“Đắt sô” như... thợ mộc

VĂN HÀO 08/04/2013 08:55

Chuyển đến khu tái định cư (TĐC) mới, 49 hộ dân của thôn Pa Rum A (xã Zuôih, Nam Giang) tất bật xây dựng nhà mới. Lợi dụng nhu cầu cấp thiết của bà con, các thợ mộc tha hồ “hét” giá.

Tìm đến thôn Pa Rum A, chúng tôi chứng kiến cảnh lao động nhộn nhịp, ồn ào khi những tiếng máy bào, máy cưa réo vang cả núi rừng. Những mảnh gỗ nhẵn bóng còn mùi nước sơn được nhóm thợ khẩn trương hoàn thiện. Nắm bắt nhu cầu xây dựng của người dân, nhiều nhóm thợ mộc hành nghề tại đây hét giá trên trời nhưng bà con phải chấp nhận. Bởi nếu không làm thì lấy nhà đâu mà ở, trong khi mùa mưa cũng chỉ còn vài tháng nữa là cận kề. Qua tìm hiểu, những người thợ này đến từ Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị tìm đến các khu tái định cư ở vùng cao để hành nghề.

Những ngôi nhà khang trang mọc san sát nhau tại khu TĐC thôn Pa Rum A. Ảnh: V.H
Những ngôi nhà khang trang mọc san sát nhau tại khu TĐC thôn Pa Rum A. Ảnh: V.H

Theo bảng tổng hợp giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư từ công trình thủy điện Sông Bung 4, hộ được nhận đền bù cao nhất là 4 tỷ đồng, thấp nhất là 200 triệu đồng. Không nói những người nhận tiền tỷ, với những hộ nhận vài trăm triệu đồng chỉ vì muốn “bằng người bằng ta” nên sau khi cất xong nhà mới thì lại rơi vào cảnh… trắng tay. Tiền công thợ để làm một ngôi nhà bình dân đã lên đến vài chục triệu đồng, còn với những căn nhà “tầm cỡ” có giá hàng trăm triệu đồng. Tại một số căn nhà mới được cất xong, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bên trong nhà lại trống hơ, đối lập hoàn toàn với dáng vẻ bên ngoài. Lý giải tình trạng trên, nhiều hộ dân cho biết vì trả tiền công cho thợ quá cao nên không còn tiền để sắm sửa vật dụng trong nhà. Cá biệt, có hộ làm xong nhà thì… âm tiền, vì vậy mà thợ thường xuyên tới đòi nợ.

Trao đổi với chúng tôi, ông  Krờ Hiết - Chủ tịch UBND xã Zuôih cho biết trước khi dân về khu ở mới, xã đã chỉ đạo họp thôn để quán triệt cách xây dựng nhà không được phung phí và phải biết lượng sức. Địa phương quy định mỗi căn nhà làm không quá 12m3 gỗ, tuy nhiên có một số hộ tự ý “vượt rào”. Ông Krờ Hiết cho biết: “Do nhận thức dân mình còn thấp nên cánh thợ mộc tha hồ “làm giá”, mà không làm nhà thì không có chỗ ở. Việc thỏa thuận giữa thợ với người dân không có chứng từ nên chính quyền không thể can thiệp được”.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Đắt sô” như... thợ mộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO