Người truyền bá chữ quốc ngữ trên đảo Cù Lao Chàm

PHÙNG TẤN VINH 08/11/2022 08:32

(QNO) - Ông Trần Hối, bí danh là Huy, sinh năm 1907 tại Tân Hiệp, Điện Bàn, Quảng Nam (nay là xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Sinh ra trong gia đình trung nông, thuở nhỏ ông vào đất liền học chữ Hán và học trường tiểu học Pháp - Việt, Hội An đến lớp nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année) thì nghỉ học do gia đình gặp khó khăn.

Ông Trần Hối
Ông Trần Hối

Nghỉ học, ông bắt đầu đi làm thuê với nghề bào chế và bán thuốc Bắc cho tiệm Quảng Nam phong của Hoa kiều ở Vĩnh Điện.

Khi làm việc cho hiệu thuốc thời gian rảnh ông cũng giao du với nhiều bạn bè, ông nhận thấy trẻ em ở đất liền ngoài học chữ Hán, còn được học chữ quốc ngữ. Người dân quê  ông đa số không biết chữ, nhất là quốc ngữ nên ông luôn suy nghĩ về điều đó.

Đáng quý là dù đi làm thuê nhưng ông biết tiết kiệm tiền, ước mơ sau này sẽ về quê giúp đỡ con em trên đảo học chữ quốc ngữ để biết đọc, biết viết và nâng cao hiểu biết. Nói là làm nhưng khi bắt tay vào thực hiện ông gặp không ít khó khăn.

Nhờ những năm theo học ở Hội An, Trần Hối có quen biết với Phan Thêm (Cao Hồng Lãnh) và được tuyên truyền về chủ nghĩa Cộng sản, giác ngộ cách mạng nên sau này ông mới tham gia cách mạng.

Năm 1934, Cao Hồng Lãnh xuất dương sang Hồng Kông, tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương tại Trung Quốc thì Trần Hối mất liên lạc. Cũng từ mối quen biết này, những năm 1929-1936, Trần Hối liên hệ với một người họ hàng của Phan Thêm là Phan Hiền để nhờ hỗ trợ, giúp tiền mua sách vở, bút, mực về Cù Lao Chàm mở lớp dạy trẻ em học quốc ngữ miễn phí. Thời gian này, ông cũng đi làm thuê lấy tổ yến sào trên đảo cho chủ thầu để mưu sinh.

Năm 2022, kỷ niệm 115 năm sinh của ông, nhân dân Cù Lao Chàm luôn nhớ về Trần Hối - người thanh niên tiến bộ có công đóng góp to lớn cho việc truyền bá chữ quốc ngữ trên đảo và người quản lý yến sào đầu tiên của Hội An sau ngày đất nước thống nhất.

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông được Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Miền Nam Trung bộ tặng Bằng khen và Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Để có kinh phí duy trì lớp học, ông mạnh dạn tổ chức một đội hô bài chòi và một đội chèo thuyền đến ngày lễ, Tết thì tổ chức để gây quỹ. Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng việc tổ chức các hoạt động cũng rất bài bản, ông phân công các bạn trong làng như Trần Thiện, Trần Hoang phụ trách thực hiện, Vương Tranh làm thư ký, Trần Bân làm thủ quỹ.

Tháng 4.1945, trước sự việc lý trưởng bị dân kêu kiện do gian lận về công quỹ nên quận trưởng cách chức. Sự việc bất đắc dĩ khi Hội đồng hương chính xã tín nhiệm, vận động nên ông ra ứng cử và được nhân dân bầu trúng cử làm lý trưởng Cù Lao Chàm đến tháng 8.1945. Lúc này, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ do chính phủ Trần Trọng Kim đề ra được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trần Hối nhanh chóng vận động thanh niên trong xã tổ chức một nhóm gồm Trần Hối, Lê Dinh, Vương Tranh, Vương Ninh, Trần Bân, Nguyễn Diên để tổ chức truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân trên đảo rất sôi nổi.

Cách mạng Tháng Tám thành công tại Hội An thì ngày 21.8.1945, chính ông Trần Hối - lý trưởng Cù Lao Chàm tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và ông được bầu làm chủ tịch.

Hang chim yến Cù Lao Chàm Ảnh: P.T.V
Hang chim yến Cù Lao Chàm Ảnh: P.T.V

Sau khi bầu cử Quốc hội năm 1946, thực hiện chủ trương hợp nhất của Chính phủ, Hội An được chia làm 8 khu phố. Khu VIII (Tân Hiệp) gồm các đảo Cù Lao Chàm ông Trần Hối làm chủ tịch. Cuối năm 1947, Ủy ban kháng chiến nhập vào Ủy ban hành chính gọi là Ủy ban Kháng chiến - hành chính, ông tiếp tục làm làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - hành chính khu. Tháng 2.1949, ông được kết nạp vào Đảng.

Tháng 1.1955, ông được Thị ủy Hội An bố trí tập kết ra miền Bắc làm cầu đường quốc lộ 1 tại Thanh Hóa. Sau đó ông công tác tại công ty khai thác gỗ Khe Nóng, Hà Tĩnh, những năm 1956-19577, làm trưởng phòng sản xuất gỗ Khe Nà thuộc Công ty quốc doanh lâm nghiệp Nghệ An. Năm 1958, tổ chức bố trí ông ra công tác tại Công ty Thuốc nam thuốc bắc Hà Nội. Cuối năm 1961 ông  làm Cửa hàng trưởng Cửa hàng cung cấp, bán buôn thuốc nam, thuốc bắc ở 54 phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội thuộc Quốc doanh dược phẩm Hà Nội đến tháng 10.1974 thì nghỉ hưu.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông về lại quê hương Tân Hiệp sinh sống và cơ duyên đến với ông một lần nữa khi được làm nghề khai thác yến. Việc khai thác nguồn yến sào Cù Lao Chàm, trước đây chính quyền Việt Nam Cộng hòa giao cho chủ thầu là người Hoa, hợp đồng vẫn còn trong thời hạn khai thác đến hết năm 1976.

Tuy nhiên, sau khi Cù Lao Chàm được giải phóng, chính quyền cách mạng mời người trực tiếp quản lý khai thác yến đến làm việc, tuyên truyền, giải thích chính sách của nhà nước đối với việc quản lý tài nguyên quý hiếm, vận động bàn giao lại việc quản lý và khai thác yến sào cho UBND thị xã Hội An, kể cả số công nhân lao động, ghe thuyền, phương tiện, dụng cụ khai thác. Ngay sau khi nhận bàn giao, chính quyền thị xã cử ông Trần Hối quản lý. Tháng 11.1975 , UBND thị xã Hội An thành lập Đội quản lý và khai thác yến, có trụ sở tại Cù Lao Chàm và tiếp tục bổ nhiệm ông Trần Hối làm đội trưởng.

Mặc dù tuổi cao nhưng ông là một đảng viên mẫu mực, có uy tín, luôn tham gia các hoạt động tại địa phương, từ năm 1981 đến năm 1983 ông được bầu vào ban chấp hành Đảng bộ xã Tân Hiệp và làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Ở vị trí công tác nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vị được giao, được đồng chí, đồng nghiệp kính trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người truyền bá chữ quốc ngữ trên đảo Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO