Dấu ấn di sản

LÊ QUÂN - KHÁNH LINH 02/01/2015 10:16

Những sản phẩm đi ra từ sự phát triển du lịch của Hội An và Mỹ Sơn, nhắc đến tên, người ta đã nghĩ ngay đến những dấu ấn đặc trưng của vùng di sản…

Phố và người “nhạc trưởng”

Người “nhạc trưởng” của các hoạt động phố cổ, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hội An Võ Phùng, vẫn không thôi nghĩ về những ngày đầu tiên chương trình “Đêm phố cổ”. Tháng 9.1998, không gian “Tái hiện đêm phố cổ Hội An” đầu thế kỷ XX ra mắt công chúng, đầu tiên là những cư dân Hội An. Từ ánh đèn le lói trong các gian nhà cổ, đường phố tĩnh lặng, mọi hoạt động đều nhuốm màu xưa cũ. Ở trong “bóng thời gian” của những năm “phố buồn, người buồn”, Hội An làm thức dậy bao nhiêu hoài niệm, ký ức của một thế hệ. Người Hội An bảo nhau, sao không làm điều gì phù hợp với những con đường cổ, những gian nhà cổ của phố? Từ ý tưởng chung của cộng đồng, “đêm phố cổ” ra đời. Những người cũ phố Hội, cũng bày cho mình một góc nhung nhớ. Cụ ông Đỗ Văn Bừng, với tiếng hạ uy cầm không lẫn với bất cứ ai, khắc khoải, réo rắt dìu dắt hồn người trong những bước chân lãng du trên phố cũ. “Đêm phố cổ hằng tháng, mở ra cho tôi một không gian để được sống cùng đam mê của mình. Mấy mươi năm ôm đàn, quãng thời gian chơi trên phố, với khán giả say sưa từ khắp nơi, không ai mình nhớ mặt, nhớ tên, nhưng ánh mắt họ nhìn mình thì vẫn không quên được” - ông Đỗ Văn Bừng chia sẻ. Ông đã chơi đàn như vậy, ở một góc nhỏ của phố, từ ngày có “đêm phố cổ”. Nhưng cuộc chơi này không phải để mưu sinh. Vậy là ban ngày, cách đây hơn 10 năm, có một ông Đỗ Văn Bừng chuyên làm đèn lồng, để đến đêm 14 Âm lịch hằng tháng mang đàn xuống phố. Và những chiếc đèn lồng, cũng làm nên một nét duyên thầm mỗi khi nhắc tới phố cổ. Nó, đầu tiên là câu chuyện mưu sinh, sau đó mới tiến lên là một sản phẩm văn hóa đặc trưng phố Hội.

Phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Về phố cổ, không thể quên những chiếc đèn lồng đủ mọi kích cỡ, màu sắc. Một nghề mới chỉ thịnh từ ngày phố vươn mình tỉnh giấc, nhưng đèn lồng ở Hội An, có một lược sử khá dài. Năm 1644, những người Minh Hương trung thành với nhà Minh lánh nạn cuộc chiến với nhà Thanh, đã được chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) cho định cư tại cảng thị Hội An. Trong hành trang của các lưu dân đến từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông… đã có những chiếc đèn lồng. Họ treo đèn trước cửa nhà mình, như để thỏa niềm hoài vọng cố hương. Trong “đêm phố cổ” vài năm trở lại đây, có hẳn một tuyến đường dành cho đèn lồng cùng những mặt hàng lưu niệm khác. Ngay trong hoạt động “Tái hiện đêm phố cổ”, đèn lồng góp phần làm cho phố lung linh, huyền ảo hơn.

Nghề làm lồng đèn góp phần làm cho thành phố lung linh, huyền ảo trong “đêm phố cổ”.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nghề làm lồng đèn góp phần làm cho thành phố lung linh, huyền ảo trong “đêm phố cổ”.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

“Hai hoạt động Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX và Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ đã thực sự là sản phẩm du lịch, sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hội An. Các hoạt động này đã thật sự góp phần rất lớn cho việc giới thiệu - quảng bá du lịch Hội An và mang lại hiệu quả trong việc kinh doanh, buôn bán cho người dân trong khu phố cổ, cho doanh nghiệp. Chính các hoạt động này đã góp phần tạo nên “thương hiệu du lịch” Hội An”- ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, chia sẻ tại buổi tổng kết 16 năm thực hiện dự án “Tái hiện đêm phố cổ Hội An” và 10 năm triển khai “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”.  Những sản phẩm du lịch khác, từ trải nghiệm một ngày làm nông dân, ngư dân, họa sĩ… hay thử nghiệm phục hồi những nhóm nhạc gia đình trong đêm phố cổ, khơi dậy bao nhiêu mối mang về một vùng đất thơ mộng bên sông Hoài. Vẫn còn đó những âu lo khi buộc phải làm mới những sản phẩm du lịch đã cũ kỹ, nhưng Hội An, muôn đời vẫn giữ cho mình những dấu ấn riêng, trên nền một vùng đất dày dặn văn hóa.

Múa Chăm ở Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Múa Chăm ở Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hoài vọng Mỹ Sơn

Sản phẩm mang dấu ấn đầu tiên của Mỹ Sơn phải kể đến là Đội Văn nghệ dân gian Chăm. Được tổ chức từ năm 2004, hơn 10 năm qua, múa Chăm đã mang đến cho du khách những cảm nhận tinh tế về một nền âm nhạc, nghệ thuật Champa độc đáo để hình thành sản phẩm du lịch làm nên thương hiệu Mỹ Sơn. Thông qua các tiết mục như Huyền thoại Naga, Hồn thiêng của đá, Vũ nữ apsara, Múa trống hội, Độc tấu kèn saranai... những diễn viên, nghệ nhân, nhạc công Mỹ Sơn đã tái hiện không gian hoài niệm về đời sống cung đình và những lễ hội tâm linh huyền bí của người Chăm xưa. Tuy nhiên, ấn tượng nhất với du khách vẫn chính là chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” được xây dựng nhằm mục đích phục vụ những hoạt động lễ hội và tour theo yêu cầu. Dù chưa được tổ chức nhiều nhưng sản phẩm “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” cũng đã kịp ghi dấu ấn về một sản phẩm du lịch khác biệt. Qua Đêm Mỹ Sơn huyền ảo, không gian văn hóa Mỹ Sơn sống dậy lung linh trong điệu múa apsara mê hoặc tựa hồ thoát ra từ đá, lấp lánh dưới hoang vu núi rừng hay ẩn hiện giữa đền đài cổ tháp đầy liêu trai huyền hoặc.

Qua 15 năm xây dựng thương hiệu du lịch, có thể khẳng định sản phẩm du lịch Mỹ Sơn tuy không nhiều nhưng vẫn tạo được nét riêng về chiều sâu tâm thức  để mang đến cho khách những cảm nhận mới lạ về một nền văn hóa đã qua. Bên cạnh các sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể, còn kể đến những sản phẩm dịch vụ phụ trợ như trung chuyển khách bằng xe điện hay sản phẩm lưu niệm được làm từ gốm đá với các hình mẫu từ văn hóa Champa… góp phần tạo lên sự khác biệt cho điểm đến Mỹ Sơn. Tuy vậy, cũng thẳng thắn nhìn nhận so với những nơi khác sản phẩm du lịch nơi đây vẫn chưa đủ đa dạng để níu chân khách. Một không gian đồi núi xung quanh hiện còn bỏ ngõ; những cánh rừng, con suối, lối đi ngược về phía thượng nguồn vẫn vắng dấu chân người.

“Đêm Mỹ Sơn huyền ảo là một sản phẩm du lịch hấp dẫn nhưng chưa thể triển khai rộng rãi được vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hạ tầng giao thông, công tác an ninh và bảo vệ du khách.…”- ông Đinh Hài phân tích. Phát triển sản phẩm du lịch Mỹ Sơn không chỉ dựa trên những gì sẵn có tại chỗ mà còn cần mở rộng ra các vùng xung quanh để hình thành nhiều sản phẩm phối hợp. Trong đó, mô hình làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (hình thành năm 2013) với các sản phẩm lưu trú nhà dân (homestay), làm nông, chèo thuyền hồ Thạch Bàn, leo núi Hòn Đền, tham quan làng quê, làng nghề… là một trong những hướng đi mới của du lịch Mỹ Sơn, dù hiệu quả chưa như ý muốn nhưng bước đầu tạo ra được sự kết nối, liên kết để mang đến cho khách những trải nghiệm phong phú hơn cho điểm đến Mỹ Sơn.

LÊ QUÂN - KHÁNH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO