Đại Lộc năm 1900

PHAN XUÂN QUANG 24/04/2022 06:24

Cho đến nay, hầu hết công trình nghiên cứu, biên soạn về lịch sử, văn hóa, địa chí của huyện Đại Lộc cũng như của Quảng Nam đều ghi thời điểm thành lập huyện Đại Lộc là vào năm 1899 hoặc năm 1900. Năm 2019, huyện Đại Lộc tổ chức kỷ niệm 120 năm thành lập huyện đã chọn mốc năm 1899.

Huyện lỵ Đại Lộc ngày nay. Ảnh: T.L
Huyện lỵ Đại Lộc ngày nay. Ảnh: T.L

Căn cứ gần như duy nhất để các công trình xác định thời điểm thành lập huyện Đại Lộc như trên là dựa vào tập “Đại Nam nhất thống nhất chí” (quyển thứ 5) của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần về tỉnh Quảng Nam, được biên soạn trong thời gian triều Duy Tân.

Đây là công trình viết dưới dạng địa chí, giới thiệu khái quát quá trình thành lập của tỉnh Quảng Nam cũng như của các huyện, phủ trong tỉnh bấy giờ (gồm phủ Điện Bàn, huyện Diên Phước, huyện Hòa Vang, huyện Duy Xuyên, huyện Đại Lộc, phủ Thăng Bình, huyện Lễ Dương, huyện Quế Sơn, phủ Tam Kỳ, huyện Hà Đông) cũng như về hình thế, khí hậu, phong tục, thành trì, học hiệu, hộ khẩu, sơn xuyên, khe đầm, cổ tích, lăng mộ, nhân vật…

Trong tập “Đại Nam nhất thống chí” (Tư Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1964), nội dung viết về huyện Đại Lộc có đoạn: “Huyện này nguyên là đất của 2 huyện Diên Phước và Hòa Vang.

Năm Thành Thái thứ 12 (1900) trích 30 châu xã của tổng Hoài Mỹ, 30 châu xã thôn của tổng Đại An thuộc huyện Diên Phước; 21 xã của tổng Đức Hòa, 6 phường, thôn của tổng Phú Khê thuộc huyện Hòa Vang; 10 xã thôn của tổng Phước Tường gần phía nam sông Lỗ Đông; 6 xã thôn trong tổng An Châu thuộc huyện Hòa Vang và thôn phía nam xã Đông Bích, tổng An Châu gọi là Đông Bích nam thôn cùng thôn phía nam của xã An Ninh gọi là An Ninh nam thôn, cộng 21 xã thôn đặt làm tổng An Phước rồi đặt ra huyện này, lệ thuộc phủ Điện Bàn.

Cũng năm Thành Thái thứ 12 (1900) trích xã Phú Thứ Thượng ở tổng An Mỹ, huyện Quế Sơn sáp nhập tổng Đại An. Hiện lãnh 5 tổng, 109 xã thôn, phường, châu” (tr. 9 - 10).

Tuy nhiên, cũng trong “Đại Nam nhất thống chí”, phần viết về huyện Hòa Vang và huyện Diên Phước khi ghi việc cắt một số xã, thôn, tổng để đặt thêm huyện Đại Lộc đều ghi vào năm Thành Thái thứ 12 (1900), mặt khác ở phần viết chung về tỉnh Quảng Nam và phủ Điện Bàn thì ghi năm Thành Thái thứ 11 (1899) đặt thêm huyện Đại Lộc (tr. 7). Có lẽ do có hai thời điểm trên nên các công trình lịch sử, văn hóa, địa chí đã xuất bản ghi năm 1899 hoặc 1900.

Vậy, huyện Đại Lộc được thành lập năm 1899 hay 1900? Lần đọc trong khối tài liệu liên quan đến triều Nguyễn, đặc biệt là các triều Thành Thái, Duy Tân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chúng tôi đã có thêm một nguồn tư liệu để khẳng định thời điểm thành lập huyện Đại Lộc, đó là tập Đại Nam Thực lục – Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên của Quốc sử quán triều Nguyễn (Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2012). Nguyên bản Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên viết bằng chữ Hán, chưa từng được triều Nguyễn cho khắc in, càng chưa được dịch ra chữ Quốc ngữ nên đông đảo người đọc còn chưa biết tới.

Bản thảo được dùng để phiên dịch và giới thiệu là văn bản chép tay duy nhất hiện được biết đến do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nhờ chụp lại ở Trường Viễn Đông Bác cổ (Pháp) và gửi về trong nước. Cao Tự Thanh cũng là dịch giả công trình này.

Nội dung công trình chủ yếu ghi chép các sự kiện, lĩnh vực và quá trình vận động xã hội trên địa bàn các tỉnh thuộc Trung Kỳ, Bắc Kỳ từ năm 1889 đến năm 1916. Trong đó nổi bật là sự điều chỉnh quyền lực chính trị và hành chính của triều đình nhà Nguyễn bên cạnh các hoạt động của chính quyền thực dân Pháp nhằm áp đặt thiết chế thuộc địa để nô dịch và bóc lột.

Công trình này được chia thành nhiều quyển và phần viết về thành lập huyện Đại Lộc nằm trong quyển 12, trong đó có đoạn viết về “Năm Canh Tý Thành Thái thứ 12 (1900) Tây lịch”, ghi nhận thời điểm thành lập huyện Đại Lộc: “Tháng 9. Đặt thêm huyện Đại Lộc ở Quảng Nam (trích từ huyện Hòa Vang 49 xã thôn thuộc 3 tổng Đức Hòa, An Phước, Phú Khê, lại trích 59 xã thôn thuộc hai tổng Đai An, Mỹ Hòa, 2 châu phường thuộc tổng Phú Mỹ hạt ấy và xã Phú Thứ Thượng huyện Quế Sơn đặt thêm một huyện tên là Đại Lộc, xếp vào loại nhiều việc, tất cả 5 tổng, 110 xã thôn, phường, ấp, huyện lỵ đặt ở địa phận châu Đông Lâm, quan lại chiếu theo lệ các huyện bổ nhiệm” (tr. 380).

Cho rằng huyện Đại Lộc được xếp vào loại nhiều việc, có nghĩa đây là địa phương có địa bàn rộng, dân cư đông, có nhiều lĩnh vực cần tăng cường quản lý của chính quyền.

Về nguyên nhân đặt thêm huyện Đại Lộc, “Đại Nam Thực lục - Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên” cho biết: ”Tổng đốc Nam Ngãi Nguyễn Hữu Thảng vì phủ Điện Bàn hạt ấy địa thế rộng lớn (nguyên 10 tổng 226 xã thôn) nên cắt giao.

Các tổng thuộc huyện Hòa Vang có tất cả 285 xã thôn, đòi thúc sưu thuế đinh điền sợ bị chậm trễ nên làm tập xâu xin theo địa thế liền nhau chước lượng đất đai đặt thêm để tiện quản trị, cho như lời xin” (tr. 380 - 381).

Như vậy, so sánh giữa “Đại Nam nhất thống chí” và “Đại Nam thực lục - Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên”, nội dung cơ bản giống nhau, duy chỉ chênh lệch số lượng xã, thôn, một bên là 109, một bên là 110 và tên gọi tổng Hoài Mỹ với tổng Mỹ Hòa.

Đặc biệt, điều đáng quan tâm, là thời điểm thành lập huyện Đại Lộc. công trình “Đại Nam nhất thống chí” ghi hai thời điểm là 1899 và 1900 còn “Đại Nam thực lục - Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên” chỉ ghi là tháng 9 năm Thành Thái thứ 12 - 1900 (năm Canh Tý - 1900 nhuần hai tháng 8 âm lịch).

Như chúng ta biết cả hai công trình trên đều do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, tuy nhiên công trình “Đại Nam nhất thống chí” thuộc dạng biên khảo nên dễ có sự nhầm lẫn nhất định (hoặc có thể do biên dịch); còn công trình “Đại Nam thực lục - Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên” biên soạn theo dạng biên niên, ghi chép theo trình tự thời gian nên độ chính xác và cụ thể cao hơn.

Tóm lại, qua các nguồn tư liệu, đặc biệt là “Đại Nam thực lục - Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên”, theo chúng tôi có thể khẳng định huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được thành lập vào tháng 9 năm 1900 (năm Canh Tý - Thành Thái thứ 12). Qua đây vấn đề đặt ra là cần tiếp tục sưu tầm, xác minh ngày thành lập trong tháng 9 năm 1900 qua các tấu của tỉnh Quảng Nam và các cơ quan triều Nguyễn với bút phê của vua Thành Thái.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc năm 1900
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO