Để “nuôi sống” tuồng cổ, nhiều năm qua, các huyện Nông Sơn, Quế Sơn có nhiều động thái tích cực nhằm gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này. Và đến hôm nay, có thể nói tuồng cổ đã “sống” được ở vùng đất nằm hai bên đèo Le.
Những nghệ sĩ “chân đất” tại Liên hoan Nghệ thuật tuồng - dân ca huyện Quế Sơn lần thứ VIII - 2014. Ảnh: LÊ QUÂN |
Tạo “sân chơi”
Đầu tháng 11, chúng tôi có dịp tham gia Liên hoan Nghệ thuật tuồng - dân ca lần thứ VIII - 2014 của huyện Quế Sơn, với hơn 20 tiết mục tuồng, dân ca của 14 đơn vị xã, thị trấn. Ông Cao Đức Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Quế Sơn cho biết, liên hoan được địa phương tổ chức định kỳ hằng năm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống. Qua đó, Quế Sơn đã củng cố và thành lập được 16 câu lạc bộ tuồng, dân ca ở 14 xã, thị trấn.
Cũng trong thời gian này, tại Liên hoan Nghệ thuật tuồng huyện Nông Sơn lần thứ III - 2014, nhiều gương mặt điển hình đã được vinh danh. Có thể kể đến ông Nguyễn Tiến Hùng (xã Quế Lâm) với danh hiệu “Nghệ nhân có tác phẩm xuất sắc”, ông Phan Minh Hai (xã Quế Lộc) với danh hiệu “Nghệ nhân có vai diễn xuất sắc nhất”… Liên hoan cũng phát lộ những tài năng “nhí” như Nguyễn Trần Huyền Trang (xã Quế Lộc), Hồ Cẩm Hương (xã Quế Phước). Nghệ nhân Đỗ Tám - Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng - dân ca xã Quế Trung cho biết: “Để chuẩn bị cho liên hoan, tôi phải thức nhiều đêm soạn vở, rồi tổ chức tập luyện. Các thành viên câu lạc bộ phải vừa tập vừa lo cho cuộc sống gia đình, trong khi câu lạc bộ hầu như không có kinh phí để hoạt động, nếu thiếu đam mê, nhiệt huyết thì khó có thể nuôi dưỡng phong trào”. Cũng theo ông Đỗ Tám, để làm sống lại nghệ thuật tuồng, rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của nhà nước và xã hội. Ông Nguyễn Thanh Anh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Nông Sơn cho hay: “Định kỳ 2 năm, Nông Sơn tổ chức liên hoan nghệ thuật tuồng ở cấp cơ sở và cấp huyện. Liên hoan là sân chơi bổ ích, là mảnh đất để những tài năng tuồng có dịp thi thố, phát huy đam mê. Đây cũng là cơ hội để huyện tuyển chọn, bồi dưỡng cá nhân xuất sắc, có tố chất và tiềm năng”.
Sống cùng đam mê
“Cái quý giá trước hết là vùng đất này nuôi lớn những tâm hồn bình dị và dân dã biết yêu điệu nhạc, câu hát tuồng. Chưa cần nói đi đâu xa, chúng ta có thể thấy bao lứa diễn viên quần chúng đã đàn, đã hát, đã múa, và nhiều thế hệ khán giả làng đã hoan hô, say mê cổ vũ những “nghệ sĩ làng” của mình”. (Nghệ sĩ Phan Văn Quang - Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) |
Trong 8 lần Câu lạc bộ Tuồng - dân ca xã Quế Thuận tham gia Liên hoan Nghệ thuật tuồng - dân ca huyện Quế Sơn, chưa lần nào cụ Trần Công Viên (82 tuổi) vắng mặt. Cụ Viên đi để nghe, “soi” từng cử chỉ “diễn viên” xã mình và xã bạn để nhắc nhở; ông cũng là người vẽ mặt nạ, tư vấn về phục trang vai diễn cho một số đoàn. Hôm liên hoan, sau khi xem đoàn xã Quế Hiệp diễn xong trích đoạn “Tống Thái tổ trảm Trịnh Ân”, cụ Viên lật đật ra phía sau cánh gà, chia sẻ với người thủ vai nhân vật phản diện trong trích tuồng: “Vai này cần phải đi tướng hung bạo hơn nữa, mặt gian chút nữa, anh làm vậy chưa tới. Nhưng hát, rung giọng như thế là tốt lắm!”. Rồi hai người đàn ông, một 50 tuổi, một chân đã run ôm chầm lấy nhau sau sân khấu. Chỉ giản dị vậy thôi, cho chúng tôi thấy tình yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này luôn “cháy” trong lòng dân gian.
Tại Nông Sơn, những tên tuổi như ông Phan Minh Hai (Quế Lộc), cô Trần Thị Sáu (Quế Trung)… đã trở nên thân thuộc người dân qua từng vai diễn. Cô Trần Thị Sáu kể kỷ niệm “nghề nghiệp” của mình: “Có lần, Câu lạc bộ Tuồng - dân ca xã Quế Trung được mời biểu diễn nhân dịp giỗ bà Thu Bồn ở thôn Trung An. Cô nhập vai Trịnh Nương trong vở “Hồ Mạnh Quế ly thê” đến nỗi bà con đều xúc động nghẹn ngào cho thân phận và cuộc đời của Trịnh Nương trước sự hà khắc của mẹ chồng và xã hội phong kiến. Đến những đoạn cao trào, bà con bên dưới cao hứng còn vãi tiền thưởng lên sân khấu. Sự tán thưởng của bà con khiến người đứng trên sân khấu như cô ấm lòng biết mấy. Rồi từ đó, hễ gặp cô, nhiều người vẫn gọi đùa là Sáu Trịnh Nương”. Dù đã tuổi 50, cuộc sống còn nhọc nhằn, cô Sáu vẫn rất duyên khi thủ vai. Với cô, mỗi khoảnh khắc trên sân khấu là một khoảnh khắc đẹp khi được sống hết mình, sống với niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt.
Cụ Trần Công Viên (82 tuổi, xã Quế Thuận, Quế Sơn) chuẩn bị cho diễn viên đội nhà trước khi lên sân khấu. Ảnh: LÊ QUÂN |
Nói về “cây” tuồng ở vùng đất hai bên đèo Le này, không thể không nhắc đến ông Phan Minh Hai, người được xem là diễn viên có nghề của đất tuồng Nông Sơn. Ông có thể đảm đương nhiều vai từ cha con, lão nịnh, tướng, vua, thằng ở, thái sư, kép rừng… Sẵn có máu đam mê tuồng cổ cộng với thời trẻ từng bôn ba theo một gánh hát ở Đà Nẵng, ông Hai đã có dịp cọ xát với sân khấu chuyên nghiệp. Không câu nệ việc phải học thuộc kịch bản, chỉ cần nhớ hoặc biết về tích tuồng, ông có thể ứng khẩu trơn tru với vai diễn của mình. Một điểm “hơn người” nữa ông Phan Minh Hai có thể biểu diễn được nhiều điệu, từ xuân nữ cho tới nam ai, nam dực, phú lục, tẩu mã, vốn là những điệu rất khó trong nghệ thuật tuồng. Và dù hát điệu nào, vào vai gì, dòng máu nghệ thuật và tố chất nghệ sĩ đã giúp ông sống trọn vẹn với vai diễn của mình…
Nuôi dưỡng vốn tuồng
Vốn quý nhất của Quế Sơn và vùng đất bên kia đèo Le - Nông Sơn là sự trân trọng văn hóa truyền thống để có những động thái duy trì sức sống cho bộ môn nghệ thuật này, cả ở phía người dân và chính quyền. Mượn tập hồi ký “50 năm mê hát” của cụ Vương Hồng Sển để ước định thời gian mê đắm tuồng của những nông dân ở hai bên đèo Le. Là 50 năm, hay hơn vậy, là cả đời người. Cái thú “mê hát” của họ mạnh mẽ truyền đời qua nhiều thế hệ. Mới bước qua tuổi 15, hay đã gần 80, khi đã yêu thì họ đi đến cùng. Nhìn cái cách những người nông dân quý trọng nghệ thuật và sống trong nghệ thuật ở nơi thôn xóm, rồi mang nó chỉn chu lên sân khấu quê nhà, niềm tin về sự tồn tại của nghệ thuật tuồng trong chúng tôi càng dày dặn lên.
Về phía nhà nước, nếu Quế Sơn có nghị quyết về khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật tuồng - dân ca, thì Nông Sơn có đề án khôi phục và phát triển các loại hình dân ca, tuồng. Đến nay, Phòng VH-TT huyện Nông Sơn đã hỗ trợ thành lập 7 câu lạc bộ tuồng - dân ca tại 7 xã trên địa bàn. Mỗi câu lạc bộ có quy mô 15 - 20 diễn viên quần chúng với nhiều độ tuổi, từ bậc cao niên cho đến những học sinh tiểu học, vốn có niềm đam mê với tuồng và các loại hình dân ca. Ông Nguyễn Thanh Anh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Nông Sơn nói: “Dù hoạt động của các câu lạc bộ chưa mang tính chuyên nghiệp, song tinh thần hưởng ứng và niềm đam mê của người dân là rất đáng quý. Dù nguồn kinh phí thực hiện đề án còn khó khăn, chủ yếu vận động từ xã hội hóa, song ngành VH-TT huyện cũng đã hỗ trợ được các xã Sơn Viên, Quế Trung, Quế Lộc mỗi xã 5 triệu đồng mua sắm trang phục, đạo cụ phục vụ biểu diễn. Chúng tôi còn mời diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam về đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng biểu diễn cho thành viên các câu lạc bộ, trong đó chú trọng đào tạo người trẻ và diễn viên nhí”.
Ông Cao Đức Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Quế Sơn chia sẻ: “Chúng tôi luôn trân trọng những cố gắng của diễn viên không chuyên đến từ các câu lạc bộ với lòng say mê nghệ thuật, tinh thần nhiệt huyết trong mỗi vở diễn. Mong rằng tinh thần này sẽ được giữ vững và duy trì qua từng thế hệ. Và chính những nông dân - diễn viên chân đất này sẽ là người gìn giữ, bảo vệ tốt nhất nghệ thuật tuồng cổ - vốn quý văn hóa của dân tộc”. Có thể nói, sự hồi sinh của nghệ thuật tuồng là một nét đẹp, làm phong phú bản sắc, diện mạo văn hóa của vùng đất Quế Sơn, Nông Sơn. Song, bên cạnh những lấp lánh bình dị, niềm đam mê, tâm huyết của người dân, rất cần hơn nữa cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để tạo “đất sống” cho tuồng.
LIÊN YÊN - LÊ QUÂN