Từ thành công bước đầu, dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy, hải sản ven bờ ở Việt Nam” do Cơ quan Tài nguyên thủy sản Hàn Quốc (FIRA) tài trợ sẽ được nhân rộng ở vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) và xã Tam Tiến (Núi Thành) để bảo tồn biển và trợ giúp sinh kế cho người dân.
Thành công bước đầu
Từ nguồn vốn hỗ trợ 42 tỷ đồng của Hàn Quốc, dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam” được triển khai ở vùng biển Cù Lao Chàm từ năm 2018 đến nay.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, nhờ phối hợp chặt chẽ giữa 2 bên, trên cơ sở thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu khoa học, thực tiễn, nhất là tham vấn rộng rãi ý kiến của cộng đồng, dự án đã thành công ở nhiều nội dung.
Trước hết là khảo sát, đánh giá được các điều kiện kỹ thuật (dòng chảy, hải triều, nhiệt độ, nền đáy, độ sâu) tại vùng biển Cù Lao Chàm, phục vụ tốt cho việc xác định cấu trúc rạn nhân tạo, địa điểm lắp đặt, bổ sung loài bổ trợ cho rạn nhân tạo. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần cho thành công của dự án.
Thứ hai là lựa chọn được cấu trúc rạn phù hợp trong rất nhiều loại thiết kế đã được FIRA nghiên cứu, áp dụng tại các vùng biển ở Hàn Quốc và một số vùng biển nhiệt đới trước đây. Trong đó mức độ tương thích với khu vực thả rạn là yếu tố rất quan trọng. Trên cơ sở phân tích các kết quả khảo sát về môi trường và thủy sinh, dạng thiết kế rạn khối lập phương kết cấu bê tông cốt thép (2m x 2m x 2m) đã được lựa chọn.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông tin, đã có 600 cấu trúc rạn nhân tạo đã được bố trí tại 4 khu vực xung quanh Rạn Mành và 1 khu vực tại Bãi Xếp nhằm tạo tính kết nối sinh thái quan trọng giữa sinh cảnh tự nhiên là các rạn san hô, thảm rong biển và khu vực sinh cảnh nhân tạo.
Qua đó, tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ương giống các loài sinh vật biển cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi, tái tạo nguồn lợi ở biển Cù Lao Chàm. Điểm nhấn trong dự án là đã nâng cao năng lực cho cán bộ bảo tồn biển thông qua đào tạo quản lý nguồn lợi thủy sản; kỹ thuật xây dựng mô hình rạn nhân tạo; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên trên mô hình rạn nhân tạo; sử dụng thiết bị nghiên cứu biển...
Tiếp tục hợp tác
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho rằng, dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam” cần được tiếp nối và nhân rộng ở vùng biển Cù Lao Chàm và các khu vực biển khác của Quảng Nam.
Ở vùng biển Cù Lao Chàm, FIRA cần tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng bằng cách phát triển du lịch sinh thái dựa vào rạn nhân tạo. “Du lịch sinh thái dựa vào rạn nhân tạo như đánh bắt hải sản bằng ngư cụ truyền thống, câu cá giải trí, lặn snorkeling, chèo kayak đã được cộng đồng cư dân trên đảo thống nhất và ủng hộ nên cần phát triển ở quy mô lớn hơn, hướng đến du lịch bền vững tại khu bảo tồn biển” - bà Hương nói.
Đồng ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Vũ cho rằng, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã có kinh nghiệm nên rất khả thi trong việc sẽ cấy trồng san hô tại những khối rạn đã được thả, tạo sinh cảnh phục vụ cho du lịch sinh thái. Để tăng tính đa dạng, hấp dẫn cho sinh cảnh rạn nhân tạo, cần nghiên cứu thêm để cấy trồng một số loài rong biển trên giá thể rạn nhân tạo.
Bà Lee Kyung Seon - Giám đốc dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam” cho rằng, các đề xuất là rất thiết thực. FIRA sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận với UBND TP.Hội An, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để tiếp nối, triển khai du lịch sinh thái dựa vào rạn nhân tạo ở vùng biển Cù Lao Chàm.
FIRA muốn thiết lập mô hình bảo tồn biển chuẩn mực và quy mô lớn. Cái đích là tiếp tục phục hồi, tái tạo, phát triển nguồn lợi, đa dạng sinh thái ở vùng biển Cù Lao Chàm và phục vụ cho sinh kế của người dân trên đảo.
Theo ông Yeo Jung Yoon - Phòng Hợp tác quốc tế - Cơ quan Tài nguyên thủy sản Hàn Quốc, dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ở Việt Nam” sẽ được nhân rộng, triển khai ở vùng biển Tam Tiến (Núi Thành) trong thời gian đến vì mục tiêu giảm áp lực khai thác hải sản và trợ giúp sinh kế cho cộng đồng.