Sau mỗi lần dắt tay người già trong nhà đi chơi, tôi cứ hình dung mình cũng đang phiêu lưu cùng rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Lần đầu tiên ông nội 92 tuổi đi chơi cùng con cháu trong nhà. Cả gia đình, từ người lớn đến trẻ con, trước khi đi, ai nấy đều chỉ tập trung cho mỗi chuyện “làm thế nào để ông không đòi về”.
Và những chuyện “lạ lùng” cứ thế diễn ra suốt cả hành trình. Từ ngày bà mất, ông không đi đâu khỏi nhà. Có lẽ xa nhất, là những bữa được con cháu chở ra mộ bà.
Lần này, những đứa con quyết chí đưa cha đi chơi một chuyến. Xem chừng ông hiểu nỗ lực của những đứa trẻ, ông ừ và cả quyết: Đi, vì biết còn đi được chừng nào nữa.
Ông nặng tai nhưng minh mẫn. Đến hồ Phú Ninh, ông kể những ngày còn chiến tranh, khu vực cánh Nam Quảng Nam hoang vu rừng rậm.
Đến biển Rạng Núi Thành, ông lại kể chuyện về sân bay Chu Lai cùng đội lính Mỹ đổ bộ. Hồ như mỗi vùng đất đều ghi dấu trong ông là những ngày đã rất cũ. Cũng phải, từ sau hòa bình, ông ở mãi Điện Bàn làm lụng và nuôi con.
Mỗi bước chân ông cụ đều có mấy anh con trai theo sau dìu. Cái háo hức trong mắt trẻ con khi đi chơi trở thành cái nheo mắt của người già khi đến vùng đất lạ.
Người ta nói già lại hóa trẻ con, có lẽ vì khi đã kinh qua tất thảy những mùi vị cuộc đời, người già lại nhìn cuộc đời sơ nguyên như một đứa trẻ.
Những chuyến đi chơi với người lớn trong nhà, đôi khi sẽ không hào hứng như khi trải nghiệm cùng bạn bè. Nhưng thật lạ rằng sau khi trở về, khoảnh khắc của hành trình cứ trở đi trở lại, với bóng dáng của mẹ cha.
Tôi nhớ lần đưa ba trải nghiệm một khu resort ở vùng biển Hội An. Ông cứ tấm tắc không biết làm thế nào để mấy cái trảng cỏ cứ xanh um và tươi non như buổi sáng sớm, trong khi trời thì gay gắt. Bữa buffet sáng ông cứ lặng lẽ đứng chép miệng vì không biết làm thế nào mà một lần dọn được nhiều món ăn như vậy...
Bạn tôi hè nào cũng đưa người mẹ từ trên vùng cao xuống thành phố đi biển. Bạn kể lần đầu tiên thấy biển, mẹ sợ. Cứ vậy chiều nào cả nhà cũng dắt mẹ đi biển, cho đến hết mùa hè, thì mẹ biết nước biển mặn và cảm giac sóng biển vỗ vào lưng như được ai xoa bóp.
Sau ngày ba mất, mẹ tôi trở nên... “khó chiều”. Những chuyến đi có mẹ thưa thớt hơn. Bà nói đi thì ai ở nhà hương khói. Nhưng tôi nghĩ vì những chuyến đi cùng con bây giờ thiếu đi hình bóng của một người thân. Nó khiến bà chạnh lòng và luôn muốn né tránh.
Cũng như ông nội của con tôi, buổi chiều ở biển nắng đang xiên khoai, ông hối cả nhà chở về. “Về chớ để má bây ở nhà chờ”, trong khi vừa xong giỗ đầu của bà...
“Mẹ là món quà lớn nhất mà cuộc đời đã tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ” (thiền sư Thích Nhất Hạnh). Tôi thấm thía điều này khi trải qua những ngày mất cha. Cuộc sống vô thường, chia ly và gặp gỡ chỉ cách nhau một sát-na.
Tôi vẫn thường động viên những người bạn mình khi họ thay hình đại diện là một bông sen trắng nền đen. Nhưng sâu thẳm, cũng như mình, tôi biết họ sẽ trải qua những ngày trống vắng vô tận.
Thật may, nếu cuộc đời này, những đứa con được dắt tay mẹ cha đi khắp nơi nhiều như những ngày cha mẹ đã dẫn con đi chơi thuở bé....