Làng Phước Trạch xưa thuộc tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn, nay thuộc phường Cửa Đại, Cẩm An, TP.Hội An. Đó là ngôi làng ra đời khá sớm ở bờ Bắc Cửa Đại.
Sử liệu về làng Phước Trạch xưa
Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung trong cuốn “Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử” (2010) cho biết: các tộc tiền hiền làng Phước Trạch gồm Trương, Trần, Lê, Phạm nhưng gia phả, phần mộ tổ bị lưu lạc, mất mát hoặc không đọc được gì, chỉ còn biết qua tộc Lê các thế hệ lưu truyền được 14 - 15 đời và trong bảng thống kê quá trình biến đổi, phụ thuộc của làng xã ở Hội An có ghi Phước Trạch (tục danh làng Câu), xuất hiện cuối thế kỷ 17, hoạt động kinh tế chủ yếu là ngư nghiệp (trang 65, 70).
Trong sách “Làng xã ở Hội An: Qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn & Quảng Nam xã chí” (2020) không thấy tư liệu liên quan của làng Phước Trạch, song trong nội dung chưa rõ dựa vào cứ liệu nào đã có sự bổ sung: Tên làng Phúc An sau này còn gọi là Phước Trạch và ghi Phước/Phúc An/Trạch (tục danh làng Câu), khi làng được lập thì thuộc tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi (trang 15, 33).
Gần đây, với Bản tấu của Bộ Hộ về việc thuyền người Thanh gặp nạn xin tạm trú tại Hội An vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) - là tư liệu sớm nhất có tên xã Phước Trạch, nhà nghiên cứu Phước Tịnh cho biết hiện chưa thể nói chính xác mà chỉ bước đầu xác định làng hình thành muộn nhất vào đầu thế kỷ 19.
Rõ ràng, thông tin về làng Phước Trạch trước năm 1846 còn khá hạn chế.
Từ tư liệu địa bạ
Để làm rõ thêm thông tin về làng, người viết đã tiếp cận địa bạ gốc từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I của Phụ lũy Phúc/Phước An xã (ký hiệu 12336, lập năm 1815) cùng các sử liệu khác. Theo đó, xác định tên xã Phước Trạch được đổi từ xã Phụ lũy Phúc/Phước An. Theo địa bạ, tứ cận của Phụ lũy Phúc/Phước An xã (附壘福安社): đông giáp Đại Chiêm hải môn (Cửa Đại nay); tây giáp xứ Đại Phước xã Đại An (nay là khối An Bàng phường Cẩm An); lại giáp xứ Cồn Động xã Thanh Hà (nay là phường Thanh Hà xã Cẩm Hà và một phần phường Cẩm An); nam giáp sông; bắc giáp biển.
Với vị trí đó, đặc biệt là phần giáp Đại Chiêm hải môn về phía đông, đối chiếu trên bản đồ trong “Đồng Khánh địa dư chí” (1886 - 1887) thì thấy địa bàn của Phụ lũy Phúc/Phước An xã trùng khớp hoàn toàn với địa bàn Phước Trạch xã (福澤社) xưa. Từ Phụ lũy (附壘) là yếu tố chung đặt trước tên làng giống với Phụ lũy Bình An xã ở bên bờ nam Cửa Đại (sau đổi thành An Lương, nay thuộc Duy Hải, Duy Xuyên). Hai làng này nằm ở bờ bắc - nam Cửa Đại nên có thể chữ Phụ lũy thường chỉ xuất hiện ở làng nằm gần cửa sông - biển, nơi có sự hiểm trở, có các đồn lũy kiểm soát hoặc phòng thủ.
Thêm vào đó, dưới triều Nguyễn, “An” là một chữ trọng húy. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ cho biết năm Tự Đức thứ 14 (1861) ban bố 19 chữ húy mới lần đầu tiên trong đó có chữ An (Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, 1997, tr.156-157). Có thể vì thế mà riêng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, mặc dù không phải tất cả nhưng có nhiều làng đọc âm An thành Yên hoặc đổi tên như Bình An Trung thành Trung Nghĩa, Phúc/Phước An Hạ thành Phước Lý, Nam An thành Nam Thọ, Phúc/Phước An thành Phước Trạch…
Tuy nhiên, thời điểm ban bố chữ húy và thời gian thay đổi địa danh trên thực tế lại không tương hợp như tên làng Phước Trạch đã xuất hiện trong Bản tấu năm 1846 trên đây.
Hay khi đối chiếu các sắc phong lưu lại của một số làng như Nam An, Phước An Hạ năm Minh Mạng thứ 7 (1826) thì thấy tương ứng đã đổi thành Nam Thọ, Phước Lý trong sắc phong năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) (Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan, 2014, Sắc phong ở Đà Nẵng).
Như vậy, đến đầu thời Thiệu Trị, các tên làng đã được đổi chứ không phải đến năm 1861.
Phân tích trên giúp có thêm cứ liệu để khẳng định tên làng/xã Phước Trạch được đổi từ Phụ lũy Phúc/Phước An, thời gian đổi tên muộn nhất là đầu thời vua Thiệu Trị.
Làng Phước Trạch tức Phúc/Phước An buổi đầu
Theo các nghiên cứu, có thể làng đã ra đời vào cuối thế kỷ 17. Muộn nhất cũng vào lúc này, ở Đàng Trong, chúa Nguyễn cho đặt một đơn vị hành chính là thuộc để cai quản các làng mới ra đời ven sông dọc biển, ở miền đầu nguồn, chân núi. Đến thế kỷ 18, “Phủ biên tạp lục” (1776) có chép thuộc Võng Nhi ở phủ Thăng Hoa trong đó có Phụ Phúc/Phước An Tứ chính hoặc Nội phủ Phúc/Phước An xã, rất có thể chính là tên của làng đã được sử tịch chép lại.
Vào đầu thế kỷ 19, làng thuộc tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn. Thuộc Võng Nhi quy tụ cư dân có sinh kế chủ yếu là làm lưới, đánh cá, chở đò... trải dọc bờ biển từ sông Hàn đến sông Cổ Cò, vào Cửa Đại, ra Cù Lao Chàm. So với các làng khác trong thuộc như Mỹ Khê, Thanh Châu, Đế Võng, Đại An, Hà Mòi (sau đổi thành Hà Quảng), phường Tân Hiệp, vạn Phú Tài… thì làng Phúc/Phước An nằm ở vị trí khá trọng yếu khi án ngữ ngay bờ bắc Cửa Đại.
Các chức dịch đứng ra khai bạ có Xã trưởng Bằng - Trương Văn Bằng, Hương mục Đội trưởng Ứng - Lương Văn Ứng, Cai đình Thi - Phạm Đình Kình (?), Cựu xã Thư - Trần Viết Thư, Trùm Hòa - Nguyễn Văn Hòa, Lão Thể - Phạm Đình Khương. Điều đó cho thấy các tộc họ chính cộng cư ở làng gồm Trương Văn, Lương Văn, Phạm Đình, Trần Viết, Nguyễn Văn.
Diện tích làng rộng 312 mẫu 4 sào nhưng chỉ có 1 sở ruộng tư 3 sào nằm ở xứ Phù Sa Bãi Dài do dân làng cùng canh tác, còn ba xứ Làng Câu, Đại Phước, Cồn Cát chủ yếu là cát trắng.
Xứ Làng Câu (廊鉤處) lớn nhất, rộng tới 292 mẫu 1 sào, chiếm khoảng 93% diện tích làng. Trên xứ đất này, dân làng làm nhà ở (4 mẫu); dựng chùa, đình, miếu (mỗi hạng 5 sào), còn lại là dải cát trắng bạt ngàn ven biển. Có lẽ vì vậy, dân gian truyền lại tục danh làng Câu là chính xác và càng có cơ sở để khẳng định làng Câu là tên Nôm cổ xưa nhất khi mới lập làng, phản ánh nghề chính của dân làng mà khi lập địa bạ thì đã trở thành một xứ đất.
*
* *
Làng Phước Trạch nay có thể đã từng có các tên cổ hơn như làng Câu, Phúc/Phước An. Xa xưa, dân làng có sinh kế chính gắn liền với sông, biển khi nằm trong thuộc Võng Nhi và dấu ấn sông nước từ đó in hằn đậm nét trong đời sống của dân làng mãi về sau.