Danh xưng Quảng Nam ra đời từ năm 1471. Tên gọi hành chính và chuẩn chính tả hiện nay là “Quảng Nam”. Song, bên cạnh đó vẫn còn cách đọc “Quảng Nôm” phổ biến. Vậy, âm đọc “Quảng Nôm” hay “Quảng Nam” có trước?
Nam, nôm và nồm
Hai tiếng “Quảng” và “Nam” trong danh xưng Quảng Nam đều được viết bằng chữ Hán, khác với tiếng “Huế” phải viết bằng 2 chữ Hán là “Thuận Hóa”, hoặc khác với danh xưng “Đà Nẵng” phải ký âm bằng 2 chữ Hán là “Đà” và “Nãng/ Nẵng”.
Theo đó, kể từ sau năm 1471, danh xưng Quảng Nam được viết bằng chữ Hán 廣南 trong nhiều thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc. Thậm chí, thư tịch Trung Quốc thế kỷ 16 - 17 còn viết 3 chữ “Quảng Nam quốc”.
Hai chữ “Quảng Nam” bằng ký tự la tinh xuất hiện gắn với quá trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Vào nửa đầu thế kỷ 17, “Quảng Nam” được ký âm là “Quinan”, chưa trùng khít với ký tự la tinh hoàn thiện hiện nay.
Có thể hai chữ “Quảng Nam” bằng ký tự la tinh lần đầu tiên xuất hiện trên văn bản chính là trong “Tự vị An Nam La tinh” của Pierre Pigneaux de Behaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu; 1772-1773) và sau đó trong “Dictionnaire Annamite-Francais” của J.F.M. Genibrel (Saigon 1898).
Từ “Nam” là một từ hết sức quan trọng, thể hiện ý thức dân tộc Việt Nam - ý thức đối kháng Trung Hoa. Chính nhờ ý thức đối kháng này mà suốt cả ngàn năm Bắc thuộc chúng ta vẫn không bị đồng hóa, không bị sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc như những nước nhỏ khác cùng thời.
Chúng ta coi Trung Quốc là Bắc quốc thì chúng ta là Nam quốc, Bắc quốc có Bắc đế thì Nam quốc có Nam đế (Nam quốc sơn hà nam đế cư - thế kỷ 10 - 11). Chúng ta xem chữ Hán là Bắc tự thì chúng ta có Nam tự (chữ Nôm). Trung Quốc có thuốc Bắc, ta có thuốc Nam (Nam dược thần hiệu - thế kỷ 14). Chính vì những điều đó mà Nguyễn Trãi đã đúc kết “phong tục Bắc Nam cũng khác”.
Chữ Nôm là chữ của người phương Nam. Vì sao gọi chữ Nôm mà không gọi chữ Nam? Đó là vì chữ Nôm dùng để ghi quốc âm. Quốc âm gồm những âm tiền Hán Việt, âm Hán Việt, âm hậu Hán Việt và những âm không thuộc âm Hán Việt. Đã là ý thức quốc âm nên gọi “Nôm” chứ không gọi “Nam” - theo cách đọc âm Hán Việt.
Gió phương nam thổi lên phương bắc chia làm hai loại: gió nam (nam phong) và gió nồm (đông nam phong). Tuy nhiên, gió nồm cũng thường được hiểu là gió nam. Câu ca dao “Lạy trời cho chóng gió nồm/ Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm thẳng ra”.
Theo “Hoàng Lê nhất thống chí”, quân nhà Nguyễn (Ánh) hàng năm ra đánh (nhà Tây Sơn), thanh thế lừng lẫy. Mỗi khi gió nam nổi lên, thì nhân dân các trấn lại nói với nhau: “Chúa cũ ra đấy!”. Mục Văn uyển tạp chí Nam phong, số 2, quyển 1, có bài “Hát mừng gió nồm” của Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng.
“Quảng Nôm độp xe đi lồm”
Ngữ âm có sự thay đổi theo thời gian. Ví dụ tiếng “tiền” trong từ “hết tiền” biến thành “hết xiền” và gần đây được giới trẻ nói thành “hết xèng”. Sự biến âm này có quy luật của nó. Ở đây là mối quan hệ giữa “t” và “s/x” (tinh - sao, tiền –> xiền), hiện tượng rụng “i” trong “-ie” (liên - sen, biển - bể, xiền -> xèn). Sự thay đổi ngữ âm thường bắt đầu ở địa điểm trung tâm có sự giao lưu và tầng lớp trẻ.
Nếu chúng ta để ý sẽ thấy người Quảng Nam nói “từ thời Tam đợi” mà ít/không nói “từ thời Tam đại”. Hoặc người cao tuổi ở Đại An và Đại Cường (Đại Lộc) nói làng “Quảng Đợi” mà ít/không nói làng “Quảng Đại”. “Quảng Nam” nói là “Quảng Nôm”, “làm” nói là “lồm”, “đạp” nói là “độp”. Vì sao có hiện tượng “a” nói thành “ô”, “ơ” này?
Văn bản ký âm (ghi bằng chữ la tinh) tiếng nói của người Quảng Nam thế kỷ 17 của các giáo sĩ phương Tây cho thấy tiếng có âm “a” của người Quảng khi phát âm thì có thêm âm “o” vào.
Giáo sĩ Cristoforo Borri khi ở Ðàng Trong trong khoảng năm 1621 nghe người dân nói tiếng “làm” thì ghi chữ la tinh là “laom”, tiếng “Hà Lan” thì ghi thành “Hoa Loam”. Đây là cứ liệu cho thấy chữ “làm” vào đầu thế kỷ 17 đọc giống âm “lồm”. Song, Alexandre de Rhodes đã ghi là “làm” trong “Từ điển Việt - Bồ - La” (1651).
Chữ Hán là một loại văn tự mà một chữ có nhiều cách đọc. Nhiều cách đọc trong lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều cách đọc của mỗi quốc gia trong vùng văn hóa chữ Hán. Ví dụ cùng 1 từ “văn hóa” với 2 chữ Hán 文化 người Trung Quốc đọc là “wenhua”, người Nhật đọc là “benka”, người Hàn đọc “munhwa” và Việt Nam đọc là “văn hóa”.
Ngoài ra, một chữ Hán ở Việt Nam có từ 1 đến 2 cách đọc gồm cách đọc Hán Việt và cách đọc phi Hán Việt. Cách đọc phi Hán Việt chia ra gồm cách đọc tiền Hán Việt và cách đọc hậu Hán Việt. Âm Hán Việt hình thành dưới thời kỳ nhà Đường, người ta lấy mốc vào thế kỷ thứ 8, do người Trung Quốc sang Giao Châu dạy chữ Hán bằng ngữ âm Trường An tạo nên.
Theo đó, chữ Hán 南“nam” có 2 cách đọc, âm “Nôm” là cách đọc tiền Hán Việt, âm “Nam” là cách đọc Hán Việt. Tương tự, âm “độp” là tiền Hán Việt, “đạp” là Hán Việt. Trường hợp “lồm” thì phức tạp hơn. Âm Hán Việt của “làm” là “lụng”. Âm có vần “ung” ra đời sau “uông”: chuông -> chung, giống/trồng -> chủng. Âm “ô”, “e” thuộc âm tiền Hán Việt biến thành “a” của âm Hán Việt. Vì vậy, khuôn vần “-ôm”, “-ôp” không thuộc hệ thống khuôn vần âm Hán Việt và âm “ô” có trước âm “a”.
Dưới thời Bắc thuộc, Trung Quốc chỉ cai trị và đào tạo chữ Hán chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, không vươn đến vùng đất Quảng Nam. Do vậy, cư dân bản địa Quảng Nam không chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của âm Hán Việt, vẫn bảo tồn được nhiều âm cổ trước âm Hán Việt hoặc âm Hán Việt “cổ” hơn (đọc họ “võ” mà không đọc “vũ”). Đó cũng là lý do mà ta thấy từ “Champa” được các giáo sĩ phương Tây thế kỷ 17 ký âm là “Ciam” (đọc là “Chiêm”).
Lời bông đùa “Quảng Nôm độp xe đi lồm” hóa ra lại cổ xưa hơn là “Quảng Nam đạp xe đi làm”.