Thầy Huỳnh Công Bá của tôi...

HÀ THANH QUỐC 23/06/2021 17:19

(QNO) - Cả cuộc đời sống thanh đạm, giản dị - nhà giáo, tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá, người con xứ Quảng, người thầy khả kính của bao thế hệ đã từ biệt xứ sở thần kinh trở về ngàn thu trên quê hương Quảng Nam.

Tiến sĩ Huỳnh Công Bá. Ảnh tư liệu TRT.
Tiến sĩ Huỳnh Công Bá. Ảnh tư liệu TRT.

Năm 1987, thi đậu vào khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế, tôi có cơ duyên được học với thầy Huỳnh Công Bá. Người thầy đậm chất Quảng Nam trở thành “kỳ nhân xứ Huế” thực sự đã gieo vào trong chúng tôi những hạt giống tâm hồn tươi đẹp mà qua bao tháng bao năm, qua những thăng trầm cuộc đời vẫn trân trọng, vẫn nâng niu.

Cách đây mấy năm, tình cờ được xem bộ phim tài liệu về thầy trên Đài Phát thanh - truyền hình Thừa Thiên Huế, nghe giọng nói ấm áp đặc sệt Quảng của thầy, nhìn hình ảnh thân thuộc của thầy trên chiếc xe đạp cũ đi qua đường Lê Lợi, lên dốc Nam Giao, Bến Ngự, lòng tôi rưng rưng cảm động. Mấy chục năm trước, cũng trên chiếc xe đạp đó, cũng bóng dáng đó, thầy của chúng tôi như chưa hề già đi theo năm tháng.   

Cũng là một “học trò trong Quảng ra thi”, tôi vinh dự hơn các bạn khi được là đồng hương của thầy. Trên lớp, chúng tôi sợ thầy “một phép” vì trong khoa học, thầy là người quá nghiêm cẩn. Thầy không cho phép sai sót dù là lỗi nhỏ nhất, vì thế, tất cả công trình nghiên cứu của thầy, hơn mấy chục đầu sách đều được chính thầy tự tay kiểm tra chỉnh sửa, trở thành những cứ liệu khoa học tin cậy, thuyết phục.

Những bài học “vô ngôn” về sự cần mẫn nghiêm túc trong khoa học, giản dị trong cách sống của thầy đã hào phóng tặng cho biết bao thế hệ sinh viên lịch sử chúng tôi. Thầy kể, khi làm luận án tiến sĩ ngoài Hà Nội, thầy và giáo viên hướng dẫn toàn “cãi nhau”, lớp chúng tôi, cũng biết bao lần lại “cãi nhau” với thầy của mình, để tìm tiếng nói thuyết phục, xác tín một cứ liệu khoa học giữa lớp lớp trầm tích đầy bí ẩn của lịch sử.

Sống giữa Huế, thầy vẫn giữ cốt cách “hay cãi” đúng hiệu của người Quảng Nam. Nhưng ngoại trừ tranh luận trong học thuật, chịu ảnh hưởng tư tưởng thuần trung đại, mọi sự lễ nghi trong đời sống đều được thầy “cư xử cung, chấp sự kính”. Thân tình với học trò, tương kính với đồng nghiệp, hiếu hạnh với cha mẹ, mẫu mực với người thân trong gia đình - thầy giáo của chúng tôi thực sự là một tấm gương hiếm có.

Năm 2016 khi nghe tin thầy Phạm Hồng Việt mất tại Đồng Nai, tôi sắp xếp công việc để vào viếng thầy. Vừa tới nơi, tôi vô cùng bất ngờ khi gặp thầy Huỳnh Công Bá đã tới đó từ trước. Tôi lặng người. Một người ở tuổi ngoài 60, sống một mình giữa căn nhà đầy sách nơi cư xá Nam Giao, làm việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ khuya mỗi ngày, tùng tiệm từng đồng tiền đề mua sách... chắc hoàn toàn không dễ để có được chuyến đi này. Niềm thương yêu, sự kính trọng thầy trong tôi càng tăng bội phần.

Những công trình nghiên cứu đồ sộ và giá trị của tiến sĩ Huỳnh Công Bá đã in thành sách. Ảnh: PHẠM ĐỨC, nguồn Tuoitre.vn
Những công trình nghiên cứu đồ sộ và giá trị của tiến sĩ Huỳnh Công Bá đã in thành sách. Ảnh: PHẠM ĐỨC, nguồn Tuoitre.vn

Cuộc đời thầy Huỳnh Công Bá của chúng tôi là những tháng ngày say mê với khoa học. Nhưng dù bận bịu đến bao nhiêu, thầy vẫn dành khoảng thời gian nhất định đế chăm sóc cha mẹ lúc già yếu. Những ngày mẹ ốm, thầy vừa chăm sóc mẹ vừa đọc sách, làm việc, không hề lấy sự riêng tư mà thiếu chu toàn hiếu hạnh bậc sinh thành.

Hơn một tháng trước, mẹ thầy qua đời, thầy lận đận đón xe đò từ Huế về Đại Lộc chịu tang trong cảnh đang điều trị bệnh hiểm nghèo, sức khỏe đã rất yếu.

Là một người con ưu tú của đất Quảng, là một nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, tư tưởng, cổ luật; thầy Huỳnh Công Bá đã sống trọn một cuộc đời đặc biệt của một kỳ nhân.

Sinh thời, khi vợ và các con đều chuyển vào sống ở Sài Gòn, thầy vẫn chọn Huế làm quê hương thứ hai của mình. Thầy ở lại Huế chỉ vì “ba lô tôi trĩu nặng quá”, vì nơi đây, trên cư xá Nam Giao còn có một “kho sách nặng lắm không mang đi đâu được”. Những năm tháng dài ở xứ sở thâm trầm này, nơi di dưỡng không gian học thuật đặc biệt, thầy đã vui sống quãng đời tận hiến cho khoa học.

Hôm nay, đón thầy trở về đất mẹ Quảng Nam, bao nhiêu hành trang phận người rồi cũng gửi lại, cầu mong thầy nhẹ bước lên chuyến xe vĩnh hằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thầy Huỳnh Công Bá của tôi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO