Gần đây, giá đất tại xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) tăng đột biến. Đặc biệt, tại những khu vực có các dự án phát triển du lịch, giá đất tăng lên từng ngày, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý đất đai của địa phương.
Từ một vùng quê nghèo, nhiều khu vực đất đai cằn cỗi, một vài năm trở lại đây, khi có quy hoạch phát triển vùng đông Tam Kỳ cùng nhiều dự án phát triển du lịch, giá đất tại xã Tam Thanh đã bắt đầu rục rịch. Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, người dân trong xã xôn xao thông tin các nhà bất động sản đến mua đất với giá khá cao. Ông Nguyễn Đình Khôi (trú thôn Hạ Thanh 1) cho biết: “Năm ngoái tôi mua một lô đất có diện tích 200m2 tại khu dân cư Nam Tam Thanh với giá 300 triệu đồng. Đến tháng 5 năm nay, tôi rao bán thì có người đến hỏi mua với giá 800 triệu đồng. Nhưng tôi chưa bán và chờ được giá thêm rồi sẽ tính”.
Trong khi đó, tại thôn Trung Thanh, nơi có làng bích họa thu hút khá đông khách du lịch, hay tại thôn Hạ Thanh 2, nơi đang triển khai dự án du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, giá đất cũng đang lên “cơn sốt” trong thời gian gần đây. Theo ông Lê Hữu Phước (thôn Hạ Thanh 2), gia đình ông có 570m2 đất ở, với bề ngang 20m mặt đường trục chính của xã và đã được một số nhà bất động sản trả giá 3,5 tỷ đồng, nhưng ông vẫn chưa đồng ý bán. “Vì nhiều người hỏi mua và tôi dự tính đất ở đây có thể tiếp tục được giá nên chờ xem” - ông Phước cho biết thêm.
Báo cáo từ UBND xã Tam Thanh cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay có 7 trường hợp chuyển nhượng, tách thửa đất đai để mua bán, tập trung tại các thôn Trung Thanh, Hạ Thanh 1, Hạ Thanh 2, Thanh Tân… Trong đó, xã ghi nhận 2 trường hợp giao dịch với giá đất tăng cao đột biến. Một lô đất có diện tích 566,4m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 366,4m2 đất trồng cây lâu năm) được bán với giá 3,3 tỷ đồng. Một lô khác có diện tích 1.113m2 đất trồng cây lâu năm bán với giá 2,2 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều trường hợp mua bán đất “trao tay” (chưa làm thủ tục tách thửa, sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Đây là hình thức giao dịch đất đai trái quy định pháp luật. Ngoài ra, có một số diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất 5%) mà người dân trồng cây trên đất trước đây cũng đã bị khoanh vùng, phân lô để bán. “Chính quyền xã đã phát hiện và xử lý kịp thời một số trường hợp mua bán đất sai quy định nhưng cũng có một số trường hợp không kịp phát hiện và người dân đã bán, làm ảnh hưởng đến việc quản lý đất đai của địa phương” - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, vì thông tin giá đất tại xã Tam Thanh tăng cao nên nhiều người dân trên địa bàn đã quay lại sử dụng một số diện tích đất bỏ hoang trước đây và đề nghị UBND xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mỗi ngày trung bình có khoảng 5 đơn kiến nghị của công dân trên lĩnh vực đất đai được trình lên xã. Trong khi đó, bộ phận địa chính xã tiếp nhận hàng chục hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đất. “Trong quá trình mua bán đất đai, người dân có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giao dịch, nhưng nếu chúng tôi cấp lẻ giấy chứng nhận sử dụng đất chắc chắn sẽ khó quản lý được vì người dân mua bán từng lô đất nhỏ tràn lan. Do vậy, xã đã xin ý kiến của tỉnh và thành phố để quản lý những diện tích đất người dân sử dụng trước ngày 1.7.2004 bằng cách không cấp lẻ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cho đo đạt như một dự án để rồi cấp giấy chứng nhận đồng loạt” - ông Bình cho biết thêm.
TƯỜNG QUÂN