Nét son Quảng Nam

NGUYỄN DỊ CỔ 07/06/2023 07:17

(VHQN) - Lâu nay vùng đất, con người Quảng Nam được biết đến chủ yếu thông qua các bộ chính sử triều Nguyễn như “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”… và các tư liệu Hán - Nôm phi quan phương. Nhưng còn một nguồn “tư liệu gốc của tư liệu gốc” chính sử vừa nêu là châu bản triều Nguyễn cũng mang chứa nhiều thông tin về vùng đất, con người xứ Quảng.

Sông Vĩnh Điện.
Sông Vĩnh Điện.

Nét son hoàng đế

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, bao gồm các văn bản do nhà vua ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình được nhà vua phê duyệt bằng mực son và các văn kiện ngoại giao.

Dưới triều Nguyễn, việc ngự phê tấu sớ được quy định rất chi tiết. Mọi tấu sớ đình nghị đều giao cho quan Nội các phụng chỉ. Theo đó, Nội các có trách nhiệm duyệt các bản tấu và phiếu nghĩ (dạng văn bản đề xuất ý kiến của bộ hữu quan hoặc Nội các về cách giải quyết sự việc nêu trong chương sớ, đính kèm để nhà vua tham khảo khi phê duyệt).

Các vua nhà Nguyễn phê duyệt văn bản bằng cách dùng mực son, gồm 6 hình thức sau: Châu điểm là một nét son chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề thể hiện sự đồng ý; Châu sổ là nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp nhận; Châu phê là những chữ, một câu hoặc một đoạn văn do nhà vua viết, có thể ở đầu, ở cuối hoặc chen vào giữa các dòng trên văn bản thể hiện quan điểm hoặc cho ý kiến chỉ đạo;

Châu mạt là nét son phết lên những chỗ không chấp thuận hoặc chấp thuận; Châu cải là chữ, câu, đoạn viết bên cạnh những chữ đã sổ bỏ để sửa lại hoặc thể hiện quan điểm của nhà vua; Châu khuyên là vòng son khuyên lên tên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được chấp thuận.

Tài liệu châu bản triều Nguyễn được lưu trữ cẩn thận trong hoàng cung. Về sau trải qua các thể chế, tài liệu châu bản hết chuyển lên Đà Lạt lại chuyển vào Sài Gòn và cuối cùng lưu trữ tại Hà Nội. Tài liệu châu bản triều Nguyễn bao quát toàn bộ hoạt động đối nội, đối ngoại, do vậy nó đã phản ánh mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, con người Việt Nam.

Quảng Nam được nhắc đến tương đối nhiều trong tư liệu châu bản triều Nguyễn, bởi vùng đất Quảng Nam liền kề kinh đô, một giai đoạn là dinh trực lệ và Quảng Nam có nhiều người làm quan, trấn nhậm ở các địa phương cả nước.

Bản son đất Quảng

Châu bản triều Nguyễn phản ánh nhiều mặt về vùng đất và con người Quảng Nam. Bao gồm các phương diện: dân cư dân số (Bản tấu của Nguyễn Văn Thuấn ở thôn Phúc Lâm, tổng Thuận Hóa, phủ Thăng Hoa kính trình về việc kê khai dân số);

xây dựng hạ tầng (Bản tấu của Quan viên ở trực lệ dinh Quảng Nam về việc cấp lương tiền cho dân phu tu bổ đường, Bản tấu của Đổng lý công trình đào vét sông Vĩnh Điện Trương Văn Minh về việc xin mộ thêm phu để đào sông), quản lý về giá (Bản tấu của quan trực lệ dinh Quảng Nam báo giá gạo và thời tiết, Bản tấu của Bộ Hộ về giá gạo của tỉnh Quảng Nam), lưu thông tàu thuyền (Bản tấu của Bộ Binh về việc thuyền Đa Sách vào vịnh Trà Sơn, Bản tấu của quan viên quản lý các đài Điện Hải, Định Hải, cửa biển Đà Nẵng báo cáo tổn thất của đoàn thuyền vận tải gặp gió biển);

công tác quốc phòng (Bản tấu của Bộ Binh về việc chuyển pháo cho quân thứ Hòa Vang); điều bổ nhân sự (Bản tấu của Viện Cơ mật tấu về việc điều bổ các chức Tổng đốc Nam Ngãi và Thượng thư Bộ Lễ sung Phó Tổng tài Quốc sử quán); quan hệ đối ngoại (Bản tấu của Viện Cơ mật báo việc thay Công sứ Đà Nẵng)…

Về việc đào sông Vĩnh Điện, Đổng lý công trình Trương Văn Minh dâng tâu việc xin thêm 4.000 dân phu và mướn thêm 1.000 nhân công. Cho rằng, nếu thời tiết thuận lợi thì dốc sức làm việc, nếu không thuận lợi thì đợi sang năm tiếp tục. Châu phê của vua Minh Mạng cho thấy được tư tưởng dân vi bản, khoan sức dân.

Nội dung châu phê: “Về dân phu, đã có chỉ phải thêm 1.000 nhân công rồi, không được xin nữa (…) nếu hạn trong hai tháng mà đào không xong thì có thể để sang năm bàn lại. Phải lượng sức lượng thế mà làm, đừng để quá nhọc sức dân”.

Giá gạo ở Quảng Nam lên xuống thất thường. Ở thời Minh Mạng, “giá gạo mỗi phương là 1 quan 5 tiền, so với kỳ trước hiện giảm 1 tiền 30 đồng”. Nhà vua “châu mạt” bản tấu thể hiện sự hài lòng về việc giá gạo giảm ở Quảng Nam và “châu phê”: “Vui mừng được xem tờ tâu báo tin thời tiết thuận hòa. Trẫm chắp tay lên trán cầu trời cho ruộng đồng cả nước đều được mùa lớn”.

Ở thời Tự Đức, nhà vua châu phê giá gạo từ Quảng Bình vào Nam thường cao, Quảng Nam là cao nhất. Theo đó, nhà vua đã nghiêm phê kẻ chăn dân không lo nghĩ cách khuyến khích giúp đỡ, chỉ ngồi nhìn rồi báo cáo con số suông.

Cảng biển Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng. Sau khi Pháp tấn công Đà Nẵng, ngày 26/9/1858 (âm lịch), Bộ Binh tâu việc 10 cỗ pháo Du sơn lâu nay lưu kho đã được “chỉnh lý” chắc chắn và chuyển cho quân thứ Hòa Vang và quân thứ Thị An đủ dùng.

Bản tấu của Bộ Binh này cũng đã nêu khá kỹ về đặc điểm của các cỗ pháo và cần bao nhiêu lính khiêng. Vua Tự Đức cũng đã châu phê với lời dặn dò tỉ mỉ: “Tư riêng cho hai quân thứ biết loại pháo này bắn rất có hiệu quả, dùng đạn liên châu bắn gần càng lợi, nên biết để chuẩn bị lúc lâm sự ứng phó với địch”.

Ngoài những châu bản cụ thể về địa phương Quảng Nam, châu bản triều Nguyễn còn có những văn bản liên quan đến nhân vật Quảng Nam đang đảm nhiệm trọng trách ở các địa phương khác. Trong số đó có một số châu bản liên quan Phạm Phú Thứ khi đảm nhiệm vị trí Tổng đốc Hải Dương kiêm Thương chánh đại thần…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nét son Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO