Thuyền nạn ngoại quốc ở Quảng Nam

NGUYỄN DỊ CỔ 28/05/2023 08:26

Hải phận Quảng Nam là cửa ngõ giao lưu quốc tế từ hàng trăm năm trước. Nhiều thuyền bè thông thương, ngoại giao gặp gió bão bị trôi dạt hoặc phải lánh nạn vào vùng biển Quảng Nam. Toàn bộ thuyền nạn ở hải phận Quảng Nam đều được người dân địa phương và chính quyền cứu giúp.

Biển Cù Lao Chàm (ảnh minh họa).Ảnh: L.T.K
Biển Cù Lao Chàm (ảnh minh họa). Ảnh: L.T.K

Mảnh vỡ sử liệu

Thuyền nạn nước ngoài bị trôi dạt hay lánh nạn vào hải phận Quảng Nam hầu như được ghi chép cẩn thận trong các tài liệu chính sử như Đại Nam thực lục, Hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu… Ngoài ra, những sự việc này dường như cũng được ghi chép trong tài liệu của các quốc gia liên quan, một nguồn tư liệu tham chiếu cho chính sử của Việt Nam.

Trước giai đoạn triều Nguyễn, việc hải thuyền quốc tế gặp nạn ở Quảng Nam thường chỉ được ghi lại trong tài liệu nước ngoài. Sách Trú vĩnh biên của Triều Tiên chép việc một đoàn đi thuyền gồm 24 người thuộc đảo Tế Châu bị gặp nạn, trôi dạt trên biển đến 32 ngày, sau đó mới bị trôi vào đảo Cù Lao Chàm vào năm 1687. Thế kỷ 18 cũng có 3 trường hợp người Nhật đi biển bị trôi dạt vào Quảng Nam, theo tài liệu du ký Nhật Bản.

Thuyền nạn nước ngoài trôi dạt vào vùng biển Quảng Nam được ghi chép phổ biến là hải thuyền Trung Quốc. Tháng 11 năm Gia Long thứ 3 (1804), “sai dịch nhà Thanh là bọn Lâm Quý, Lâm Bảo đáp thuyền buôn qua Bành Hồ (thuộc Đài Loan hiện nay - NV), gặp gió phải đậu vào cửa Đại Chiêm”.

Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), có 34 người ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sang làm ăn ở xứ Chân Lạp, gặp bão, thuyền trôi dạt vào cửa biển Đà Nẵng. Quan nhà Thanh là Vương Khôi Nguyên trên đường đi chấm thi ở đảo Đài Loan gặp bão, thuyền trôi đến cửa biển Đà Nẵng, năm Minh Mạng thứ 3 (1822).

Một thuyền quân tỉnh Quảng Đông đi tuần biển gặp bão trôi dạt vào vũng Trà Sơn, năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Năm Tự Đức thứ 7 (1854) một thuyền buôn Trung Quốc ở tỉnh Phúc Kiến bị bão trôi dạt vào cửa Đại Áp. Hai năm sau, tiếp tục có 2 thuyền buôn Trung Quốc bị gió bão phải vào trú ẩn, một tại cửa Đại Chiêm, một tại cửa Đà Nẵng, xin neo đậu 1 tháng. Năm Tự Đức thứ 11 (1858), một thuyền Phúc Kiến của nước Thanh bị dạt vào hải phận Quảng Nam.

Những thuyền buôn người Xiêm gặp bão trôi dạt vào cửa biển Đà Nẵng năm Gia Long thứ 8 (1809) và trôi dạt vào cửa Đại Chiêm năm Gia Long thứ 9 (1810). Thuyền nạn ở cửa Đại Chiêm này có đến 400 thuyền nhân. Đặc biệt có trường hợp thuyền đi sứ bị “nạn trùng nạn”. Năm Gia Long thứ 16 (1817), thuyền Xiêm đi sứ sang Trung Quốc gặp bão phải neo đậu tại vũng Đà Nẵng, chẳng may lại bị hỏa hoạn cháy mất hết cả.

Thuyền nạn Tây dương cũng nhiều lần xảy ra ở hải phận Quảng Nam. Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), tàu buôn Pháp Đô Ô Chi Li bị bão đánh vỡ chìm tại vùng biển Đà Nẵng. Thuyền nước Anh bị bão dạt vào Đà Nẵng, một lần năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), một lần năm Tự Đức thứ 18 (1865). Năm Tự Đức thứ 12 (1859), một thuyền của Tây dương bị nạn dạt vào cửa biển Đại Áp. Trong thuyền có 12 người gồm cả đàn ông và phụ nữ, cụ thể 1 người Anh, 1 người Hà Lan, 10 người gốc Java.

Ngoài ra, hải phận Quảng Nam cũng là nơi các thuyền cứu nạn phương Tây lánh vào hoặc đi tìm người bị nạn. Năm Gia Long thứ 7 (1808), “thuyền trưởng Hồng Mao (tức nước Anh - NV) là Tô Lô Xuy La Môn đáp chở hơn năm trăm khách buôn người Thanh bị nạn bão, đến đậu ở cửa Đà Nẵng”. Năm Tự Đức thứ 1 (1848), có thuyền quân của Anh và Pháp vào cửa biển Đà Nẵng để tìm người bị nạn.

Ứng xử của triều đình

Vua Gia Long từng xuống chiếu rằng: “Tai trời lưu hành xưa nay đời nào cũng có. Thương người bị tai, xót người mắc nạn, chính sách nhân từ lấy đó làm đầu”. Theo đó, các vua triều Nguyễn, quan sở tại và người dân địa phương Quảng Nam luôn có tinh thần trách nhiệm với những người ngoại quốc “bị tai”, “mắc nạn”.

Triều đình kịp thời cấp cho người gặp hải nạn thức ăn, đồ uống, quần áo; sắp đặt chỗ tạm trú. Vua Gia Long lệnh cho quan tỉnh Quảng Nam cấp phát cho nhóm người viên chức nhà Thanh là Lâm Quý, Lâm Bảo mỗi ngày 2 quan tiền; cấp cho 400 thuyền nhân người Xiêm mỗi người 10 ngày lương thực chờ đến lúc biển lặng để trở về. Vua Minh Mạng cấp cho 34 người Phúc Kiến đi làm ăn ở Chân Lạp gặp nạn mỗi người 5 quan tiền.

Ngoài ra, triều đình còn cấp phát gạo với số lượng lớn cho các thuyền trưởng hoặc đoàn thuyền. Thuyền trưởng thuyền buôn Xiêm là Ngô Ngãnh/Ngạnh được cấp 200 phương gạo. Thuyền Xiêm đi sứ Trung Quốc bị hỏa hoạn cũng được cấp 200 phương gạo.

Thuyền quân Quảng Đông tuần biển được cấp đến 300 phương gạo. Triều đình cũng ban thưởng cho thuyền trưởng Tô Lô Xuy La Môn nước Anh có công cứu 500 người nhà Thanh hải nạn là 300 phương gạo và cho thuyền trưởng thuyền buôn Xiêm vay 1.000 quan tiền, 1.000 phương gạo.

Triều đình cấp giấy thông hành, lộ phí và tổ chức cho những người hải nạn trở về nước. Hầu hết người Thanh được đưa về nước theo đường bộ qua ải Nam Quan, trừ trường hợp quan Vương Khôi Nguyên được cho về nước bằng đường thủy theo lời thỉnh cầu của người này.

Đối với những người quốc tịch Anh, Hà Lan, gốc Java, người trên tàu buôn Pháp, triều đình gửi theo thuyền buôn của người Thanh, thu xếp cho theo thuyền công sai của nước ta hoặc tìm cách lần lượt gửi theo các tàu khác để họ về nước.

Quan tỉnh Quảng Nam tâu xin cho 2 thuyền buôn Trung Quốc gặp hải nạn được giảm một nửa số thuế phải đóng khi bán hàng hóa trên tàu để lấy tiền đó chi dùng. Vua Tự Đức không chỉ theo lời đề nghị của quan tỉnh Quảng Nam giảm nửa thuế mà còn cho miễn toàn bộ thuế.

Vua Minh Mạng chu cấp cho thuyền quan quân nhiều hơn thuyền buôn, vì cho rằng thuyền quan quân đi làm việc công. Ngoài ra, nhà vua còn phái Lang trung Hộ bộ Lê Trường Danh từ kinh đô Huế vào Đà Nẵng để thăm hỏi thuyền quan quân Quảng Đông gặp nạn; phái Lang trung Hộ bộ Lê Văn Khiêm, Phó Vệ úy vệ Tiền phong Lê Văn Phú và Viên ngoại lang Lại bộ Nguyễn Tri Phương vào Quảng Nam tổ chức đưa nhóm võ quan này về nước.

Khi trong số võ quan này có Lương Quốc Đống đã bị bệnh chết trong thời gian lưu trú tại Đà Nẵng, nhà vua ban cấp 1 cây gấm, 3 tấm lụa, 10 tấm vải cùng 50 lạng bạc giao cho những người đi cùng để mang giúp về cho gia đình ông này. Nghĩa tử là nghĩa tận, không phân biệt quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thuyền nạn ngoại quốc ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO