Đất và người Quảng Nam trên báo tết

CHÂU NỮ 24/01/2017 17:37

(QNO) - Quảng Nam - địa linh nhân kiệt, là vùng đất văn hóa. Đặc biệt, xuân 2017 này, Quảng Nam kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh với nhiều thành tưụ nổi bật. Mảnh đất và con người xứ Quảng, vì vậy, được khá nhiều báo đề cập trên các giai phẩm đặc biệt Xuân Đinh Dậu - 2017.

Đất

Hai mươi năm chưa phải là nhiều so với chiều dài lịch sử hơn 500 năm của một vùng đất mở, nhưng Quảng Nam đã có bước chuyển ngoạn mục. Từ một tỉnh khó nghèo trong những năm đầu tái lập, nay Quảng Nam đã trở thành một trong số ít tỉnh điều tiết ngân sách về Trung ương. Trong bài “Quảng Nam tung cánh chim bằng bay cao” trên báo Thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đưa ra chỉ số tăng trưởng vượt bậc và phấn khởi khi Quảng Nam có sự bứt phá ngoạn mục trong 20 năm qua, đặc biệt trong năm 2016. Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, báo Quảng Nam - tờ báo đảng địa phương dành đến 20 trang cho chủ đề “Đất Quảng - hành trình 20 năm”, đề cập khá toàn diện và rõ nét những dấu ấn của Quảng Nam sau 20 năm tái lập.

Hội An, thành phố bình yên được nhiều báo nhắc đến trên các giai phẩm xuân Đinh Dậu. Ảnh: Châu Nữ
Hội An, thành phố bình yên được nhiều báo nhắc đến trên các giai phẩm Xuân Đinh Dậu. Ảnh: CHÂU NỮ

Hội An, phố cổ nhưng không cũ, xuất hiện khá nhiều trên các tờ báo xuân. Trong bài “Yêu gì, phố cổ Hội An” trên báo Doanh nhân Sài Gòn, Đỗ Khải Ly - cô gái Đà Nẵng làm việc tại Làng lụa Hội An thú nhận, cô yêu Hội An nhất vào buổi sáng sớm, khi những con đường còn thiếp ngủ và lúc bước chân du khách chưa bắt đầu, khi “vài tay máy săn ảnh trong một ngày mù sương lúc bình minh, lúc có thể thấy rêu non nhú lên đón nắng sớm”. Cũng với tình yêu Hội An của một người gắn bó với Hội An, nhà văn Nguyên Ngọc bày tỏ lòng biết ơn Hội An - thành phố nhỏ nhất thế giới trong bài “Hội An, nơi thời gian ngừng lại” (báo Lao động cuối tuần).

Trong khi nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên làm một chuyến “Phiêu bồng bằng đò dọc” sông Thu Bồn, Vu Gia trên báo Người lao động để gặp lại những bến xuân xưa chất ngất những câu hò, thì vẻ đẹp của núi rừng Tây Giang đã lôi kéo bước chân của những nhà báo trẻ. Đó là “Rừng thiêng xứ mây ngàn” (Hoàng Sơn, báo Thanh niên): Người Cơ Tu đã phát hiện những cánh rừng pơmu 13 thế kỷ hay rừng lim xanh, rừng đỗ quyên cổ thụ từ hàng trăm đến ngàn năm tuổi trong khi chinh phục đỉnh Arung quanh năm mây phủ ở vùng cao Tây Giang. Đó cũng có thể là “Phố giữa đại ngàn” (Nguyễn Thành, báo Tiền phong). “Giữa núi rừng Trường Sơn, những căn nhà của đồng bào Cơ Tu (Tây Giang) đã được đánh số như ở phố thị nhưng quy củ và ngộ nghĩnh hơn nhiều. Mỗi số nhà kèm theo tên chủ hộ phía dưới”.

Người

Những người bạn quốc tế đến, ở lại và yêu Hội An, có những hoạt động tử tế với môi trường Hội An, được báo Người lao động khen ngợi. “Những người Nhật làm đẹp Hội An” là bà Usada Reiko với quán cà phê cộng đồng U cà phê, chị M.Kawada với sản phẩm xà bông hữu cơ hay chị Umatsu với đề án giảm thiểu rác thải... Họ khẳng định “Ở bất cứ đâu, bảo vệ môi trường luôn đặt lên hàng đầu và ở Hội An thì điều này là tiên quyết”.

Đọc báo xuân Đinh Dậu tại Hội Báo xuân 2017. Ảnh: Châu Nữ
Đọc báo xuân Đinh Dậu tại Hội Báo xuân 2017. Ảnh: CHÂU NỮ

Xuân khởi nghiệp

Chưa bao giờ Chính phủ tạo nhiều điều kiện, cơ hội cho khởi nghiệp như nhiệm kỳ này. Vì lẽ đó, “Khởi nghiệp” (start-up) là chủ đề/ chuyên đề được khá nhiều tờ báo xuân tổ chức. Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chuyên đề “Tinh thần khởi nghiệp”, Tuổi trẻ có “Xuân khởi nghiệp”, Thanh niên có “Mùa vàng khởi nghiệp”, Tiền phong có “Khởi nghiệp”, Người lao động có “Thời đại mới & vận hội mới” giới thiệu nhiều gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu, những chia sẻ chung quanh kinh nghiệm vượt qua thất bại để thành công. Với chủ đề “Khởi nghiệp và nền kinh tế bao dung”, báo Diễn đàn Doanh nghiệp Xuân Đinh Dậu 2017 truyền tải thông điệp “Chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo đã mở đường cho một làn sóng khởi nghiệp mới ở Việt Nam. 2017 được kỳ vọng sẽ là một năm sinh sôi, nảy nở của cộng đồng doanh nghiệp”. Với chuyên đề “Dấu ấn khởi nghiệp”, báo Khoa học phổ thông cho rằng, một “làn sóng“ khởi nghiệp mới đã thực sự xuất hiện và ghi dấu ấn đậm nét.       

Ở lĩnh vực văn hóa, nhà báo Lê Công Sơn trở về với “Làng hát bội của vua”. Ngôi làng nằm nép mình bên tả ngạn sông Ly Ly, làng Đức Giáo xưa (nay là thôn 3, xã Quế Châu, Quế Sơn) được xem là cái nôi của hát bội xứ ngũ phụng tề phi, đã nhiều lần được mời về kinh biểu diễn và được vua sắc phong là làng nhị ca. Còn cố nhạc sĩ quê Hội An - La Hối với nhạc phẩm nổi tiếng “Xuân và tuổi trẻ” (lời: nhà thơ Thế Lữ) được nhạc sĩ Thế Bảo (Tạp chí Hồn Việt) cho rằng: “Những mùa xuân mới nối tiếp nhau với nhiều bài hát mới nhưng “Xuân và tuổi trẻ” sẽ còn đồng hành và trường tồn với mùa xuân của dân tộc Việt Nam”. Tương tự, họa sĩ Bùi Công Khánh (quê Hội An) - người đưa nhà gỗ mít Hội An vào nghệ thuật đương đại và đưa ra thế giới được vinh danh trên báo Tuổi trẻ.

Chân dung của chàng trai quê Duy Xuyên - Lê Thái Vũ (người khai sinh Làng lụa Hội An) được báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh gọi là “chàng trai tằm tang xứ Quảng”. Nhà báo Minh Trâm tin vào kế hoạch phục dựng con đường tơ lụa Hội An của Vũ vì tâm huyết của anh và vì “con tằm vẫn rào rào nhả tơ”. Trong khi đó, là căn nhà gốm được xây bằng tâm huyết của nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ mà ông hay gọi là “Ụ mối của Hạ” xuất hiện trên báo Thanh niên.

Và sản vật

Năm Dậu, nhiều tờ báo tổ chức chuyên đề “chuyện gà”. Con gà vừa gần gũi, vừa có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức người Việt, từ tục cúng gà trống, đến con gà trên gốm sứ, gà trong tranh vẽ. Và đặc biệt, gà xứ Quảng thịt dai, ngon nổi tiếng nên được đề cập khá nhiều trong bài viết thuộc chủ đề “mon ngon từ gà”.

Báo Người lao động giới thiệu 2 quán mỳ gà rẻ, ngon, no, giá 5.000 đồng/tô của bà Mười, bà Hương ở Quế Thuận và Đông Phú (Quế Sơn). Dù “bão giá”, quán vẫn không lên giá vì người bán tâm niệm, quán chủ yếu phục vụ, để giữ nghề, còn kiếm lời là phụ. Cũng trên tờ báo này, tác giả Vũ Đức Sao Biển khẳng định chắc nịch: “Muốn ăn gà ngon thì về xứ Quảng”. Địa phương nào của xứ Quảng mà chẳng có gà ngon, bởi vì đa số người Quảng nuôi gà hoàn toàn tự nhiên. Đó là mỳ gà ở Duy Xuyên, đặc biệt là dọc đường ĐT 610 lên Khu di sản văn hóa thế Mỹ Sơn. Tam Kỳ lại nổi tiếng với cơm gà, trong đó nổi tiếng nhất là cơm gà bà Luận. Và đặc biệt là gà tre Đèo Le (Quế Sơn), gà Tiên Lãnh (Tiên Phước). “Còn cái hạnh phúc nào hơn là ngồi trên đèo cao mát mẻ, nghe suối chảy róc rách, ngắm núi đồi hùng vĩ, rừng xanh bao la mà ăn thịt gà” - nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết.

Một số sản vật khác của Quảng Nam cũng được “lên” báo tết. Tỷ như quả nam trân (món ăn quý hiếm của phương Nam) được vua Minh Mạng vinh danh trên Nhân đỉnh khi đúc Cửu Đỉnh (Đại nội Huế). Trong khi đó, một món ăn dân dã, “không hề có tên trong sách vở, không nổi tiếng như phở sắn, mỳ Quảng, bánh tráng”, được báo Tiền phong giới thiệu, ấy là món bánh đăng báo (Quế Sơn). Món bánh này làm từ sắn gắn với thời kỳ khốn khó nhưng “phả lên mùi thơm rất quê mùa, bình dị. Còn với người dân Quế Sơn, nỗi háo hức của họ nằm ở sự sum vầy. Khi nồi bánh bắc lên bếp, nghĩa là tết đã về ngoài hiên...”.  

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đất và người Quảng Nam trên báo tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO