngày sản phẩm sẽ được nhận chân, với đủ đầy tinh tế và giá trị để đại diện cho một vùng đất. Nhưng sâu xa hơn, họ giữ lại để chờ ngày những đứa trẻ của làng lớn lên, làm một cuộc đi khác cho ngôi làng ven sông”.
Chọn những người rất trẻ cho một hoạt động mang tính sáng tạo trên nền những giá trị cũ cũng được xem như một hướng đi mới của Hội An trong câu chuyện bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, việc tạo thêm các sản phẩm lưu niệm, làm đa dạng thêm quà tặng du lịch cho Hội An là việc được địa phương quan tâm lâu nay. Sự kết hợp tinh tế giữa ẩm thực và gốm hy vọng sẽ tạo nên điều thú vị cho du khách, cũng như kỳ vọng về hướng đi mới từ du lịch của làng gốm Thanh Hà. Khi người trẻ quay về và làm việc ở địa phương trong những ngành nghề truyền thống, thì những ngôi làng lâu đời sẽ có thêm sinh khí để hồi sinh... |
Lê Văn Nhật nói, ngày anh rong ruổi khắp nơi để làm nghề này nghề kia, nóng ruột mỗi bận nghe cái tên làng Thanh Hà vang lên, nhưng bằng câu chuyện của một sự mất mát, một nỗi buồn không gượng được của làng nghề truyền thống. Rồi hơn 3 năm trước, khi quyết định về lại làng để chuyên tâm làm gốm, Nhật mới nhận ra rằng những sản phẩm chủ đạo của làng, như nồi, trã, chum, vại… vẫn luôn được chào đón, ở các thị trường truyền thống. Không nhiều, nhưng đó chính là động lực để người già, người trẻ ở đây tiếp tục giữ nghề và nghĩ đến một câu chuyện dài hơi hơn.
Sáng tạo để đưa làng đi xa
Một bộ sản phẩm lưu niệm bỏ túi, ngoài tò he vốn được biết đến lâu nay, là ý tưởng mới của Lâm và Nhật khi quyết định gắn bó với gốm. Và ý tưởng về một sự kết hợp của những tinh túy vùng đô thị cổ, được chọn để nảy mầm. Nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương với tài hoa của mình được biết đến trong cả nước bởi những sản phẩm lưu niệm độc đáo, được tạo tác theo nhiều cách thức khác nhau đã cùng nghĩ đến ý niệm về một sự kết hợp cho sản phẩm quà tặng của vùng đất du lịch. Theo bà Lan Phương, những món ăn đặc sản của Hội An, ẩm thực của Hội An vô cùng phong phú và độc đáo. Bởi đó không chỉ là món ăn của người Việt vùng ven sông đã định cư lâu đời nơi phố cổ, nó còn dung chứa những tinh hoa từ người khắp nơi, để biến tấu thành những thức hàng đặc sắc. Một tô mỳ Quảng thuần chất Việt, một đĩa bánh bông hồng trắng sáng tạo từ cái bánh bao, bánh vạc của người Hoa, hay một tô cao lầu nhuần nhuyễn phong vị của Nhật và Hoa trong nguyên liệu của người Việt, một đĩa cơm gà, một ổ bánh mỳ đậm đặc gia vị Quảng… Và làm sao để kể cho hết với người thân ở nhà về một Hội An như vậy, là điều bà Lan Phương trăn trở.
Có thể nói, cái duyên khởi nghiệp của Lâm và Nhựt đã được hiện thực hóa từ sự gặp gỡ về câu chuyện đa dạng hóa sản phẩm quà tặng lưu niệm của Hội An. Lê Văn Nhật và Nguyễn Viết Lâm là 2 “thợ trẻ” được chọn để làm “hạt nhân” cho chương trình phát triển sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An”. Đây là hoạt động nằm trong dự án phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2017 của TP.Hội An. Với mục đích phát triển nhóm sản phẩm lưu niệm, tạo sự phong phú các sản phẩm đặc trưng từ làng nghề, chưa kể là cơ hội để đưa ẩm thực Hội An đi xa hơn, cũng như lưu lại dấu ấn cho vùng đất trong lòng du khách.
Để hoàn thiện bộ sản phẩm, Lâm và Nhật vào TP. Hồ Chí Minh học cách tạo hình các món ăn của Hội An bằng “đất sét”. Và học cả cách để có thể tạo ra nguồn đất sét công nghiệp làm nên bộ sản phẩm lưu niệm độc đáo này. Các cách thức để tạo sợi mỳ, con tôm, tô cao lầu, hạt cơm, bánh hoa hồng… được uốn nắn ngay từ việc tạo màu của từng sản phẩm. Đất sét công nghiệp với các tính năng mềm dẻo được chế tạo từ bột mỳ cùng các hợp chất khác, trong đó, màu của sản phẩm được tinh chế từ nhiều loại dầu. Một bộ lưu niệm gồm 9 sản phẩm là các đặc sản ẩm thực của Hội An thành hình từ đây. Tham vọng hơn, cả Lâm và Nhật đều muốn tìm cách tạo ra bộ chén đĩa đựng những sản phẩm này cũng là sản phẩm của làng gốm Thanh Hà chứ không phải lấy từ bất cứ làng nghề nào khác. “Hiện tại em mày mò về cách tạo men gốm để có thể làm nhiều sản phẩm độc đáo hơn, bên cạnh việc khiến cho bộ sản phẩm lưu niệm này đẹp hơn nữa. Ngoài ra, chủ động về nguồn nguyên liệu - chính là cách thức để tạo đất sét công nghiệp, cũng là việc mà tụi em phải làm trong thời gian tới” - Lê Văn Nhật nói.
LÊ QUÂN - MINH HẢI