Nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà đã ra đi...

HỒ DUY LỆ (Ghi theo lời kể của đồng chí Trần Thận) 08/06/2021 10:07

(QNO) - Ngày 5.6.2021, đồng chí Trần Thận, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ, đã từ trần. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Hồ Duy Lệ qua lời kể của đồng chí Trần Thận, từ lúc sinh ra, quá trình hoạt động cách mạng cho đến thời điểm tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, tháng 3.1975.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trần Thận, ngày 22.3.2021. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bên trái) trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trần Thận, ngày 22.3.2021. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Theo giới thiệu của đồng chí Võ Toàn và Nguyễn Sắc Kim, ngày 3.6.1942, tôi được kết nạp vào Đảng, lập chi bộ Bàn Thạch, được cử làm Bí thư. Chưa đầy một tháng sau, mẹ tôi dậy sớm nấu cơm cho anh Võ Toàn và Nguyễn Sắc Kim ăn, các anh vừa ra khỏi nhà khoảng một vài tiếng đồng hồ thì bọn mật thám đến nhà bắt ba anh em của tôi. Trên đường đi, tôi nói với hai người anh của tôi là anh Hòa và anh Cáo, cứ đổ hết cho tôi. Đến nơi, chúng nhốt tôi trong xà lim, nhốt hai anh ở phòng ngoài, các anh tôi chỉ nhận có cảm tình với cách mạng, chúng giam hai anh ba tháng thì thả.

Chúng kết án tôi ba năm tù. Sau mấy tháng ở nhà lao tỉnh (Vĩnh Điện), khoảng tháng 7.1943, chúng đưa tôi xuống nhà lao Hội An.

Tôi sinh ngày 25.1.1927, tại làng Bàn Thạch, tổng An Lạc, phủ Duy Xuyên. Tham gia cách mạng đặt tên Trần Thận. Năm tôi được 13 tháng tuổi thì cha mất. Cha tôi mất ngày 28 tháng 5 năm Đinh Mão - 1927. Tôi lấy ngày cha mất làm ngày sinh. Năm 1942, mẹ tôi mất.

Cuối tháng 3.1945, tôi ra tù. Tôi về nhà chưa được mấy ngày, anh Phan, Phủ ủy lâm thời Duy Xuyên, đến giao nhiệm vụ. Sau đó, anh Võ Toàn (Năm Công) triệu tập một cuộc họp tại nhà ông Cửu Tịnh ở ngoài thị trấn Nam Phước - Long Xuyên, lập Ủy ban vận động cứu quốc khu Đông Duy Xuyên, phân công anh Trần Thượng Hàm làm Bí thư Ban cán sự; phân công tôi xây dựng cơ sở ở Tổng An Lạc. Ngày 18.8.1945, chúng tôi tổ chức cuộc tuyên truyền xung phong, họp mít-tinh, diễn thuyết công khai ở các chợ Nồi Rang, An Lương, Bàn Thạch, Hà Nhuận... thuộc khu Đông Duy Xuyên, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành độc lập...

 

Sau khi ký Hiệp định Genève, ngày 20.7.1954, tôi là Ủy viên Ban Thường vụ, Chính trị viên Huyện đội, là diện đi tập kết. Đang công tác, tôi rời khu Tây Duy Xuyên, về lại cơ quan Huyện đội, lo thu xếp công việc để đi.  Đi suốt đêm, có gói cơm mang theo mà mệt, không muốn ăn, mờ sáng, vừa đến cơ quan, đóng trong nhà anh Hai Châu. Vừa bước vào nhà thì anh Hai Châu báo ngay: Cơ quan vừa bị địch tập kích, anh đi ngay! Trận đó đồng chí Bí thư Phạm Quang bị thương, bị địch bắt. Đồng chí Tư Thuận, Bí thư Tỉnh ủy thoát chết!

Cũng như các huyện trong tỉnh, bộ máy Huyện ủy Duy Xuyên được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ định gồm 5 người: Bí thư Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Trần Thận và 3 Huyện ủy viên. Huyện chọn 60 cán bộ, đảng viên trung kiên chuyển vào hoạt động bí mật.

Anh Nguyễn Văn Hà về nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên chưa đầy một tuần, thì tháng 10.1954, trên cho ông đi tập kết. Anh Nguyễn Xuân Phương làm Bí thư. Nhưng tình hình trở nên căng thẳng, địch vừa tiếp quản đến liền liên tiếp gây nên những cuộc đàn áp đẫm máu ở Chợ Được, Chiên Đàn, rồi ở Cây Cốc...  Trên cho Nguyễn Xuân Phương đi tập kết. (Trong chuyến đi cùng anh Phương, có bà Trương Thị Trung vợ ông Trần Thận cùng đi. Vợ thì muốn chồng cùng đi. Nhưng ông thì trên giao nhiệm vụ trụ lại. Đành kẻ ở lại người ra đi - NV). Tháng 5 - 1955, Tỉnh ủy chính thức cử tôi làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. Toàn huyện Duy Xuyên lúc bấy giờ có 19 đảng viên thoát ly, quyết trụ lại hoạt động bí mật, xây dựng căn cứ ở khu vực Đền tháp Mỹ Sơn.

Tháng 6.1959, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại làng Pa ghì – Bến Giằng, để học Nghị quyết 15. Tại hội nghị này, tôi được bổ sung vào Tỉnh ủy, vẫn giữ chức Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. Tháng 1.1960, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tổ chức tại thôn Adhur, bên bờ sông A Vương, huyện Hiên (Đông Giang). Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 19 đồng chí. Đồng chí Trương Chí Cương, được Liên khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy. Tôi được bầu vào Tỉnh ủy, trúng Ủy viên Ban Thường vụ và được phân công làm Trưởng ban Quân sự tỉnh. Cuối năm 1960, anh Tư Thuận về Liên khu ủy 5, anh Mười Khôi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Khi ta đánh giải phóng Sêpôn – Lào, đường Trường Sơn từ miền Bắc vào thông thoáng hơn. Dịp này, xuất hiện đoàn anh Nguyễn Đôn và anh Võ Văn Đặng từ miền Bắc vào. Anh Nguyễn Đôn về Khu ủy 5, anh Võ Văn Đặng về tỉnh. Khi ta chuẩn bị đánh xuống vùng B - Đại Lộc, anh Võ Văn Đặng thấy tôi yếu quá, anh đề nghị cho tôi đi miền Bắc. Tỉnh ủy bổ sung anh Đặng vào Ban Thường vụ.

Tháng 10.1961, tôi được Tỉnh ủy cho ra miền Bắc. Tôi cưới nhà tôi năm 1951. Như vậy là sau 7 năm trời, từ ngày chia tay vợ và các đồng chí cán bộ Huyện ủy, trong đêm, trên bến Mậu Hòa, Duy Trung, tôi mới được gặp lại vợ tôi!

Năm 1962. Hôm vợ vào bệnh viện sinh con, tôi đang học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, chiều về ghé vào bệnh viện thì thấy người ta ghi trên bảng tên những người sinh hôm ấy, trong số đó có tên vợ tôi. Chúng tôi đặt tên cho con là Trần Khánh Trinh.

Sau Tết Giáp Thìn - 1964, tôi chia tay vợ và con trai, rời Hà Nội, lên đường vào lại chiến trường miền Nam. Đầu năm 1964, tôi về đến chiến trường miền Nam, được Khu ủy 5 điều và bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Đà. Tỉnh ủy do anh Hồ Nghinh làm Bí thư, phân công tôi làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Chính trị viên Tỉnh đội, kiêm Trưởng ban Binh vận, Trưởng ban Đấu tranh chính trị và Trưởng ban Tuyên huấn.

Mùa khô 1966... Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc, ở Quảng Đà, địch càn quét, cày trắng từ Lộc Hưng - Đại Lộc xuống Điện Thái - Điện Bàn, các xã bắc sông Thu Bồn dọc theo đường 100 cũng bị cày trắng trơ.  Ngày 17.7.1966, mở đài Hà Nội nghe Bác Hồ đọc lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do’’. 

Cơ quan Tỉnh ủy đang đóng ở nhà ông Giảng gần cầu ông Nở, đi chừng cây số thì đến chợ Phú Thuận sát bờ sông Thu Bồn. Tôi bảo anh Ngô Xuân Hạ, lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Thường vụ, phụ trách Tuyên huấn, ghi âm lời kêu gọi của Bác Hồ để làm tài liệu học tập, phát động căm thù giặc Mỹ leo thang chiến tranh. In nhiều khẩu hiệu ‘‘Không có gì quý hơn độc lập, tư do’’ phát cho cán bộ và dân vùng giải phóng, cán bộ thì đeo khẩu hiệu trên ống tay áo, dân thì treo trước nhà mình...

Dịp Tết năm 1967, hôm đó, anh Hồ Nghinh ra xã Điện Hòa làm việc với anh Hà Kỳ Ngộ và gặp cơ sở từ thành phố vào.  Khi về Gò Nổi, tôi và anh Nghinh đi thăm và chúc Tết bà con. Trên đường thì gặp bà Diệu ở Xuân Đài. Anh Nghinh chào, hỏi bà Diệu: Tết chúc chị gì đây chị? Bà Diệu cười, nói: ‘‘Không có gì quý hơn độc lập, tự do!’’

Anh Nghinh rất vui, nói với bà Diệu, thắng giặc Mỹ thì nhất định sẽ có độc lập, tự do. Chúng tôi đi trong làn pháo cầm canh nghĩ đến những người dân bám trụ bom đạn tơi bời vẫn lạc quan như bà Diệu, nghĩ đến cuộc vận động học tập lời Bác dạy đã thấm vào nhân dân. Một nhân dân mặc cho bom đạn tơi bời, ruộng vườn bị cày ủi tan hoang vẫn kiên cường bám trụ ‘‘Một tấc không đi, một ly không rời’’. Một nhân dân sẵn sàng ‘‘Nhà tan cửa nát cũng ừ. Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ sướng sau’’.

Họp phân công tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, vào giờ chót, anh Tư Thuận phân công tôi thay anh trực tiếp vào nội thành Đà Nẵng chỉ đạo và anh dặn dò kỹ và cho tôi biết giờ G - giờ hành động. Sau Mậu Thân, ta mở tiếp hai chiến dịch. Sau chiến dịch Hè - X1, tôi xin ở lại thành phố tiếp tục công tác để chuẩn bị cho chiến dịch X2, Khu ủy 5, điều động tôi vào làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thay đồng chí Vũ Trọng Hoàng.

Tháng 11.1969, từ ngày 16 đến ngày 30, Đại hội Đảng bộ Quảng Nam lần thứ VIII, diễn ra bên bờ suối Nước Oa, nóc Ông Đề, thôn Năm xã Cót- Bắc Trà My, có  ông Võ Chí Công dự. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành 29 đồng chí, tôi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, anh Đỗ Thế Chấp làm Phó Bí thư.

Trong năm 1969, Đảng bộ Quảng Nam kết nạp được 600 đảng viên mới, địch thì leo thang chiến tranh gây cho ta gặp vô vàn khó khăn, ác liệt, tổn thất! Nhiệm vụ của Bí thư Tỉnh ủy thêm nặng nề. Tháng 1.1971, Khu ủy 5 cho tôi ra miền Bắc điều trị bệnh. Sau Tết năm 1972, tôi rời Thủ đô Hà Nội, về lại miền Nam. Khi tôi đang ở chiến trường Quảng Đà nóng bỏng thì nhận được tin vợ sinh con gái, ngày 24.5.1972, tên con là Trần Thị Kim Liên.

 

Tháng 9.1972, Khu ủy 5 điều tôi về làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà thay anh Hồ Nghinh về Khu ủy 5. Chiều ngày 26.1.1973, tại căn cứ Hòn Tàu, trong một cái hang đá ở Mặt Rạng, các cơ quan trực thuộc Đặc khu ủy Quảng Đà họp triển khai những công việc cần phải làm khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Sau cuộc họp Đặc khu ủy, cơ quan bị bom B.52 của Mỹ. Ông Chín Kỉnh bị một mảnh bom Mỹ chết ngay trước miệng hang đá. Bốn giờ sáng hôm sau, tôi nói với anh Phạm Đức Nam và anh em trong cơ quan: Còn một giờ nữa hòa bình, đừng dễ ngươi với giặc Mỹ!

Và ngay sau đó, 7 loạt B.52 của Mỹ dội xuống khu vực cơ quan Văn phòng Đặc khu Quảng Đà. Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh. Ngày 29 -3-1973, Mỹ làm lễ cuốn cờ tại sân bay Đà Nẵng, rút đơn vị quân viễn chinh cuối cùng ra khỏi miền Nam Việt Nam. Còn Nguyễn Văn Thiệu tung lực lượng thực hiện chiến dịch ‘‘tràn ngập lãnh thổ’’. Quảng Đà mất gần hết vùng giải phóng ở đồng bằng!

Từ ngày 4 đến ngày  9.9.1973, tại căn cứ A7 - vùng giáp Đại Lộc và Nam Giang, nơi có bộ phận sản xuất ở Thạnh Mỹ, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ XI, tôi được bầu lại làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, cùng Đảng bộ thực thi Nghị quyết 21, tháng 7.1973, của Ban Chấp hành Trung ương: Khắc phục khó khăn, khuyết điểm, tạo niềm tin mới và quyết tâm mới, quyết giải phóng quê hương.

Ngày 22.3.1975, tôi nhận chỉ thị của Bí thư Võ Chí Công, chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng. Về đến căn cứ Hòn Tàu, ngày 24-3-1975, tôi chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà và phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Ban Thường vụ, chuẩn bị huy động nhân dân nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Ông Trần Hưng Thừa nhận nhiệm vụ Bí thư Quận ủy quận Nhất, phải vào ngay nội thành.

Vào lúc 22 giờ đêm, ngày 28.3.1975, đang ở trong nội thành, nhận được tin Ngô Quang Trưởng, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn I Sài Gòn bỏ nhiệm sở lên máy bay trực thăng bay ra Hạm đội 7, tìm đường thoát thân, ông Trần Hưng Thừa liền viết thư hỏa tốc cho giao liên chạy xe honda ra Phái Nhì xã Điện Hòa, báo cho Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, nội dung thư: Đề nghị đưa lực lượng vào giải phóng thành phố ngay. Từ thông tin vô cùng quan trọng này, tôi đề xuất Bí thư Võ Chí Công và Tư lệnh Quân Khu ủy 5 Chu Huy Mân, đưa quân tiến vào Đà Nẵng.

Sáng sớm ngày 29.3.1975, tại số nhà 245 đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng - ngôi nhà của gia đình bà Nguyệt Ánh, ông Trần Hưng Thừa, Ủy viên Ban Thường vụ Đặc Khu ủy, Bí thư quận Nhất, phát lệnh khởi nghĩa trong nội thành Đà Nẵng!

Sáng 22.3.2021, tại lễ trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trần Thận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bày tỏ xúc động và cảm kích trước những công lao, đóng góp to lớn, xuất sắc của đồng chí Trần Thận cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định: Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Thận là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ cán bộ noi theo. Nhiều đồng đội của đồng chí Trần Thận đã có những cảm tưởng tốt đẹp về người lãnh đạo mẫu mực, kiên trung và trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng Đảng cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mặc dù đồng chí Trần Thận tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng đồng chí vẫn luôn dành nhiều tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Đồng chí thực sự là tấm gương sáng cho đảng viên, nhân dân và Đảng bộ thành phố học tập, noi theo!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà đã ra đi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO