Những ngôi mộ cổ bí ẩn ở Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 14/10/2017 08:58

Trong các kiến trúc dân gian hiện còn ở TP.Tam Kỳ, có mấy ngôi mộ chứa đựng nhiều bí ẩn về lai lịch người nằm trong mộ. Xin giới thiệu một số chữ nghĩa còn đọc được trên các bài minh và văn bia ở các ngôi mộ này.

Mộ giày thầy Lánh ở Hương Trà Tây, Hòa Hương, Tam Kỳ. Ảnh: P.BÌNH
Mộ giày thầy Lánh ở Hương Trà Tây, Hòa Hương, Tam Kỳ. Ảnh: P.BÌNH

Mộ “giày” hay mộ người?

Dân cư lâu đời ở khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương không ai không biết vị trí ngôi mộ xưa gắn với câu chuyện huyền thoại về “ông Thầy Lánh” nổi tiếng. Từ rất xưa, mộ này được truyền là nơi “chôn chiếc giày” của Thầy Lánh bị rơi xuống ấp Hương Trà khi ông Thầy cùng vợ cưỡi rồng đào thoát về đất Bình Thuận để tránh buổi xử tội của triều đình. Kiểu thức ngôi mộ hiện còn khá giống với các mộ vôi xây dựng vào cuối thế kỷ 19 ở Tam Kỳ: nấm mộ hình quả trứng (ô van); huynh (thành) mộ hình móng ngựa; phần “hậu đầu” được xây nhô cao. Mặt trong hậu đầu có tạc bài minh chữ Nho, nhiều chữ bị mất, bị mòn, đa số không còn nhận ra mặt chữ. Phía đằng chân, thành mộ tỏa ra hai bên và kết thúc thành hình cuốn thư.

Ở giữa cửa mộ có tấm bình phong rồi đến nhà bia dựng sát chân mộ. Tấm bia ghi: “Thượng đại Bích Nhãn Nguyễn Đức Lánh tôn sư thần mộ”, tạm dịch: “Đây là mộ linh của ngài Nguyễn Đức Lánh, thuộc đời bên trên, có hiệu là Bích Nhãn tôn sư”, và ghi tên người dựng bia là: “Diêm Điền xã Nguyễn Văn Phúng tịnh bổn tộc đồng phụng lập”, tạm dịch: “Nguyễn Văn Phúng cùng các con cháu trong tộc Nguyễn ở làng Diêm Điền cùng dựng bia để thờ”. Diêm Điền là tên một làng thuộc tổng An Hòa, huyện Hà Đông xưa (về sau thuộc thôn 4, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành). Làng này có tộc Nguyễn Văn. Hậu duệ tộc này xác nhận Thầy Lánh là nhân vật có thật và là tằng tổ đời thứ sáu với tính danh ghi trong gia phả của tộc là “Thượng tằng tổ Bích Nhãn tôn sư Nguyễn Đức Thêm tiên sinh”. Vậy, bí ẩn của “ngôi mộ giày” này cần được làm sáng tỏ: Đây là ngôi mộ của chiếc giày gắn với một truyền thuyết dân gian hay là mộ thật của một anh hùng nông dân chuyên cứu khốn phò nguy sống vào khoảng thế kỷ 18 -19, về sau trở thành tội nhân của triều đình?

Bí ẩn trong tấm bia “chữ vỏ đậu”

Chữ vỏ đậu là cách gọi dân gian về những chữ Nho khắc nổi trên mặt đá. Nét của kiểu chữ này có dáng khum khum giống như hình nửa vỏ đậu phụng đã bóc. Kiểu chữ này khá cầu kỳ - nhất là được khắc dính sát nhau trên một diện tích hẹp như bia mộ - vì thế, qua năm tháng, bị mòn mờ, rất khó nhận dạng để hiểu được nghĩa. Ở khối phố Hương Sơn, phường Hòa Hương có một ngôi mộ kiến trúc rất quy mô, được xây bằng chất liệu vôi bồ ghè rất xưa; trước mộ có một tấm bia khắc kiểu “chữ vỏ đậu” như thế. Nhiều người biết chữ Nho đã nhiều lần đến ngôi mộ này tìm đọc nhưng đều không thể nhận ra được toàn bộ tự dạng các chữ trên bia; chỉ đọc được hiệu tấm bia là “Việt cố” (chỉ loại bia mộ được lập từ thời Gia Long trở về trước) và đọc được tên người (con trai) đứng lập bia là Phạm Thừa Viện. Ngoài các chi tiết ấy ra, không thể xác nhận được gì thêm về lai lịch người nằm trong mộ.

