Ở làng Thanh Tú (Điện Thắng Nam, Điện Bàn) có hàng chục gia đình đã trọn đời thủy chung, cống hiến cho cách mạng. Chiến tranh dù đã lùi xa nhưng câu chuyện về sự hy sinh lớn lao của họ vẫn còn vọng đến hôm nay. Dưới đây là chuyện về hai trong số nhiều gia đình như thế.
Đường vào làng Thanh Tú hôm nay. Ảnh: Q.TUẤN |
Chiến tranh đi qua đã lâu nhưng đến nay người làng Thanh Tú vẫn còn nhắc đến gia đình ông Nguyễn Văn Tương khi nói chuyện đánh giặc cứu nước. Ông Tương có 4 người con trai đều tham gia cách mạng, trong đó 3 người đã hy sinh, một người là thương binh. Người con trai cả là Hai Tương hy sinh cùng chiếc tàu không số tại vùng biển Vũng Rô, Phú Yên. Anh Nguyễn Văn Chiến là Đại đội trưởng Q15 Điện Bàn. Anh Nguyễn Văn Đấu là Tỉnh đội phó Quảng Đà. Anh Đấu, anh Chiến cùng với người bác họ là Nguyễn Văn Quyết gộp thành khẩu hiệu “Quyết - Chiến - Đấu” mang tuổi thanh xuân, trái tim nhiệt huyết ra trận vào những thời khắc lịch sử vô cùng khó khăn.
Ngày các con đi đánh giặc, ông Tương cố kìm nén những giọt nước mắt chực trào, động viên các con lên đường, hẹn ngày về sum họp. Để chuẩn bị cho công tác diệt ác phá kèm, năm 1963 anh Chiến và anh Đấu trở về địa phương. Trong một đêm mưa gió, trời lạnh như cắt da cắt thịt, Chiến và Đấu lén lút về quê hỏi thăm tin tức người cha mình qua người bác họ và nhờ nhắn lại với cha rằng các con đi cách mạng vẫn mạnh khỏe để cha đừng lo lắng nhiều, ngày giải phóng nhất định là ngày cha con sẽ sum họp. Vậy mà chiến tranh luôn là nỗi đau của sự chia ly, cái chết lúc này trở nên bất trắc và mỏng manh. Ngày chiến thắng lẽ ra là ngày đoàn tụ thế mà những đứa con ông Tương đã ra đi mãi mãi chỉ còn duy nhất anh Tới trở về không lành lặn…
Năm 1964, anh Chiến cùng đồng đội chặn trận đánh càn của lính Bảo An tại khu mộ chiến sĩ La Thọ xã Điện An (nay là xã Điện Hòa) và hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi. Anh Nguyễn Văn Đấu hy sinh trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 đến nay chưa tìm thấy hài cốt. Còn anh Nguyễn Văn Tới là biệt động thành bị thương trong chiến dịch xuân hè 1971. Anh Tới là người duy nhất còn sống sót nhưng những vết thương chiến tranh luôn đeo bám và hành hạ cho đến tận ngày hôm nay.
Ở làng Thanh Tú có thể kể đến một gia đình cách mạng trung kiên khác, đó là gia đình ông Võ Tâm. Con trai đầu của ông - Võ Hồng Tâm làm thợ hớt tóc là người tiễu trừ Đại tá Imfit gây chấn động báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau khi hạ sát được đại tá Imfit, anh Tâm bị địch bắt sau đó chúng đưa đi tra tấn nhiều nơi nhưng anh vẫn giữ vững khí tiết trung kiên của người chiến sĩ cách mạng.
Người con thứ hai là Võ Hồng Vân từng là cán bộ thanh niên rồi làm Trưởng An ninh huyện, Huyện ủy viên. Sau năm 1954 anh thuộc diện tập kết ra Bắc, nhưng sau đó được tổ chức phân công ở lại hoạt động bí mật và tổ chức cơ sở đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Lúc này phong trào cách mạng Điện Bàn nói chung và phong trào cách mạng Điện Thắng nói riêng khó khăn khủng hoảng nghiêm trọng. Lòng trung thành và yêu nước của Võ Hồng Vân được nhiều người từ trong làng ra ngoài xã ai cũng mến mộ, họ sẵn sàng nuôi giấu che chở để anh hoạt động. Khắp các xóm làng như nhà ông Mân (Thanh Tú), nhà chị Bảy Qượt (Viêm Tây), nhà chị Phan Thị Thảo (Quan Hiện, xã Điện Hòa) thường che giấu Võ Hồng Vân.
Dù chiến đấu ở quê hương nhưng Võ Hồng Vân không được về nhà gặp cha mẹ. Anh kìm nén những nhớ thương chỉ dám bày tỏ lòng mình với người dì: “Mẹ bị bệnh rất nặng nhưng con không về thăm được vì sợ làm lộ bí mật của cách mạng. Nhờ dì chăm sóc mẹ thay phần con”. Năm 1961, ở miền Nam đã bắt đầu cho phép kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, những cơ sở của Võ Hồng Vân đã nổi dậy tham gia phá ấp chiến lược, diệt nhiều tên ác ôn nợ máu với cách mạng. Chẳng may trong một lần cơ sở bị bại lộ vì bọn gián điệp chỉ điểm, Hồng Vân bị địch bao vây và bị đứt bàn chân. Quyết không chịu đầu hàng, một mình một khẩu súng anh kiên cường nã đạn vào kẻ thù và nói với tên chỉ điểm những lời đanh thép: “Mày là tên phản bội cách mạng, dù tau có hy sinh nhưng cách mạng sẽ trừng trị mày”. Và Võ Hồng Vân hô to “Hồ Chí Minh muôn năm!” trước khi trút hơi thở cuối cùng tại xóm kiến thiết Điện An.
Tiếp bước anh trai, Võ Hồng Sơn tham gia cách mạng, là đảng ủy viên, Trưởng ban an ninh xã Điện Thắng. Ngoài nhiệm vụ an ninh, anh là người tổ chức đào hầm giấu thương binh và hầm bí mật để cán bộ cấp trên về công tác có nơi trú ẩn an toàn. Được sự tín nhiệm, thời gian sau anh Sơn được điều lên công tác ở Ban An ninh huyện. Anh đã anh dũng hy sinh trong trận truy kích địch. Còn người con gái út của ông Võ Tâm là Võ Thị Lan cũng làm cơ sở cách mạng và đã hy sinh trong khi làm ám hiệu cho quân ta tổ chức một đánh trận tiêu diệt địch.
QUỐC TUẤN - VĂN MẾN