Một thoáng Hà Kiều

LÊ TRẦN 03/04/2022 07:40

Tháng 3 về Hà Kiều, góc phố nhỏ Hà Lam (Thăng Bình) hoa sưa nhuộm vàng cả một khoảng trời, khiến những hoài niệm, câu chuyện của cuộc trăm năm dâu bể ùa về...

Một góc công viên Hà Kiều. Ảnh: LÊ TRẦN
Một góc công viên Hà Kiều. Ảnh: LÊ TRẦN

Giữa lao xao phố thị, dạo Hà Lam, bất ngờ khi thấy nơi đây vẫn còn sót lại bàu nước xanh trong, có cây cầu cũ xanh rêu, những cội cây cổ thụ in soi bóng nước. Bóng thời gian trầm mặc nơi con phố nhỏ, lối nhỏ đi về, chiều nghiêng vạt nắng. Xung quanh Hà Kiều có những sự tích khá hấp dẫn và lý thú.

Tương truyền, Hà Lam xưa có một khe nước chảy nên dòng khe này được đặt tên là Hà Khê (“Khê” có nghĩa là khe nước), khe nước ngăn cách ấp Trung và ấp Thị. Dưới bàu có sen mọc nên gọi là Hà Trì, còn Hà Kiều là tên cây cầu cổ bắc qua bàu nước. Vì thế, tấm bia Hà Kiều có khắc dòng chữ “Ngô hương Hà Khê hữu kiều cổ hỷ” (Khe Sen làng ta ngày xưa có một cây cầu).

Khu vực bàu Hà Kiều nay vẫn còn lưu lại di tích quý là tấm bia được lập thời Thành Thái thứ mười hai, tức năm 1900. Bia mô tả việc làm cầu, ghi lại công sức đóng góp của bà con, làng xóm, như ghi lại một dấu ấn lịch sử. Làng Thăng Bình thế kỷ 19 có hai nhân vật nổi tiếng là cụ Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1911) và cụ Sơn Phòng Nguyễn Tạo, nổi tiếng học giỏi.

Cụ Hà Đình Nguyễn Thuật làm đến chức Đông Các Đại học sĩ, một chức vụ được xem như tứ trụ của triều đình Huế. Cụ Sơn Phòng Nguyễn Tạo đã góp tổng cộng 300 quan tiền, một số tiền khá lớn lúc bấy giờ để xây dựng công trình thủy lợi ở Hà Trì và bắc cầu Hà Kiều. Hai cụ là những người khởi xướng, vận động bà con xây dựng công trình thủy lợi, dẫn nước tưới cho đồng ruộng, làm cầu để nhân dân dễ bề qua lại...

Ngày xưa, để trồng lúa, người dân Hà Lam phải lấy nước ở khe nước tự nhiên chảy qua làng, gọi là Hà Khê. Khe nước nhỏ về sau đã trở thành bàu rộng, dài (Hà Trì, là bàu sen), là công trình thủy lợi của làng. Bàu Hà Kiều khá dài, lại uốn lượn thành chín khúc, nên người xưa còn gọi là cửu khúc Hà Trì. Cầu gỗ Hà Kiều không còn, thay vào đó là những cây cầu xi-măng. 

Hà Kiều nay đã không còn giới hạn trong tầng nghĩa là cây cầu bắc qua bàu sen thuở xưa mà còn là tên đất, tên người, là nơi chốn bình yên, thơ mộng nhất mà tôi bắt gặp khi đã đi qua nhiều thị tứ, góc phố của xứ Quảng. Mỗi buổi sớm mai hay chiều tà, khi bình minh ló dạng hay dưới bóng hoàng hôn, Hà Kiều mang vẻ quyến rũ rất riêng với hàng cây cổ thụ có tuổi hàng trăm năm in soi bóng nước.

Hà Kiều nay trở thành địa danh đại diện cho đất và người Hà Lam khi công viên Hà Kiều nằm giữa lòng thị trấn trở thành khu vui chơi giải trí của người dân trong vùng và du khách xa gần. Phố nhỏ Hà Lam hay công viên Hà Kiều là địa chỉ quen thuộc của những buổi hò hẹn, tâm tình, để những kỷ niệm, cảm xúc đầy vơi theo năm tháng.

Thị trấn Hà Lam đang trên đà phấn đấu xây dựng đô thị loại IV vào năm 2030, thiết nghĩ, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Hà Lam và bản sắc văn hóa - lịch sử Hà Kiều là câu chuyện đáng suy ngẫm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thoáng Hà Kiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO