Dấu ấn báo chí xứ Quảng

ĐĂNG NGUYÊN 21/06/2020 12:26

Qua 14 lần tổ chức, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng vẫn mang đầy sức hút, tạo sân chơi nghề nghiệp cho những người làm báo xứ Quảng. Hơi thở cuộc sống của vùng đất “chưa mưa đà thấm” tiếp tục được khắc họa trong từng tác phẩm, với những màu sắc mới đầy dấu ấn.

Trao giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng 2019. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trao giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng 2019. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bức tranh nhiều mảnh ghép

Sức hút từ Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm nay tiếp tục được thể hiện bằng số lượng tác phẩm vượt trội, với 222 tác phẩm của 136 tác giả, nhóm tác giả ở các thể loại báo in, báo hình, ảnh báo chí và báo nói. Bên cạnh những “gương mặt thân quen”, giải thưởng năm nay đón nhận thêm một số tác giả trẻ, với nhiều tác phẩm chất lượng phản ánh đủ đầy câu chuyện cuộc sống của mảnh đất và con người Quảng Nam.

Nhà báo Trần Thường (phóng viên Báo Người Lao động tại Quảng Nam) chia sẻ, đây là lần thứ 2 anh tham dự Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng, như một dịp để “cọ xát” với đồng nghiệp ở các báo. Vì thế, ngoài tác phẩm ở thể loại ký, năm nay anh mang đến “cuộc chơi” bằng một sản phẩm báo chí rất mới mẻ và độc đáo: Emagazine, với tác phẩm phóng sự ảnh “Thánh một chân” - Lương Phi.

Anh Thường cho hay, năm ngoái, trong một lần vào mạng xã hội YouTube, anh vô tình xem được video về nhân vật Lương Phi. Đó là một chàng trai rất đặc biệt, chỉ có 1 chân nhưng bằng nghị lực phi thường đã vượt qua nghịch cảnh, theo đuổi đam mê với mong muốn truyền cảm hứng đến với mọi người, giúp bản thân và những hoàn cảnh éo le trong cuộc sống. Điều này gây tò mò và thôi thúc anh muốn trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu về nhân vật này. Để lột tả được phần nào câu chuyện của Phi, chỉ câu chữ thôi chưa đủ mà cần có những hình ảnh thật sinh động. Vì thế, anh Thường đã kết hợp với nhiếp ảnh gia Lê Trọng Khang ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống cũng như công việc của Lương Phi.

“Ngoài việc nắm bắt, theo dõi thông tin thời sự diễn ra trên địa bàn là nhiệm vụ chính được cơ quan giao phó, tôi luôn muốn tìm tòi những câu chuyện có ý nghĩa nhân văn, người tốt việc tốt hoặc những nhân vật vượt qua nghịch cảnh vươn lên giúp mình, giúp đời để chuyển tải đến bạn đọc nhằm lan tỏa cái hay, cái đẹp đến với mọi người, hy vọng xua bớt những thông tin xấu, tiêu cực vốn đầy rẫy trên các báo và mạng xã hội hiện nay. Câu chuyện của Lương Phi rất ý nghĩa. Tôi cảm thấy rất vui khi kênh YouTube của Phi ngày một phát triển, anh đang thành công với hướng đi của mình” - nhà báo Trần Thường nói.

Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép riêng biệt. Từ miền rừng đến miền biển, hơi thở cuộc sống như được thổi hồn vào trong từng tác phẩm của các nhà báo. Đó là câu chuyện của một Thái Bá Dũng (Báo Tuổi trẻ) với loạt bài phóng sự “Khám phá rừng đỗ quyên”, mang đến cho độc giả những thông tin thú vị về một hành trình khám phá non cao; hay phóng sự “Những chuyện tình Hội An” bình dị qua góc nhìn tinh tế của một người trẻ yêu phố cổ. Là một Lê Văn Chương (Báo Biên phòng) với những câu chuyện được khắc họa bằng sự trải nghiệm của một nhà báo dấn thân chuyên viết về biển đảo. Như loạt bài “Nơi kỳ bí trên biển Đông” mà anh chọn dự thi năm nay, đã vượt ngoài giá trị thông tin đơn thuần, ở đó, người ta nhìn thấy những gam màu của tình yêu biển cả, tình yêu Tổ quốc được tô điểm bởi những khuôn mặt bình dị mà rắn rỏi, can trường của ngư dân xứ Quảng.

Chất lượng vượt trội

Theo ông Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XIV, giải năm nay tiếp tục chứng kiến sự tăng vọt về số lượng tác phẩm dự thi của các tác giả, nhóm tác giả ở nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, có đầu tư kỹ lưỡng, thể hiện sự đa dạng và phong phú về đề tài, nhất là xoay quanh các chủ đề thời sự nóng bỏng ở địa phương, được dư luận quan tâm như dịch Covid-19; câu chuyện về dòng sông Cổ Cò; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; xử lý rác thải; hạn hán, xâm nhập mặn... 

Ở góc độ thể loại báo hình, nhà báo Trương Vũ Quỳnh (Đài THVN tại Đà Nẵng) - thành viên ban giám khảo nhận xét, so với trước đây, các tác phẩm tham dự Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm nay được mở rộng cả về quy mô và chất lượng, một số tác phẩm về vấn đề gai góc trong đời sống xã hội được chú trọng, thể hiện tiếng nói đa chiều của những người làm báo.

“Qua từng năm, có thể thấy chất lượng tác phẩm tham dự Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng được nâng lên khá rõ rệt. Ngoài câu chuyện về đề tài, cách làm mới trong từng tác phẩm được thể hiện một cách có trách nhiệm, từ đầu tư sản xuất, âm thanh, hình ảnh cho đến kết cấu chung của tác phẩm truyền hình. Một số tác phẩm đã tiếp cận cách làm hiện đại, nhất là sự tiến bộ vượt bậc của các đồng nghiệp ở đài địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn rải rác một số tác phẩm chưa có sự đầu tư lớn, lời bình tràn lan, chưa chú ý nhiều đến tiếng động hiện trường, cách dựng phim, cũng như thiếu tính toán đến kết cấu để tác phẩm đạt hiệu quả hơn” - nhà báo Trương Vũ Quỳnh nhấn mạnh.

NHÀ BÁO NGUYỄN HỮU ĐỔNG - THÀNH VIÊN BAN GIÁM KHẢO GIẢI BÁO CHÍ HUỲNH THÚC KHÁNG: NHƯ MỘT GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA THU NHỎ

Là người nhiều năm tham gia chấm Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng tôi thực sự ngạc nhiên trước sức hút ngày càng tăng của giải này. 

Sức hút ấy thể hiện ở số lượng đông đảo tác giả và tác phẩm. Như mùa giải lần thứ XIV này, riêng loại hình báo viết đã có 137 tác phẩm (loạt bài dài kỳ cũng chỉ tính đầu 1 tác phẩm) của gần 80 tác giả và nhóm tác giả. Ngoài ra, có khoảng 50 tác phẩm của hơn 20 tác giả, nhóm tác giả tham gia 03 giải chuyên đề về Tam nông, Sâm Ngọc Linh và Khởi nghiệp – sáng tạo.

Giải quy tụ nhiều gương mặt của làng báo đất Quảng và cả nước. Các tác phẩm dự giải được đăng tải nhiều báo, trong đó có những tờ báo phát hành rộng rãi, hãng tin, đài phát thanh truyền hình phát sóng cả nước.  

Giải của tỉnh dĩ nhiên tập trung những vấn đề liên quan đến đất và người Quảng Nam. Như các nhóm đề tài gắn với các sự kiện như kỷ niệm 20 năm Di sản thế giới Hội An - Mỹ Sơn, 10 năm công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, 60 năm Quảng Nam - Thanh Hóa kết nghĩa, 90 năm thành lập Đảng bộ Quảng Nam…; về các biến cố trong đời sống, biến đổi khí hậu, quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản; về dòng dịch chuyển lao động; sự biến động của đời sống xã hội, sinh thái nhân văn; về bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, làng nghề… Đặc biệt nổi lên sự kiện phòng chống dịch Covid-19 được nhiều báo đài phản ánh khá sinh động, toàn diện. 

Cảm quan tổng thể tác phẩm dự giải phản ánh chân xác hiện thực bằng cái nhìn nhạy bén của báo chí, lắng nghe tiếng nói những thân phận cuộc đời bằng tình cảm nhân văn, ắp đầy hơn thở đời sống. Dĩ nhiên đâu đó có sự trùng lặp hoặc co cụm nhiều tác phẩm vào đề tài thời sự, hay do “báo chí chia sẻ” làm mất tính độc đáo, có tính phát hiện riêng biệt. Tuy vậy, chất lượng của những tác phẩm đạt giải có  vượt trội, thể hiện sự dấn thân của các nhà báo nhất ở các tác phẩm về biển đảo hay miền núi xa xôi, mang tình tự văn hóa sâu sắc của vùng đất có nhiều di sản. Quảng Nam như Việt Nam thu nhỏ với thiên nhiên và văn hóa đa dạng, thì Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng tựa như giải báo chí quốc gia thu nhỏ. Ở đó có thể tìm thấy bao dấu ấn đặc thù nhưng lại vừa có giá trị mang tính phổ quát lấp lánh dưới lăng kính báo chí đa tầng, đa ngôn ngữ, đa phương tiện. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn báo chí xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO