Xã A Nông (Tây Giang) bạt ngàn lúa, xen rừng cây cao su đang vào mùa lấy mủ. Một diện mạo mới đáng tự hào - ghi dấu ấn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Làng Anoonh, xã A Nông, huyện Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Trở lại A Nông, xã miền núi đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM, chúng tôi ghi nhận sự đổi thay ở vùng đất cách mạng của huyện Tây Giang vốn còn nhiều gian khó. Trên không gian khu tái định cư bằng phẳng, gươl làng sừng sững, đón những bước chân của dân làng trong ngày hội mới. Vang vọng giữa rừng, tiếng trống ch’gâr của già làng ngân dài hòa trong vũ điệu tâng tung da dá truyền thống. Những mái nhà mới khang trang vươn mình đón nắng...
Những quả ngọt
Làng Anoonh nép mình dưới chân núi trên mặt bằng dân cư được xây dựng cách đây gần 10 năm. Dấu ấn NTM đã đưa diện mạo của làng khác xưa rất nhiều. Dưới mái gươl vững chãi, câu hát lý của già làng mừng vụ mùa lúa mới trước sự tò mò, thích thú của lũ trẻ. Mừng vụ mùa, nghĩa là khi kho thóc đã được đầy bồ, dân làng Anoonh sum vầy bên ché rượu cần mừng mùa màng bội thu. Họ quây quần dưới mái gươl làng, già trẻ, trai gái vui say theo nhịp cồng chiêng, hòa cùng các điệu múa tâng tung da dá. Lễ cúng thần linh cũng được thực hiện theo phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Ông Alăng Bao - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã A Nông cho hay, không chỉ làng Anoonh mà các làng còn lại của xã đều làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần duy trì và ổn định cuộc sống bền vững. Trong đó, ngoài triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, đồng bào A Nông còn phát triển mạnh việc chăn nuôi gia bò tập trung, hình thành các trang trại gia đình mang lại thu nhập kinh tế. Mới đây, những vườn cây cao su ở A Nông đã lần đầu tiên được cạo mủ, đánh dấu bước tiến mới trong việc đưa cao su trở thành cây chủ lực trong công tác giảm nghèo của địa phương. “Kể từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai đã tác động rất lớn đến cách nghĩ, cách làm của đồng bào bản địa, làm thay đổi nhận thức canh tác của họ, tạo chuyển biến tích cực, từng bước đẩy nhanh xóa nghèo bền vững. Nhờ vậy, đến nay toàn xã chỉ còn dưới 5% số hộ nghèo” - ông Bao nói. |
Già làng Anoonh - ông Arâl Đúch chia sẻ, cũng như nhiều bản làng người Cơ Tu khác, trước đây Anoonh nằm chênh vênh trên sườn đồi phía bên kia con suối. Địa hình hiểm trở, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, đó là chưa kể mưa lũ khiến làng bị chia cách với bên ngoài, mùa màng thất thu. Chừng 10 năm trở lại, kể từ khi huyện Tây Giang thực hiện chủ trương quy hoạch, bố trí dân cư tập trung cho đồng bào địa phương, Anoonh chuyển dần sang hướng phát triển mới, đầy chuyển biến. Cuộc sống trên mặt bằng tái định cư, cũng giúp người dân có thêm cơ hội được tiếp cận với nhịp sống hiện đại. Điện, đường, trường, trạm cũng dần được nâng cấp, đầu tư theo chuẩn mới, Anoonh trở thành địa phương đầu tiên của xã A Nông thực hiện chương trình NTM. “Nhờ có chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa chương trình NTM đến với miền núi nên bây giờ cuộc sống của người dân đã ổn định, không còn hộ diện đói ăn. Từ ngày có con đường bê tông, dân làng mua sắm xe máy để đi, mua ti vi để xem, xây dựng nhà cửa khang trang, giữ gìn bản làng sạch đẹp” - già Đúch bộc bạch. Là thôn đầu tiên thực hiện hiệu quả chương trình NTM, Anoonh được đánh giá có nhiều lợi thế so với các vùng khác của xã A Nông. Vì thế, Anoonh bây giờ cơ bản đã hoàn thành các hạng mục công trình dân sinh với diện tích mặt bằng dân cư rộng rãi, đường sá thuận lợi, điện lưới được kéo về tận làng, đảm bảo cho cuộc sống của người dân bản địa.
Giữ nếp nhà
Không thể phủ nhận hiệu quả và lợi ích từ chương trình NTM mang lại cho đồng bào Cơ Tu ở xã A Nông, khi diện mạo đang thay đổi thay từng ngày. Trên các khu tái định cư, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Nhịp sống hiện đại như đang khoác lên vùng đất A Nông màu áo mới với diện mạo đầy khởi sắc, tạo nên dấu ấn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Và, đồng nghĩa với diện mạo mới đó là niềm vui của đồng bào bản địa khi xóa được nỗi lo về những mùa giáp hạt thường thiếu đói trong quá khứ xa vời.
Giữa cuộc sống mới, nhưng ở A Nông dân làng vẫn giữ được cái gốc rễ văn hóa của mình. Khi cái đói không còn hiện hữu, từng nóc nhà được kiên cố hơn, cuộc sống người dân thêm đủ đầy hơn. Ở mặt bằng tái định cư các thôn, đồng bào vẫn giữ được nét riêng của mình theo cấu trúc vòng cung khép kín. Đó là cấu trúc làng của đồng bào Cơ Tu bản địa với gươl được xây dựng ở ngay trung tâm làng, vững chãi như cây pơmu giữa rừng. Đây cũng được xem là chủ trương chung của huyện Tây Giang trong việc xây dựng và bố trí dân cư tập trung theo lối truyền thống làng Cơ Tu. Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, cuộc sống có thể thay đổi nhưng giá trị văn hóa làng phải cần được gìn giữ. Bởi đó là gốc rễ của cuộc sống, của sự sinh tồn mà người Cơ Tu sinh sống ở vùng nào cũng đều tự hào và trân trọng. “Muốn giữ được văn hóa làng, văn hóa tộc người Cơ Tu thì phải giữ cho được cái gốc của làng, đó chính là gươl. Mà muốn giữ được gươl, trước hết phải giữ được nếp nhà, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng làng bản thống nhất, vững mạnh” - ông Liếc nói.
Không nằm ngoài cuộc, các thôn bản ở A Nông đều xây dựng được gươl làng, trở thành không gian hội họp, sinh hoạt vui chơi của đồng bào địa phương. Sự đồng thuận của người dân trong việc hỗ trợ địa phương triển khai các hạng mục xây dựng NTM cũng phần nào thể hiện được tấm lòng và niềm tin mà đồng bào dành cho chương trình NTM trong những năm qua. Nói như già làng Arâl Đúch thì, thành công của NTM ở miền núi chính là thành công chung của cộng đồng làng, góp phần làm đổi thay diện mạo cuộc sống, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu thêm bền vững.
ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG