Dấu ấn biên phòng

ALĂNG NGƯỚC 30/08/2022 05:42

Với hàng chục chương trình, mô hình sinh kế hiệu quả được phối hợp triển khai thực hiện tại khu vực biên giới - biển đảo, những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã góp sức nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng biên.

Mô hình trồng cây đảng sâm xen canh với bắp nếp đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào Achoong. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Mô hình trồng cây đảng sâm xen canh với bắp nếp đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào Achoong. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tạo sinh kế

Sau nhiều năm triển khai mô hình “Trồng đảng sâm xen canh với bắp nếp” trên rẫy, đời sống của hàng chục hộ đồng bào Cơ Tu ở thôn Achoong (xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang) đang dần đổi thay rõ nét.

Không chỉ nâng cao thu nhập, từ mô hình đảng sâm này, người dân có thêm điều kiện hình thành tổ sản xuất đầu tiên về dược liệu với diện tích rộng lớn được duy trì và phát triển tại vùng biên giới Việt - Lào.

Ông Alăng Lơ - Trưởng thôn Achoong cho biết, năm 2019, từ chương trình phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Hội LHPN tỉnh, Tổ sản xuất Achoong được thành lập với 20 hộ dân tham gia trồng hơn 20ha đảng sâm trên rẫy. Mô hình này được lựa chọn trồng xen canh với vụ mùa bắp nếp, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng.

Cuối năm 2020, mô hình cho thu hoạch đạt 37 tấn. Mặc dù sản lượng chưa đạt so với kế hoạch, do năm 2020 thiên tai liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng đến cây trồng, nhưng số tiền thu được từ việc bán dược liệu ra thị trường cũng hơn 600 triệu đồng.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình “Trồng đảng sâm xen canh với bắp nếp” Achoong, tại Đại hội Đảng bộ xã Ch’Ơm (nhiệm kỳ 2020 - 2025), địa phương tiếp tục xác định đảng sâm là cây chủ lực phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững.

“Ở tổ sản xuất Achoong, chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm, từng hộ dân phấn đấu trồng ít nhất 0,5ha đảng sâm để phát triển kinh tế, góp thêm vào diện tích chung của xã đang duy trì hiện nay hơn 100ha” - ông Lơ chia sẻ.

Tạo sinh kế giúp đồng bào vùng biên có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống không chỉ là mục tiêu, mà đang trở thành “thương hiệu” của BĐBP tỉnh trong những năm qua. Tiêu biểu như chương trình phối hợp “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai rộng khắp, kết nối với các nhà hảo tâm triển khai nhiều mô hình hiệu quả.

Ngoài xây dựng 45 mái ấm tình thương, qua kết nối, đến nay BĐBP tỉnh thành lập 8 mô hình chăn nuôi ngan sinh sản với hơn 700 con ngan giống; trực tiếp hỗ trợ mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng cho phụ nữ khó khăn…, tạo động lực giúp phụ nữ vùng biên vươn lên thoát nghèo.

Góp sức bảo vệ chủ quyền

Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, BĐBP tỉnh đã tham gia, phối hợp triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về đồng bào biên giới, biển đảo.

Nhiều mô hình được hình thành và duy trì, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ biên giới an toàn; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dấu ấn Bộ đội Biên phòng tỉnh với đồng bào biên giới thể hiện bằng tình cảm, sự kết nối đầy thiết thực và ý nghĩa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Dấu ấn Bộ đội Biên phòng tỉnh với đồng bào biên giới thể hiện bằng tình cảm, sự kết nối đầy thiết thực và ý nghĩa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đến nay, BĐBP tỉnh duy trì tổ chức triển khai 22 mô hình tiêu biểu, tạo được dấu ấn trong cộng đồng, như mô hình “Tổ tự quản bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; “Kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới”; “Đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới”; “Thôn không có người vi phạm phạm pháp luật”; “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản”; “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”… Từ sự kết nối, huy động nguồn lực đã giúp hàng trăm hộ gia đình, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, yên tâm cắp sách đến trường.

“Những việc làm thiết thực đó đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ mang quân hàm xanh, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc trên khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, xuất phát từ nhu cầu đời sống khó khăn của đồng bào miền núi, những năm qua, BĐBP tỉnh đã duy trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động, mô hình, chương trình ý nghĩa đến với đồng bào biên giới.

Từ sự kết nối này, đã tạo sinh kế, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo.

“Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, nhiều mô hình của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi.

Tiêu biểu như chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, thời gian qua đã giúp hàng trăm em học sinh có điều kiện đến trường, có cơ hội được học tập, ngăn dòng bỏ học; hay chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” được triển khai từ năm 2015 đã huy động hàng chục tỷ đồng tổ chức các hoạt động ý nghĩa, hỗ trợ đồng bào biên giới trong mỗi dịp đón xuân” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn biên phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO