"Tới đây sông nước lạ lùng…"

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 13/01/2023 08:54

(Xuân Quý Mão) - Qua khỏi đèo Hải Vân, trên đường Nam tiến của ông cha ta, là xứ Quảng. Các cuộc di dân rầm rộ ở thời điểm năm 1471 theo Lê Thánh Tông, hay năm 1602 theo Nguyễn Hoàng đã mở ra thời thịnh trị và đưa giang sơn đến tận Mũi Cà Mau chỉ sau hai thế kỷ…

Mênh mông dải đất phương nam Hải Vân, nhìn từ đỉnh đèo. Ảnh: N.C.M.K
Mênh mông dải đất phương nam Hải Vân, nhìn từ đỉnh đèo. Ảnh: N.C.M.K

Con người xứ Quảng đã có những bước chân thênh thang trong lịch sử!

1. Bước qua đèo Hải Vân là bước vào vùng đất mới, địa hình thổ nhưỡng mới và cả một nền văn hóa khác biệt với đạo Nho ở cố quốc. “Tới đây sông nước lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng run” (ca dao, có nhiều dị bản) là vậy.

Trong văn tế nhiều họ, tộc vùng bắc Quảng Nam mà chúng tôi đọc được, thường thấy những câu: “Từ… lên đường Nam tiến/ Bước ngắn dài lắm nỗi bâng khuâng/ Bề xuôi ngược đôi phen ái ngại”, “Ngẩng đầu lên trời rộng mênh mông/ Quay mặt lại quê xa vời vợi”, “Hải Vân mây phủ, kìa Bà Nà, kìa núi Chúa/ Phận ly hương chìm nổi sá chi…”.

Lạ đất, lạ người nhưng biết biến cái “lạ” ấy thành một lợi thế, là cả sự thông thái, kiên gan của bao lớp cha ông.

Năm 2004, tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên thực hiện công trình nghiên cứu bề thế “Tìm hiểu con người xứ Quảng” do các nhà văn, nhà nghiên cứu uy tín thực hiện. Công trình đã nhấn mạnh những điểm mấu chốt: Quảng Nam là một “bước lật cơ bản” trong lịch sử phát triển của dân tộc.

“Nhiệm vụ và vị trí lịch sử khiến Quảng Nam vừa chứa đựng xu hướng luôn luôn đi trước, khai mở sáng tạo; đồng thời không tránh khỏi những trì kéo, những xu hướng nguyên tắc cứng nhắc và bảo thủ khiến nó không giữ được tốc độ phát triển chung. Vì vậy, cần có sự dũng cảm lớn, sáng suốt và mạnh mẽ phá cách, tạo ra cuộc khai mở mới…”.

Cãi lại một xã hội cũ, một lối sống cũ và theo chúng tôi, đôi khi cũng cãi lại chính mình! “Quảng Nam hay cãi”, vì vậy phải chăng như một số phận?

2. Một điển hình “cãi lại một xã hội cũ” chính là trường hợp của nhà cải cách Lê Cơ.

Chí sĩ, nhà cải cách Lê Cơ sinh năm 1870 tại làng Phú Lâm, nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông được coi là nhà Duy tân - thực hành, từng có câu nói nổi tiếng “Không thể làm được trong toàn thiên hạ, thì thử nghiệm trong một làng vậy”…

Từ một xã Phú Lâm, công cuộc duy tân của Lê Cơ đã mở rộng ra nhiều làng ở Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện Bàn, Hòa Vang ở gần Đà Nẵng, rộng đến 30 xã ở Quảng Nam lúc bấy giờ và lan ra nhiều tỉnh khác, với sự tham gia của các nhà nho Phan Thúc Duyện, Mai Dị, Phan Thành Tài, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh...

Ông Lê Cơ mở trường dạy Quốc ngữ đầu tiên, có cả nữ sinh, mở hội buôn, phường mộc, lò chén, lập ra nông hội theo mô hình hợp tác cho nông dân trong xã mình và nhiều cải cách dân chủ khác trong làng.

Một làng Phú Lâm thuở đó chỉ có 1.200 dân mà đã có hơn nửa thông thạo Quốc ngữ thì không phải là chuyện nhỏ! Các trường học ở Phú Lâm không chỉ học Quốc ngữ, mà còn cả tiếng Nhật, tiếng Pháp, thể dục, khoa học, quân sự…

Tiếng tăm của các trường Phú Lâm vang dội, nhờ vậy đến năm 1906, Lê Cơ tham gia cùng các nhân sĩ Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh vận động thành lập trường Dục Thanh (trường tân học ở Phan Thiết) và Công ty Liên Thành…

Chí sĩ Lê Cơ đã cãi lại trật tự của xã hội đương thời từ vị trí của một lý trưởng yêu nước thương nòi, bất chấp hiểm nguy.

3. Tìm tòi - ứng dụng - phá cách vì cuộc sống tốt đẹp hơn là một phẩm chất rất Quảng Nam. Có thể dẫn chứng từ Phạm Phú Thứ đến Cửu Diễn với những khía cạnh tương đồng của những người luôn nghĩ đến sự cơ cực của lớp dân nghèo.

Sắc phong cử Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp năm 1863 và bản vẽ kỹ thuật của các sách Tân thư do cụ Phạm cho dịch, khắc in. Ảnh: D.H
Sắc phong cử Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp năm 1863 và bản vẽ kỹ thuật của các sách Tân thư do cụ Phạm cho dịch, khắc in. Ảnh: D.H

Hãy đọc lại một quãng đời làm quan của Phạm Phú Thứ - người con vùng Gò Nổi (Điện Bàn): Năm 1863 ông được cử làm Phó sứ, cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha với nhiệm vụ xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Khi về nước, ngoài bản tường trình cốt để thuyết phục vua Tự Đức mau “cải cách việc học tập và phát triển công nghiệp”, Phạm Phú Thứ còn dâng lên vua hai tác phẩm do ông làm trong chuyến đi, đó là “Tây hành nhật ký” và “Tây Phù thi thảo”...

Trong “Tây hành nhật ký”, ông đã đo vẽ tỉ mỉ chiếc xe quay nước ở xứ Ai Cập mang về “cho dân ta học và làm”. Kết quả dân Quảng Nam đã làm theo để giải quyết việc đưa nước vào ruộng hết sức thành công. Có thể nói ông là nhà canh tân thực hành theo khoa học Tây phương sớm nhất ở nước ta!

Từ Phạm Phú Thứ, chúng ta lại nhớ đến cụ Võ Dẫn, còn được gọi là Cửu Diễn, với chiếc máy dệt cải tiến ở Duy Xuyên. Tôi cho rằng cái chủ trương mà bây giờ ta hay dùng là “ly nông bất ly hương”, thì cụ Cửu Diễn là người thực hiện sớm nhất ở Quảng Nam bằng việc cải tiến chiếc máy dệt bán tự động từ đầu những năm 1962 của cụ để người dân dệt vải khổ rộng hơn, năng suất cao hơn và không bỏ xứ ra đi…

Đọc lại những tài liệu về cụ mới thấy rằng Võ Dẫn đã học cả chữ Nho rồi qua Quốc ngữ vì thấy sự hữu dụng của chữ mới, cụ từ bỏ chức lý trưởng làng Thi Lai năm 1922 vì chống lại sự hà hiếp của viên chánh tổng.

Cụ vào Sài Gòn năm 1932, đi coi triển lãm các loại máy dệt của Pháp và Tàu. Triển lãm không cho ghi chép, cụ quan sát kỹ lưỡng từng cơ phận, về nhà trọ ngồi ghi chép, vẽ lại. Rồi hôm sau lại đến kiểm tra, quan sát tiếp, vẽ tiếp.

Cửu Diễn quay về làng, mời các thợ mộc giỏi đến cùng chế tạo máy dệt tự động, bằng gỗ thay vì kim loại. Và chiếc máy dệt ra đời, có thể dệt được lĩnh, lụa với hoa văn đa dạng, khổ rộng hơn và năng suất tăng đến 3 lần.

“Phát minh của ông đã góp phần quan trọng đưa nghề dệt xứ Quảng và cả nước phát triển, đủ sức cạnh tranh với hàng dệt nước ngoài… Máy dệt của Cửu Diễn đã giữ chân người thợ tại quê hương, mà còn tham gia các hội chợ và cung cấp ra đại trà hơn một vạn chiếc…” (trích “Duy Xuyên, vùng đất, con người, 2016”).

Khi tham gia kháng chiến năm 1946, con người tài ba Võ Dẫn được cử làm quản đốc xưởng dệt Việt Thắng, chế cả ruban cho máy đánh chữ và nịt bằng vải thay da cho quân đội…

Từ Phạm Phú Thứ đến Cửu Diễn, ta thấy toát lên những con người Quảng Nam luôn không bằng lòng với cái cũ, cần cù học hỏi vì luôn một lòng hướng tới người dân quê đang cơ cực. 


*        *

“Sông nước lạ lùng” từ khi bước chân về phía nam đèo Hải Vân đã khiến các tiên dân và hậu hiền xứ Quảng vượt mọi thử thách bằng nỗ lực phá cách, không theo nếp cũ. Những con người được nhắc tới trên đây là trong muôn một. Ngày nay, xứ Quảng nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn còn nhiều điển hình phá cách như vậy trong nhiều lĩnh vực.

Nhưng vùng đất mà “sông nước lạ lùng” ấy sẽ còn những thế hệ mới, sẽ cãi lại nhiều hơn nữa những nếp nghĩ, cách làm cũ để bước vào thời đại mới. Và ta tin như vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Tới đây sông nước lạ lùng…"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO