Dấu ấn dệt may

LÊ DIỄM - QUANG VIỆT 29/12/2017 14:20

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu ngành may tăng cao, đóng góp quan trọng về giải quyết việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, ngành dệt may cũng đứng trước nhiều thách thức trong xu thế hội nhập.

Ngành dệt may góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: D.LỆ
Ngành dệt may góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: D.LỆ

Nở rộ các nhà máy may

Thời điểm cuối năm, không khí lao động tại 2 cơ sở may mặc của ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng tại Cụm công nghiệp Kế Xuyên - Quán Gò (Thăng Bình) và Phú Thịnh (Phú Ninh) hết sức sôi động. Kế hoạch đặt ra là mỗi tháng sản xuất 100 nghìn sản phẩm (60% áo jacket và 40% áo, quần các loại), nhưng do có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan nên các công nhân phải làm việc hết công suất. Ông Tú nói: “Cuối năm rồi, phải tranh thủ thời gian sản xuất, kịp hàng xuất khẩu cho đối tác chứ không thì mất hợp đồng. May mặc xuất khẩu đang lao vào cơn lốc cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) phải hoạt động hết công suất chứ không thì sẽ bị thải loại ngay”. Theo ông Tú, thị trường xuất khẩu may mặc lớn nhất là Mỹ nhưng đang siết lại chất lượng. Các công đoạn kiểm xưởng được thực hiện gắt gao. DN phải nỗ lực tự đổi mới, tái cơ cấu sản xuất, đáp ứng các nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thế giới. Giá nguyên vật liệu tăng, các chi phí sản xuất như điện, nước, công lao động cũng tăng nhưng nhờ biết cách tiết giảm giá thành nên ước tính năm nay DN đạt doanh thu gần 50 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. “Tôi sẽ thêm lao động, tăng từ 700 công nhân lên khoảng 1.000 công nhân trong năm 2018 để đáp ứng lượng hàng hóa may mặc xuất khẩu theo yêu cầu của đối tác. Sản phẩm cũng phải bắt mắt hơn, chất lượng hơn mới có thể đứng vững trên thị trường” - ông Tú chia sẻ thêm.

Ngành may giày da xuất khẩu gặp khó do không có nguồn nguyên phụ liệu trong nước.
Ngành may giày da xuất khẩu gặp khó do không có nguồn nguyên phụ liệu trong nước.

Từ đồng bằng đến các huyện vùng trung du, những năm qua đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào các nhà máy may. Ngành công nghiệp dệt may của tỉnh có bước phát triển khá nhanh và toàn diện. Sự ra đời của các DN dệt may không chỉ góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp mà còn tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Sự hình thành Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng với 5 dự án liên quan đến ngành dệt may đi vào hoạt động đã “khuấy động” mạnh nền công nghiệp dệt may ở vùng đông của tỉnh. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà máy của các DN tư nhân, liên doanh đầu tư về vùng nông thôn, đưa nhà máy đến với lao động. Các khu, cụm công nghiệp ở Phú Ninh, Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn... đều thu hút các DN trong lĩnh vực dệt may đến đầu tư. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm tỷ trọng hơn 30% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 195,633 triệu USD (chiếm 31,06% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2016). Năm 2017 dù chưa có số liệu chính thức, nhưng ngành dệt may chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh.

Tăng đầu tư

Năm 2017, tổng cầu dệt may trên thị trường thế giới giảm do Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các doanh nghiệp ngành dệt may cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu, nhất là cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á khác. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may đã tạo ra cơ hội mới bằng cách tăng đầu tư về vốn, kỹ thuật, cải tiến công nghệ, tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế tại Quảng Nam, nhiều cơ hội xuất khẩu dệt may được mở ra cho doanh nghiệp. Công ty CP Sợi Hòa Thọ Thăng Bình (Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ) đã đầu tư thiết bị hiện đại, đồng bộ của Nhật và châu Âu. Với quy trình sản xuất sợi tự động hóa cao, doanh nghiệp này đã xâm nhập thị trường châu Âu, Mỹ, tạo kim ngạch xuất khẩu hơn 12 triệu USD. Công ty TNHH Vast Apparel Việt Nam (Cụm công nghiệp Tam Đàn, Phú Ninh) đầu tư 3 nhà xưởng lớn thu hút 3.000 lao động hoạt động hết công suất, tạo đa dạng sản phẩm quần, áo sơ mi, đồ da, hàng may sẵn cao cấp, xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, EU đem lại hơn 20 triệu USD trong năm qua.  

Là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH MTV công nghiệp Germton (KCN Đông Quế Sơn) đã đầu tư mạnh hệ thống dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại. Dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng công ty đang giải quyết việc làm cho 1.400 lao động. Theo ông Lê Văn Tăng - Giám đốc nhân sự của Công ty Germton, công ty đang đầu tư xây dựng thêm một nhà máy liên hoàn với nhà máy hiện tại, vì thế từ nay đến cuối năm 2018 cần thêm 1.700 lao động. Ở lĩnh vực may mặc xuất khẩu, các công ty cần nhất là lao động và tài chính. Lao động là vấn đề mấu chốt để DN mở rộng sản xuất, và tài chính mạnh sẽ giúp DN dệt may đầu tư được hệ thống máy móc tiên tiến, đảm bảo nâng cao năng suất lao động, đáp ứng được nhu cầu của đơn hàng từ phía đối tác.

Thách thức trong  xuất khẩu

Các DN dệt may trên địa bàn tỉnh hoạt động chủ yếu bằng hình thức gia công hàng xuất khẩu cho đối tác. Chẳng hạn ở Công ty CP Hỗ trợ công nghiệp miền Trung (Điện Bàn), năm 2017 công ty nhận sản lượng hàng xuất khẩu 4,6 triệu đôi giày, đạt doanh số 20,5 triệu USD. Ngoài ra, công ty còn gia công thêm cho các đối tác 2 triệu đôi mũi giày và 4,4 triệu đôi đế giày. Năm 2018, kế hoạch của công ty cũng chỉ dám nhận sản lượng tăng hơn năm 2017 khoảng 5%, chưa thể tăng sản lượng bình quân mỗi năm 15% như kế hoạch phát triển của công ty đặt ra. Ông Lê Châu Khương - Giám đốc Công ty CP Hỗ trợ công nghiệp miền Trung phân tích: “Cái khó của DN xuất khẩu ngành dệt may ở tỉnh là phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, có đơn hàng khoảng 70%, nhưng có đơn hàng phải nhập khẩu 100% nguyên liệu. Từ đó khiến lợi thế cạnh tranh trong khu vực của chúng ta hạn chế, không có nguyên phụ liệu nội địa, nếu có thì không đạt chuẩn. Ví dụ như nguyên liệu da thuộc để sản xuất giày ở ta vừa ít lại vừa không đạt tiêu chuẩn do còn tồn dư chất độc hại, đối tác không đồng ý dùng da của mình để sản xuất mà phải nhập theo đúng chỉ định của đối tác. Chúng ta thua là từ hạ tầng không có sẵn, không đồng bộ nên phụ thuộc, không chủ động được. Từ đó mà giá thành sản phẩm cũng sẽ cao hơn, bất lợi trong cạnh tranh với các nước trong khu vực”.

Các DN dệt may của tỉnh đều hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản hay các nước châu Mỹ, nên hoàn toàn phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Vì thế các DN dệt may bắt buộc phải cố gắng đầu tư hệ thống công nghệ máy móc, đầu tư sàng lọc, nâng cao kỹ năng tay nghề cho lao động để nâng cao năng suất nhằm bù đắp cho những thiếu hụt về nguồn nguyên phụ liệu. Bởi đơn giá sản phẩm do khách hàng quyết định, họ có quyền lựa chọn đối tác gia công trong thời buổi cạnh tranh. Đơn giá mỗi năm mỗi khác, nhưng xu hướng của khách hàng thường yêu cầu giảm, nên các DN dệt may luôn trong tư thế sẵn sàng trước cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Quảng Nam đã có đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020”. Theo đề án, phấn đấu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may xuống mức 50% và đến năm 2020 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 6.800 tỷ đồng; hình thành Trung tâm Dệt may Quảng Nam với các nhà máy thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngoài ra, tỉnh cũng tính đến phương án quy hoạch khoảng 10.000ha trồng cây nguyên liệu bông, trong đó giai đoạn đầu sẽ triển khai trồng khoảng 2.000ha cây bông để cung ứng nguyên liệu tại chỗ. Kế hoạch đến năm 2020, doanh thu từ sản xuất của các nhà máy dệt may sẽ đạt 4.000 - 5.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 200 triệu USD và giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động. Hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các DN trong ngành dệt may với quy trình khép kín sản xuất, từ sợi dệt - nhuộm hoàn tất - may, đồng thời chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm).

LÊ DIỄM - QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO