Cuối năm 2012, Điện Bàn tổ chức cuộc tọa đàm thật ý nghĩa về bảo tồn và phát triển võ thuật cổ truyền (VTCT), với sự tham gia của nhiều võ sư hậu duệ và môn đồ của các võ phái, võ đường một thời vang bóng...
Lấp lánh hào quang
Xứ Quảng không chỉ là vùng đất học mà còn có nền VTCT lấp lánh hào quang trong quá khứ gồm nhiều tên tuổi võ sư, võ phái nổi tiếng khắp miền Trung, thậm chí cả Đông Dương, mà Điện Bàn là địa chỉ nổi bật. Đầu tiên phải kể đến võ phái Hồ Công ở làng Châu Bí (xã Điện Tiến). Theo võ sư Hồ Công Vinh - truyền nhân đời thứ 9 của võ phái Hồ Công (hiện là chủ nhiệm võ đường Long Xà ở làng Châu Bí), đầu thế kỷ XVII, tướng quân nhà Mạc là Hồ Công Sùng từ quan vào Châu Bí khai hoang, lập làng và khai sinh ra võ phái Hồ Công với di huấn “ngoại tộc bất truyền”, kéo dài đến tận đầu thế kỷ XX. Võ phái này đã sản sinh ra nhiều võ sư được lưu danh, trong đó 2 người được nhắc đến nhiều nhất là Hồ Cưu, Hồ Cập.
Đưa vào trường học là một trong những mục tiêu để bảo tồn và phát triển võ thuật cổ truyền. |
Võ sư Hồ Cưu (sinh năm 1912) từng tung hoành ngang dọc trên khắp các võ đài lớn mà chưa một lần thất bại với các danh hiệu vô địch Quảng Nam, vô địch miền Trung, vô địch miền Nam từ 1935-1940. Trong hai năm 1937-1938, ông vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Campuchia và Lào). Người em ruột Hồ Cập cũng lập nhiều kỳ tích như vô địch Quảng Nam, miền Trung, miền Nam và giai đoạn 1939-1941 giành chức vô địch Đông Dương. Đặc biệt, võ sư Hồ Cập (cao 1,63m, cân nặng chỉ 56kg) còn lưu danh với trận thắng võ sĩ lừng danh Tôn Ngọc Lực của đoàn Long Hổ Hội cao 1,7m, nặng 75kg.
Võ phái Tư Phụng cũng là một trong những võ phái nổi tiếng của đất Điện Bàn. Với triết lý “văn không thành võ thành hư văn, võ không thành văn thành võ bạo”, tôn sư Trần Khương (còn gọi là Tư Phụng) đã đào tạo ra nhiều người tài giỏi và sau này đã làm rạng danh sư phụ, góp phần phát triển võ phái Tư Phụng như: Lưu Thanh Bình (biệt danh Cọp điếc Quảng Nam), Trần Sô (biệt danh Cọp điếc miền Trung), Nguyễn Bầu, Nguyễn Hội, Hồ Ngọc Anh (Chủ tịch Hội VTCT Việt Nam tại Mỹ). Theo võ sư Trần Xuân Mẫn - Chủ tịch Hội VTCT Quảng Nam, nhiều võ sĩ đã ghi dấu ấn khó quên với những trận thư hùng như võ sĩ Trần Sô hạ gục viên sĩ quan quân đội Đại Hàn Hem Sun Kim - đệ ngũ đẳng Taekwondo, Hồ Ngọc Anh thắng oanh liệt võ sĩ thủ đài Wong A Sáng tại Kon Tum năm 1964, Nguyễn Hội đánh gục võ sĩ là Huỳnh Hải có biệt danh Hổ xám của đoàn Long Hổ Hội năm 1961 tại Duy Xuyên.
Bao giờ trở lại ngày xưa?
Hậu duệ tộc Hồ Châu Bí và cũng là truyền nhân võ phái Hồ Công, võ sư Hồ Công Vinh không khỏi ưu tư về sự “xuống dốc” của võ phái. Vị truyền nhân đời thứ 9 võ phái Hồ Công này thừa nhận, dù vẫn đang duy trì truyền thống nhưng võ phái không còn giữ được vẹn nguyên uy danh ngày trước. “Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, huyện, Hội VTCT Quảng Nam cũng như quý bằng hữu võ lâm để chấn hưng võ đường, góp phần khôi phục và phát triển võ phái Hồ Công” - võ sư Vinh nói.
Tương tự, võ phái Ngũ Long Quyền từng một thời được coi là một trong những võ phái khá mạnh với rất nhiều võ sĩ tài danh, đến nay chỉ duy trì được 2 võ đường nhỏ tại Duy Vinh (Duy Xuyên) và Điện Phong (Điện Bàn). Tuy nhiên, võ sư Lương Văn Lâm - môn đồ thứ 4 của võ phái Ngũ Long Quyền - cho rằng võ đường thực chất chỉ duy trì chứ không còn mạnh mẽ như trước đây, vì thế mong có được những sự hỗ trợ cần thiết “để Ngũ Long Quyền khôi phục danh tiếng một thời vang bóng, không làm buồn lòng những vị sáng lập võ phái”.
Có thể thấy những vị chấp chưởng nối nghiệp tổ sư đều đang loay hoay không biết làm cách nào để giữ gìn bản sắc của võ phái trước nguy cơ thất truyền. Chủ tịch Hội VTCT Quảng Nam - võ sư Trần Xuân Mẫn cho biết, phong trào VTCT huyện Điện Bàn không còn giữ được vị trí hàng đầu. Các câu lạc bộ võ thuật trên địa bàn huyện hiện chỉ dạy các bài võ quy định của Liên đoàn Võ thuật Việt Nam là chính, ngay cả những võ phái kỳ cựu như Ngũ Long Quyền, Hồ Công đều đã để thất truyền gần hết các bài bản nội môn. Do đó, các ngành chức năng của địa phương và võ phái cần sớm bắt tay vào việc bảo tồn mà cụ thể là tổ chức sưu tầm, thẩm định và biên soạn những bài bản gốc thành tư liệu. Ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn khẳng định, thời gian tới huyện sẽ xây dựng đề án bảo tồn và phát triển VTCT, trong đó xác định lộ trình, giải pháp cụ thể nhằm giúp nền VTCT của địa phương trở lại thời kỳ vàng son. Trước mắt, VTCT sẽ được đưa vào thi đấu tại đại hội TDTT huyện năm 2013 và duy trì thành giải truyền thống hàng năm… Cuộc tọa đàm vừa mở được xem là “bước khởi động đầu tiên”.
TƯỜNG VY