Dân cư ở gần mộ cho biết hằng năm, vào mùa giẫy mả, người tộc Phạm ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh đều đến viếng hương, quét dọn và xác nhận mộ này thuộc tộc mình thờ tự. Gần đây, người trong tộc này đã tu bổ ngôi mộ theo đúng kiến trúc cũ và đã nhờ nhiều người giúp đọc tấm bia. Mỗi người đọc ra một cách khác nhau. Có người (ông Lương Ngọc ở thôn Xuân Phú, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) phiên âm dòng chữ vỏ đậu này là: “Chánh tiến hiển tỉ thụ ưu đệ hi di mẫu nương nhụ đức mộ”. Đây là cách đọc có vẻ đúng với mặt chữ, nhưng nghĩa vẫn chưa thể hiểu tận tường. Căn cứ vào kiến trúc rất bề thế và cổ kính của ngôi mộ cũng như nghĩa tiềm ẩn của một số chữ Nho đã đọc được, có thể đoán vị trí xã hội lúc đang sống của người phụ nữ (hiển tỉ) nằm trong mộ là khá cao. Người này có thể liên quan đến một nhân vật lịch sử nào của xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17 - 18 chăng?

Các bài minh tứ tuyệt trên hai mộ vô chủ

Tại phường An Sơn, cách ngã tư giao cắt đường Hùng Vương và đường Nam Quảng Nam khoảng 150 mét về phía tây có hai ngôi mộ với hai tấm bia đá ghi năm tạo dựng là tháng 2 năm Canh Tuất - 1850 (mộ đàn ông - họ Huỳnh) và tháng 8 năm Bính Thìn - 1857 (mộ đàn bà - họ Phan). Căn cứ vào lời lẽ được ghi trong bia có thể biết đây là song mộ của vợ chồng ông Huỳnh (hiệu) Hoàn Nhân có người con trưởng tên là Huỳnh Văn Dục. Đến nay, theo lời kể của cư dân sống gần song mộ này thì chưa thấy có ai đến viếng mộ và nhận là hậu duệ. Hai ngôi mộ có kiểu thức xây dựng theo phong cách kiến trúc mộ phần ở nam Quảng Nam giữa thế kỷ 19. Trên đầu mộ bà họ Phan có tấm đá lớn (đã gãy đôi) chạm nổi các họa tiết diềm hoa văn, lư trầm tỏa khói, bình đựng hương và bình đựng trầm rõ hình, thanh nhã.
Điểm đặc biệt là mỗi mộ đều có ghi bài minh bằng văn vần gồm nhiều câu thơ 4 chữ. Hai bài minh này đều ghi tên cùng tác giả như sau: “Hà Đông Tam Kỳ sĩ Trần Hòa Phủ cẩn soạn”. Xin dịch là: “Kẻ có học ở xã Tam Kỳ, huyện Hà Đông là ông họ Trần biệt hiệu Hòa Phủ kính cẩn soạn bài minh này”. (Chúng tôi đã tra cứu nhiều tư liệu, văn bia chữ Nho ở khu vực huyện Hà Đông xưa hiện còn nhưng vẫn không rõ nho sĩ họ Trần nói trên là ai - NV chú thích). Đây là những bài văn khắc trên mộ rất hay, xin dịch nghĩa để thấy được cách thể hiện của người thời xưa khi nói về người đã khuất:

Bài ở mộ ông Huỳnh Hoàn Nhân: “Ông là bậc cao nhân/ Từ lâu được khen là người tốt ở đời/ Tính ông vốn thuận theo lẽ tự nhiên/ Tinh tế và thành thực/ Lời nói và việc làm của ông đều được khen ngợi/ Cúi xuống không thẹn với đất, trông lên không thẹn với trời/ Một tay gầy dựng cơ đồ/ Sự tốt đẹp và mẫu mực của ông làm gương cho mọi người/ Vợ chồng cư xử với nhau/ Thuận hòa hết mức/ Tình cha với con/ Hết mực từ tâm/ Xử trị việc gia đình có phép tắc/ Lấy sự ngay thẳng làm đầu/ Đáng ra phải được hưởng phúc dài lâu/ Sao lại vội lìa cõi thế?”.

Bài ở mộ bà vợ họ Phan của ông Huỳnh: “Sống hưởng đủ phước/ Đâu phải vì được trời yêu riêng/ Tuy trời không hiện ra giữa cõi thế/ Nhưng đều xem xét đến cách sống của mỗi người mà ban phước/ Tưởng nhớ đức độ của bà xưa/ Cả đời xứng đáng là người phụ nữ hiền thục/ Sống tảo tần/ Vươn lên từ chỗ khốn khó/ Được trời cho nhiều phúc nên trở thành giàu có/ Tiền của rất nhiều/ Sống thọ đến hàng bảy mươi tuổi/ Bền bỉ tuổi già/ Trọn vẹn đạo làm vợ/ Dạy con yên ổn mọi bề/ Nay con cháu đội ơn khắc bài văn này vào bia/ Để mãi mãi ghi nhớ!”.

Ngoài ra, ở chân núi An Hà (phường An Phú) cũng có một ngôi mộ xưa chôn cất một quan võ lĩnh chức Đội trưởng được phong tước “Sát chấn hầu”. Ông này họ Hoàng (thời Nguyễn đều đọc thành họ Huỳnh). Căn cứ vào địa danh “Tống Sơn” đề trên đầu bia mộ, liệu có thể đoán người nằm trong mộ là người vùng huyện Tống Sơn tỉnh Thanh Hóa, theo chúa Nguyễn vào Quảng Nam làm việc và mất ở đây hay chăng?

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những ngôi mộ cổ bí ẩn ở Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO