Phan Vinh - Người anh hùng Quảng Nam

NGÔ MINH 22/07/2014 18:51

(QNO) - Có một người con Quảng Nam trong đoàn tàu không số năm xưa được đặt tên cho một hòn đảo nửa chìm nửa nổi ở Trường Sa – đó là Phan Vinh.

Đảo Phan Vinh (tên quốc tế là Pearson Reef) - tên cũ là Hòn Sập là một hòn đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa, nằm tại tọa độ 8o56' vĩ Bắc, 113o38' kinh Đông, đảo này được Hải quân Việt Nam quản lý, cắm cờ từ năm 1988, sau đợt đảo Gạc Ma bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực, gọi là Phan Vinh A. Sau đó  có một hòn đảo chìm gần đó do Hải quân ta xây dựng, cũng mang tên Phan Vinh, gọi là Phan Vinh B. Hòn đảo mang tên anh hùng Nguyễn Phan Vinh  thì nhiều người biết vì sách báo nói nhiều. Nhưng  chiến công hiển hách và sự sy sinh oanh liệt của thuyền trưởng tàu C235 Phan Vinh mà hòn đảo được mang tên thì có lẽ chưa được kể nhiều.

 Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933, tại Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam, từng được đi đào tạo chỉ huy tàu phóng lôi ởnước ngoài. Nguyễn Phan Vinh chuyên môn giỏi và bản lĩnh cao. Anh sống hết mình với bạn bè nhưng trong công việc thì rất nghiêm khắc. Phan Vinh là thuyền trưởng giỏi. Anh đã đi 11 chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam với cương vị thuyền phó, rồi thuyền trưởng. Được đơn vị tin tưởng giao trách nhiệm chở các vị lãnh đạo như ông Lê Đức Anh và các tướng lĩnh quân đội vào Nam công tác.

 Tháng 2 năm 1968, trong chiến dịch vận chuyển vũ khí vào Nam cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng chính trị viên Nguyễn Tương chỉ huy với 20 cán bộ thủy thủ đi tàu 235 chở 16 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo, Khánh Hòa ngày 27.2.1968, chiến đấu kiên cường với giặc và hy sinh sau đó. Trước đó, 18 giờ 30 phút ngày 6.2.1968, tàu C235 đã xuất phát rời căn cứ A2 đi Hòn Hèo. Tàu C235 là tàu cao tốc, có 4 máy. Ngày 10.2, khi còn cách bờ 38 hải lý, tàu bị tàu chiến và máy bay địch bám theo không rời. Không thể đi tiếp được, sở chỉ huy ra lệnh cho tàu quay về .

 Hòn Hèo là khu vực hiểm trở thuộc  hai xã Ninh Phước, Ninh Vân (huyện Ninh Hòa - nằm giữa Nha Trang và Vũng Rô ). Bến Hòn Hèo nằm ở khoảng giữa hai cụm núi trọc nhô ra biển, cô độc giữa đồng bằng. Đây là bến hết sức khó vào, luồng hẹp, nhiều đá ngầm, có núi cao bao bọc phía ngoài, không dễ cơ động. Một tài liệu của Pháp viết: “Tàu muốn ra vào Hòn Hèo, thuyền trưởng phải có tay nghề lão luyện trên dưới 20 năm”. Phan vinh chỉ có tay nghề hơn 10 năm, nhưng anh đã cho thuyền vào Hòn Hèo chính xác. Tàu vào Hòn Hẻo rất dễ lộ, nhưng cũng rất bất ngờ với địch, do vậy phải hành động hết sức táo bạo, nhanh chóng và chính xác.

 Sau hai ngày đêm hành trình trên vùng biển quốc tế, ngày 29.2, tàu  235 ở ngang vùng biển Nha Trang. 18 giờ, một máy bay trinh sát của địch bay ngang qua tàu. Tàu ta vẫn tiếp tục hành trình. 22 giờ 20 phút, tàu cách  bờ khoảng 19 hải lý. Phát hiện ra tàu của ta, ba tàu chiến của Mỹ có phiên hiệu Ngọc Hồi, HQ12, HQ617 và 4 tàu khác của quân đội Sài Gòn được điều đến bao vây hòng bắt sống tàu ta. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh tắt hết đèn và tiếp tục hành trình vào bến. Các tàu địch cũng tắt hết đèn đợi tàu ta đi vào vòng vây, chúng tính toán rằng khi tàu chúng đồng loạt bật sáng đèn, tàu nào không bật đèn  tức là “tàu Bắc Việt”. Nhưng Nguyễn Phan Vinh đã thông minh, nhanh trí lợi dụng ngay tình thế này, khôn khéo chỉ huy tàu C235 đi trong màn đêm, luồn  lách qua đội hình tàu địch đang phục kích ở phía ngoài và vào được bến phía xã Ninh Phước. Không gặp được người của bến đón, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 1.3, tình hình rất cấp bách, Phan Vinh lệnh cho anh em nhanh chóng thả những bao hàng xuống nước để người của bến sẽ vớt sau. Trong lúc đó ở phía ngoài, các tàu địch vẫn chưa phát hiện được tàu của ta ở chỗ nào. Chúng lặng lẽ trong đội hình vòng vây chờ đợi.

Thả xong hàng, Phan Vinh điện báo cáo chỉ huy sở “đã thả xong hàng, đang bị tàu địch bao vây”, rồi cho tàu  rời khỏi xã Ninh Phước, chạy ven bờ  về phía xã Ninh Vân để nghi binh, đánh lừa, không cho địch phát hiện chỗ vừa thả hàng. Gần 2 giờ sáng ngày 1.3.1968, các tàu địch ở phía ngoài đồng loạt bật đèn sáng. Khi phát hiện ra tàu ta đang ở gần bờ chúng lập tức nổ súng. Chúng bắn đạn cỡ lớn chặn phía trên bờ để ngăn không cho anh em ta bơi vào bờ chạy thoát và dùng súng nhỏ bắn thẳng vào tàu ta ể không chế với tham vọng bắt sống. Mấy phút sau, máy bay địch đến thả pháo sáng soi rõ cả tàu ta và 7 chiếc tàu của địch. Tàu C235 ở trong tình thế cực kỳ khó khăn, một bên là bờ, phía trước là núi, sau lưng các tàu địch không ngừng nhả đạn. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em vừa chiến đấu vừa điều khiển tàu chạy vào sát bờ. Súng DKZ, 12,5 ly của ta liên tục bắn vào tàu giặc làm cho chúng không dám đến gần. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt. Trên tàu đã có 5 người hy sinh, 7 người bị thương. Phan Vinh cũng bị thương ở đầu nhưng anh vẫn chỉ huy chiến đấu. Tay cầm khẩu AK47, anh hô lớn: “Chúng ta sẽ chiến đầu đến hơi thở cuối cùng trên con tàu này. Chuẩn bị phương án hai!”. Phương án hai là phương án phá vòng vây , dùng tốc độ cao của tàu C235, hoặc lao vào quân cảng của địch ở Nha Trang cho nổ tàu phá cảng, hoặc lao vào tàu địch cho nổ bộc phá. Những phương án này đã được anh em thủy thủ trên tàu đã được chuẩn bị tư tưởng từ trước.

Nhưng tàu ta chưa kịp quay hướng ra biển thì khoang máy trúng đạn, máy hỏng, không cơ động được nữa. Phan Vinh quyết định cho anh em bị thương rời tàu và phân công người ở lại đặt kíp nổ phá hủy tàu. Thuyền trưởng Phan Vinh cùng 5 người ở lại đặt kíp nổ phá khoang máy và các vị trí khác, rồi ba người nhanh chóng bơi vào bờ. Phan Vinh cùng thợ máy Ngô Văn Thứ đi kiểm tra lại lần cuối rồi hai người nhảy khỏi tàu. Hơn chục phút sau, mặt biển Hòn Hèo bùng lên một cột lửa không lồ, một tiếng nổ dữ dội chấn động tới tận Nha Trang làm cho cửa kính các ngôi nhà đều rung lên. Sức công phá của thuốc nổ lớn khiến một nửa con tàu văng lên lưng chừng núi Bà Nam, xã Ninh Vân. Nơi này, sau này Lữ đoàn 125 đã xây dựng một Đài tưởng niệm các liệt sĩ tàu C235 đã hy sinh. Nửa con tàu còn lại tan thành những mảnh vụn chìm sâu vào lòng biển.

Hai người rời tàu sau cùng là thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ chốt lại kềm chân địch, không cho chúng đổ bộ lên bờ, hỗ trợ anh em thủy thủ lên trước rút ra xa khỏi khu vực. Gần sáng địch đổ quân xuống lùng sục khắp khu vực tàu C235 nổ. Phan Vinh và Thứ kiên cường chống trả địch bằng AK và lựu đạn, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt hàng chục tên địch. Nhưng vì ít đạn, địch tràn lên rất đông, nên Phan Vinh và Thứ đã cho nổ tại chỗ quả lựu đạn cuối cùng và hai người đã anh dũng hi sinh, để không cho địch bắt sống. Anh  hy sinh  khi vừa trong 35 tuổi. Năm 1970 anh được Nhà nước truy tăng danh Hiệu anh hùng lục lượng vũ trang nhân dân .

  Một sĩ quan Hải Quân Sài Gòn đã viết trên Tạp chí Lướt sóng của Hải quân Sài Gòn thời đó mô tả: “Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng Quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực tế chỉ có 20 thủy thủ trên tàu C235) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho Mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu viết...”. Đó là không chỉ là lời thú nhận , mà là sự khâm phục của địch về sức chiến đấu quật cường của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thủy thủ tàu C235 anh hùng.

Các thủy thủ lên bờ, mò mẫn trong đến tối, dìu nhau vượt rừng, leo qua các vách đá để lẫn trốn địch lùng sục, không lương thực, không nước uống khiến 7 người  tàu C235 đều kiệt quệ. 12 ngày sau họ mới bắt được liên lạc với du kích và các đồng chí ở bến đi tìm, nhưng lúc này chỉ còn lại  Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật, Nguyễn Hồng Phong và Lê Huy Mai. Còn Đoàn Văn Nhi thuyền phó đã  hy sinh và Mai Văn Khung, đi tìm nước uống rồi không trở về nữa, anh em tìm kiếm mãi mà không thấy. Sau này mới biết  Khung bị địch bắt.

 Điều rất buồn là mặc dù hy sinh trên đất liền (hoặc hy sinh trên tàu nhưng đã được đồng đội  đưa vào bờ trước khi cho tàu  nổ), nhưng Nguyễn Phan Vinh và 13 chiến sĩ tàu 235 vẫn không có mộ  ghi tên từng người, mà là mộ vô danh. Câu chuyện về mộ anh hùng Phan Vinh và 13 chiến sĩ trên tàu 235 đến nay vẫn chưa được sáng tỏ.

 Nhưng trong cuốn hồi ký của của liệt sĩ Huỳnh Hường, người của đoàn tàu không số D125 được cử đi đường bộ Trường Sơn vào Hòn Hèo làm nhiệm vụ trinh sát, cùng với bến đón tàu 235. Theo nhật ký của anh lưu tại Bảo tàng Hải Quân, thì chính anh Huỳnh Hường đã tìm kiếm và tự tay chôn cất Nguyễn Phan Vinh và các chiến sĩ hy sinh của tàu 235.

Theo những gì ghi trong nhật ký thì ít nhất liệt sĩ Huỳnh Hường đã trực tiếp tìm thấy và chôn cất ba người gồm Vinh, Thử và máy trưởng Mùi. Không hiểu khi chôn cất đồng đội họ có ghi tên tuổi, đơn vị để chôn theo  không, mà bây giờ không ai tìm thấy? Hay đã viết  tên tuổi, đơn vị vào giấy  chôn theo xác rồi, nhưng lâu ngày bị mưa nắng phai đi nên không ai biết. Anh Huỳnh Hường  đã hy sinh ngày 28.8.1971, biết hỏi ai bây giờ ?

 Cháu Nguyễn Thị Thanh Tuyền, hiện là cán bộ Công ty thí nghiệm điện thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung, Đà Nẵng - là con anh Nguyễn Đức Xử, anh trai thứ 7 của Phan Vinh, kể với tôi: “Chú Nguyễn Phan Vinh sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng. Sau 9 năm kể từ ngày Nguyễn Phan Vinh lên đường tòng quân nhập ngũ vào quân đội, chú chưa về thăm gia đình lần nào, đầu năm 1963, bà nội mất vì bị địch bắt, bà bị đánh đập dã man sau một trận chống càn quân địch ở quê. Cùng năm ấy, người anh trai của chú là Nguyễn Đức Lân hi sinh trên chiến trường Quảng Nam. Trận chiến không cân sức giữa tàu 235 với tàu địch ở vùng biển Hòn Hèo (xã Ninh Phước, Ninh Vân, Khánh Hòa) tháng 3.1968, chú và 14 đồng đội đã hi sinh. Cuối năm ấy, ông nội cháu - Ông Nguyễn Đức Mẫn là du kích xã Điện Nam cũng hi sinh trong một trận chống địch càn quét tại xã”.

Gia đình Phan Vinh có 2 liệt sĩ và 3  người anh hùng. Bố anh, ông Nguyễn Đức Mẫn, liệt sĩ. Mẹ anh bà Phan Thị Mẫn (lấy tên chồng làm tên mình) là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông anh thứ 5 của Phan Vinh tên là Nguyễn Đức Lân, liệt sĩ. Người cô ruột Nguyễn Thị Liễu cũng là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Còn anh Nguyễn Đức Xử là bộ đội thời chống Pháp, hoạt động ở huyện Điện Bàn. Năm 1954, tập kết ra Bắc ông làm bí thư chi bộ ở Nông trường Sao Vàng, Quảng Bình mấy chục năm liền. Sau giải phóng miền Nam, ông vào Nam, làm giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng. Sau đó chuyển về quê làm Giám đốc Xí nghiệp Bao bì xuất khẩu Đà Nẵng. Ông bị bệnh, mất năm 2008. Ông bà Nguyễn Đức Mẫn có 9 người con. Phan Vinh là con út, ở nhà gọi theo thứ tự là Mười Vinh. Trước lúc hy sinh, Phan Vinh là lúc đó đã 34 tuổi, nhưng anh vẫn chưa lấy vợ. Anh bảo đi tàu không số là cảm tử quân rồi, lấy vợ làm gì cho khổ “người ta”. Anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và các Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công. Ở quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng có một con đường mang tên Phan Vinh và một trường tiểu học mang tên Phan Vinh. Cám ơn cuộc sống đã không quên người cảm tử anh hùng quân ấy. Phan Vinh hy sinh  khi 35 tuổi,

Tên tuổi Nguyễn Phan Vinh sống mãi trong lòng Tổ quốc như hòn đảo mang tên anh. Đảo Phan Vinh là nơi mặt trời đến sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay đảo Phan Vinh đã được xây dựng lại khang trang, tôn cao thêm. Trên đảo có cột mốc chủ quyền Việt Nam. Cây cối xanh tươi mát mẻ. Nhà ở của bộ đội, hội trường lợp ngói khang trang. Hệ thống phong điện, năng lượng mặt trời đã được lắp đặt giúp điều kiện sống trên đảo nhỏ tốt hơn những năm trước rất nhiều. Các trạm thu tín hiệu vệ tinh, truyền hình, sóng điện thoại được phủ góp phần nâng cao đời sống tinh thần lính đảo. Cán bộ chiến sĩ tích cực tăng gia chăn nuôi, gieo trồng, đánh bắt hải sản.      

Trong hội trường của đơn vị Hải quân đảo Phan Vinh, ảnh anh hùng liệt sĩ Phan Vinh được phóng to đang mỉm cười thân mến nhìn đồng đội mỗi ngày...

NGÔ MINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phan Vinh - Người anh hùng Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO