Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản. Trong các loại quyền tài sản có quyền sử dụng đất, như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi nhận: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” (Khoản 2 Điều 58). Về nguyên tắc, mọi tài sản được coi là hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ như nhau, không nên có bất cứ sự phân biệt nào.
|
Khi thu hồi đất, Nhà nước nên bồi thường theo giá thị trường.Ảnh: NAM QUANG |
Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, lại có sự phân biệt giữa tài sản là quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân với các loại tài sản khác. Sự phân biệt này thể hiện rõ qua các quy định về bồi thường tại Khoản 3 Điều 56 và khoản 3 Điều 58 của Dự thảo. Cụ thể, Khoản 3 Điều 56 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường...”. Còn tại Khoản 3 Điều 58 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế xã hội”.
Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992 không có sự phân biệt này. Trong thực tiễn chính sách bồi thường về đất đai, Chính phủ đã có Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13.8.2009, quy định việc bồi thường quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, chủ trương là phải căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm thu hồi để xác định. Thực tế cho thấy, việc Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hằng năm chiếm tỷ lệ không nhiều và cũng không làm phát sinh khiếu kiện nhiều từ phía người dân. Ngược lại, trong những năm qua số lượng vụ việc khiếu kiện về đất đai chủ yếu liên quan đến các dự án phát triển kinh tế - xã hội, chiếm hơn 70% trong tổng số các loại vụ việc khiếu kiện, trong đó lý do chủ yếu liên quan đến vấn đề giá đất và bồi thường.
Với Hiến pháp hiện hành không có sự phân biệt trong chính sách bồi thường giữa quyền sử dụng đất với các tài sản khác, đồng thời Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện bồi thường theo giá thị trường khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức, cá nhân mà vẫn còn làm phát sinh khiếu kiện nhiều (có nơi thành điểm nóng) như hiện nay. Liệu rằng sau khi Hiến pháp 1992 được sửa đổi, trong đó có sự phân biệt về bồi thường đối với quyền sử dụng đất như đã nêu trên, có làm cho chính sách quản lý đất đai của Nhà nước trở nên tốt hơn?
Theo tôi đây là điểm bất cập đáng lo ngại. Bởi vì một khi Hiến pháp đã để ngỏ vấn đề bồi thường quyền sử dụng đất “theo quy định của pháp luật” thì nội dung này khi được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật để đi vào cuộc sống, rất dễ dẫn đến việc tiếp tục duy trì tình trạng bồi thường không thỏa đáng cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất, như đã từng diễn ra ở nhiều nơi, làm phát sinh khiếu kiện nhiều hơn, gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Như trên đã nói, hằng năm Nhà nước thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh không nhiều, nếu thực hiện bồi thường theo cơ chế thị trường thì chi phí tăng thêm so với bồi thường “theo quy định của pháp luật” là không quá lớn. Còn việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì sao? Vấn đề cần đặt ra là tại sao nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường mà việc thu hồi đất của người dân cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội lại không được bồi thường theo cơ chế thị trường?
Chúng ta từng được chứng kiến một số dự án phát triển kinh tế - xã hội “treo” ở nhiều nơi với hàng chục nghìn mét vuông đất bị bỏ hoang năm này qua năm khác. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng chắc chắn trong đó có nguyên nhân do giá đất được làm “theo quy định của pháp luật” nên rất thấp so với giá thị trường, do đó nhà đầu tư không tiếc tiền bỏ ra mua để “xí phần”, trong khi người dân lại bị thiệt đơn, thiệt kép. Cũng do giá đất được làm “theo quy định của pháp luật” nên trong thực tế có tình trạng đất cùng trong một khu vực nhưng có ranh giới thuộc hai địa phương khác nhau, giá đất chênh nhau khá lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của người dân ở địa phương có giá đất thấp khi Nhà nước thu hồi.
Với những nội dung đã trình bày trên đây, tôi đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần thừa nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân là tài sản như các loại tài sản khác. Cụ thể là sửa đổi nội dung Khoản 3 Điều 58, theo hướng thay cụm từ “bồi thường theo quy định của pháp luật” bằng cụm từ “bồi thường theo giá thị trường”.
Trong điều kiện chúng ta không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, việc sửa đổi theo hướng nêu trên trong Hiến pháp sẽ là giải pháp có hiệu quả để Nhà nước bảo hộ thực sự quyền sử dụng đất của người dân, từng bước giảm dần tình trạng khiếu kiện về đất đai đang bức xúc như hiện nay.
THÁI NGUYÊN ĐẠI
(Cán bộ Sở Tư pháp Quảng Nam)