Dấu ấn đào tạo nghề

LÊ DIỄM 17/01/2018 14:35

Trong năm qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã rộn ràng hơn. Từ đồng bằng đến miền núi, nơi nào cũng quan tâm đào tạo nghề cho lao động (LĐ). Dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2017 được đánh giá là năm để lại dấu ấn đậm nét trong đào tạo nghề cho LĐ.

Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đã giúp nhiều lao động của tỉnh có được nghề nghiệp và việc làm. Ảnh: L.D
Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đã giúp nhiều lao động của tỉnh có được nghề nghiệp và việc làm. Ảnh: L.D

Nâng cao tỷ lệ lao động có nghề

Một năm hành động quyết liệt trong đào tạo nghề, với các đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và đào tạo LĐ cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh. Hàng loạt đợt tuyên truyền, đưa chính sách đến với từng người LĐ ở đồng bằng, miền núi được ngành lao động tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tổ chức liên tục. Thậm chí, tuyên truyền chính sách theo kiểu “gõ cửa từng nhà” đã được các hội, đoàn thể ở các xã vùng cao thực hiện. Nhờ vậy mà trong cả năm 2017, đã có 4.223 LĐ nông thôn được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Kết quả này đã góp phần vào tổng số LĐ tuyển mới học nghề, bồi dưỡng, tập huấn nghề nghiệp cả năm là 35.573 người (đạt 100,2% kế hoạch năm). Tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề từ đó cũng được nâng lên con số 55,5%, LĐ qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 22,5%.

Ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH tỉnh) cho biết: “Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo LĐ thời gian qua ở cấp huyện được quan tâm. 100% các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn vận động, tuyển sinh đào tạo... đến thôn, bản, khối phố. Hầu hết địa phương thực hiện phân giao chỉ tiêu đào tạo nghề theo Quyết định 3577 năm 2017 đến các xã, phường, thị trấn. Một số địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo của huyện ủy về đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế, như Quế Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn, Bắc Trà My, Tiên Phước, Đông Giang; một số địa phương đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn theo hướng bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các cơ chế hỗ trợ, như Bắc Trà My, Hội An, Đông Giang, Tiên Phước, Nông Sơn, Điện Bàn. Ngoài ra, sự vào cuộc của hơn 20 doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo LĐ, tiếp nhận LĐ sau đào tạo và thực tập vào làm việc đã hỗ trợ tích cực cho thực hiện các cơ chế đào tạo nghề”.

Khó vẫn quyết làm

Đào tạo nghề cho LĐ toàn tỉnh trong tổng thể đã vượt được chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng LĐ của tỉnh đến nay ở đồng bằng đã đạt đến độ bão hòa, nên LĐ chỉ còn lại ở khu vực miền núi. LĐ miền núi chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế có quá nhiều rào cản, tồn tại không thể khắc phục ngay được mà cần cả quá trình. Quá trình đưa LĐ từ miền núi xuống đồng bằng, đến các xí nghiệp, nhà máy để làm việc không hề dễ dàng. Gắn bó với LĐ miền núi từ lâu, ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh nói rằng, do miền núi có địa bàn rộng lớn, dân cư phân bố không đồng đều, địa hình đồi dốc nên khó khăn trong việc tập trung người LĐ để tuyên truyền, vận động. Muốn vận động chỉ còn cách đi đến từng thôn, bản nhưng không dễ để làm được việc này. Mặt khác, do bất đồng về ngôn ngữ và sự khác biệt về phong tục tập quán nên công tác tuyên truyền, vận động người LĐ tham gia học nghề chưa đạt hiệu quả cao. Ông Quý cho biết: “Suy nghĩ về học nghề lập nghiệp của LĐ người dân tộc thiểu số đã có thay đổi nhưng chưa cao nên không muốn tham gia học nghề. Có LĐ còn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chính sách hộ nghèo nên không muốn học nghề lập nghiệp. Ý thức, tác phong cũng như tuân thủ nội quy, quy định của doanh nghiệp của LĐ còn kém nên thường xuyên vi phạm nội quy của trường, doanh nghiệp. Khi bị nhắc nhở thì lại tự ái nên bỏ về”.

Trên phương diện toàn tỉnh, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phân tích thêm về những khó khăn trong công tác đào tạo nghề. Cụ thể, cả hai đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐ đang được thực hiện trong tỉnh đều gặp khó về nguồn LĐ. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đưa ra lại không sát với thực tế tuyển dụng của họ, nên việc đào tạo không thể bám sát được nhu cầu thị trường, dẫn đến không đạt chỉ tiêu chung của toàn tỉnh. Ông Thùy cho biết: “Việc thực hiện cam kết cung ứng, tiếp nhận LĐ sau đào tạo được ký giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa tốt, vẫn có tình trạng giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ký cam kết với nhau nhưng sau đó doanh nghiệp tiếp nhận không đầy đủ hoặc từ chối không tiếp nhận LĐ. Việc doanh nghiệp chậm trả lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người LĐ dẫn đến cơ sở đào tạo thiếu cơ sở thanh quyết toán hợp đồng đào tạo, không mạnh dạn tổ chức tuyển sinh lớp mới. Thu nhập thực tế của người LĐ tại các doanh nghiệp may mặc còn thấp, chưa thu hút được người LĐ tham gia, nhất là đối với một số địa bàn đô thị. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân công đứng điểm chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc phối hợp với địa phương trong công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết nối địa phương và người LĐ với doanh nghiệp; có cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân công đứng điểm đến nay chưa tổ chức được lớp đào tạo nào”. Ông Thùy khẳng định, năm 2018, những cơ chế đào tạo nghề cho LĐ trong tỉnh sẽ tiếp tục được thực hiện dù còn những khó khăn cản trở. Đặc biệt, đối với LĐ miền núi do thiếu việc làm, thì học nghề và đi làm sẽ là con đường hiệu quả giúp họ thoát nghèo.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn đào tạo nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO