Triển khai chính sách sắp xếp, bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, diện mạo nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc, góp phần hoàn thiện các mục tiêu giảm nghèo.
Với nhiều chính sách cùng dự án đầu tư theo hướng bền vững, Quảng Nam quyết tâm tạo ra làn gió mới để miền núi có sự bứt phá, tạo động lực phát triển lan tỏa, kết nối vùng. Cùng với sắp xếp, ổn định dân cư gắn với thích ứng an toàn trước thiên tai, các chương trình hỗ trợ với quy mô lớn được kỳ vọng sẽ giúp miền núi sớm định hình không gian sống một cách bền vững và lâu dài.
Chính sách hợp lòng dân
Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, với định hướng bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi, những năm qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực xây dựng phương án hỗ trợ sắp xếp dân cư, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi. Qua 4 năm (2017-2020) thực hiện, hơn 6.900 hộ dân được sắp xếp, di dời và chỉnh trang tại chỗ, với tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 385 tỷ đồng.
“Không chỉ ổn định chỗ ở cho các hộ dân vùng sạt lở, thiên tai, vùng đồng bào DTTS, các hộ nghèo khu vực đặc biệt khó khăn…, chủ trương sắp xếp dân cư còn là cơ hội để chính quyền và người dân miền núi chủ động trong phòng chống, hạn chế các rủi ro do thiên tai gây ra.
Quá trình thực hiện đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, giải quyết câu chuyện về an cư gắn với giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - ông Mai nói.
Chính sách hỗ trợ cho miền núi thời gian qua đều gắn với phòng ngừa, hạn chế rủi ro sạt lở đất, lũ quét, mưa lũ gây ngập úng… Hàng nghìn ngôi nhà được di dời khỏi các vùng nguy hiểm và tổ chức tái định cư, cho thấy mục tiêu của Nghị quyết 12 còn hướng đến không gian sống an toàn trước thiên tai, đáp ứng nhu cầu về phát triển sản xuất bền vững. Nhiều địa phương còn được khuyến khích chỉnh trang tại chỗ, hạn chế tác động đến môi trường sống, gây ảnh hưởng đến kết cấu đất tự nhiên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, các chính sách hỗ trợ sắp xếp, bố trí dân cư miền núi thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống đồng bào DTTS, miền núi.
Ngoài tăng số hộ đạt tiêu chí về nhà ở, công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và ổn định đời sống cũng được thúc đẩy, hướng đến không gian sống bền vững. Nhiều điểm quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư được triển khai phù hợp với quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, đáp ứng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
“Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, độ dốc lớn và thường xuyên bị chia cắt nên việc tìm kiếm mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ dân tham gia thực hiện phần lớn là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, khả năng đối ứng các hạng mục còn nhiều hạn chế… Do vậy, việc xây dựng không gian sống bền vững cho miền núi vẫn cần tiếp tục thực hiện” - ông Tuấn nói.
Nâng giá trị kinh tế rừng
Theo Sở NN&PTNT, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 12 cũng chú trọng phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh vai trò của kinh tế rừng. Thông qua các dự án phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và dược liệu dưới tán rừng, diện tích rừng được bảo vệ tốt hơn, tư duy nhận thức của người dân về lợi ích do rừng mang lại, nhất là trong việc cải thiện sinh kế được nâng cao rõ nét.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến nay, bên cạnh triển khai trồng gần 2.000ha rừng sản xuất gỗ lớn, các địa phương miền núi đang tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Ngoài sâm Ngọc Linh và quế Trà My, một số dược liệu quý khác như đảng sâm, ba kích, sa nhân tím… cũng được đầu tư trồng tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Hiệp Đức, Nam Trà My… với tổng diện tích lên đến 900ha, đem lại hiệu quả cao.
“Để tạo vùng sản xuất dược liệu quy mô lớn, thông qua việc ứng dụng khoa học - công nghệ, các địa phương đã xây dựng các mô hình sản xuất giống, trồng và chăm sóc nhiều dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, giúp từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân miền núi” - ông Út nói.
Giá trị kinh tế rừng còn được phát huy bằng các mô hình phát triển chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Với quy mô chăn nuôi trang trại tăng dần qua các năm, nguồn lực hỗ trợ của tỉnh cho hoạt động này cũng lên đến hàng chục tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, tại 9 huyện miền núi có 135 hợp tác xã hoạt động với 92 sản phẩm OCOP, cùng 77 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 11.451 tỷ đồng.