Hàng thủ công gồm các sản phẩm giày da, túi xách da, gỗ mỹ nghệ, mây tre lá của các thương hiệu nổi tiếng xứ Quảng với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng đang chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ấn tượng với khách hàng
Dù phải cạnh tranh với nhiều hãng thời trang danh tiếng của Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Ý... nhưng thương hiệu da giày Huệ Kiếm (61 Nguyễn Thái Học, TP.Hội An) vẫn là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước.
Chị Elsa Anna (du khách đến từ Phần Lan) sau hồi quan sát, lựa chọn đã rất ưng ý với đôi giày da màu nâu vì vừa vặn, bắt mắt, trang trí hài hòa. Đôi giày với nguyên liệu da cừu nhưng có giá chỉ gần 800 nghìn đồng khiến chị Elsa Anna ngạc nhiên.
“Với số tiền đó, tôi chỉ mua được túi xách nhỏ hay ví da ở nước mình. Hàng hóa của các bạn tinh xảo, chất lượng mà giá lại rẻ nên tôi rất ưng ý. Tôi sẽ mua vài món hàng da để về nước tặng cho bạn bè, người thân sử dụng. Quý nhất là các sản phẩm đậm chất văn hóa của người Việt các bạn ở sự tỉ mỉ, tài hoa” - chị Elsa Anna nói.
Chị Lê Thị Thuận (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) - quản lý của shop thời trang Huệ Kiếm cho biết, hiệu da giày có kinh nghiệm 15 năm chuyên sản xuất, bán các mặt hàng giày da, túi xách, thắt lưng, ví da, nịt da các loại. Mọi công đoạn thao tác các sản phẩm đều thủ công từ các nguyên liệu là da trâu, bò, cừu, rất bền đẹp. “Giải thưởng và sự công nhận của Tripadvisor đã khẳng định thương hiệu của Huệ Kiếm nên khách hàng rất tin tưởng, thích thú” - chị Thuận nói.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, các hàng hóa thủ công Quảng Nam đã khẳng định chất lượng, thương hiệu cần được doanh nghiệp mạnh dạn đưa vào kinh doanh ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn để thêm tăng doanh số bán hàng. Các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa trong tìm hiểu, nắm bắt vận động mới của xu hướng tiêu dùng hiện đại, qua đó sản xuất hàng hóa phù hợp hơn và góp phần đánh bật được hàng thủ công trôi nổi, hàng giả, chất lượng kém ra khỏi thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.
Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Công ty Mộc mỹ nghệ truyền thống Nguyễn Văn Tiếp (làng nghề Đông Khương, thị xã Điện Bàn) như lục bình, tượng gỗ, bàn ghế gỗ... nhờ tiếng lành đồn xa nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, đặt hàng ngày càng nhiều hơn.
Anh Nguyễn Văn Ân - con trai của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp cho biết, nghề điêu khắc gỗ gia đình đã dày công tạo dựng gắn liền với biết bao thăng trầm của làng nghề Đông Khương. Bản thân anh Ân đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, ra trường đã về quê lập nghiệp, gắn bó sâu nặng với nghề nghiệp của cha ông để lại.
“Các sản phẩm của chúng tôi ngày càng vươn xa ra thị trường toàn quốc, hướng đến xuất khẩu. Đó là niềm tự hào lớn và chúng tôi quyết tâm vun đắp nghề mộc mỹ nghệ ngày càng tinh xảo, nghệ thuật, gắn liền với hồn cốt của con người xứ Quảng” - anh Ân nói.
Còn ông Nguyễn Văn Tiếp thì cho biết, với niềm tự hào hàng Việt, sẽ tiếp tục lựa chọn những thanh niên tài hoa trong vùng để dạy nghề, rèn luyện họ có tay nghề cứng cỏi, mềm mại để gắn bó, gìn giữ, vun đắp làng nghề ngày càng thịnh đạt hơn.
Hồn cốt hàng Việt
Rất nhiều gia đình ở huyện Núi Thành khi đi mua hàng nội thất đã rất ưng ý, yên tâm với bàn ghế, sofa được chế tác từ mây tre lá của Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (thị trấn Núi Thành).
Chị An Thái (thị trấn Núi Thành) kể, lúc về nhà mới, chị cùng chồng không chọn đồ nội thất phong cách châu Âu, Mỹ mà chọn mua bàn, ghế, tủ làm từ mây tre lá truyền thống của Âu Cơ. “Nội thất làm từ mây tre lá được trau chuốt, tuổi thọ cao, vẻ ngoài tinh tế, kiểu dáng phù hợp nên tôi rất tâm đắc. Bố trí bàn ghế, tủ mây tre lá trong ngôi nhà đem lại cảm giác thư thái, dễ chịu, rất ấn tượng, luôn có cảm giác tươi mới trong không gian đầm ấm gia đình” - chị An Thái nói.
Ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ cho biết, trong xu thế cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp đã chọn cho mình cách đi phù hợp là giữ nguyên bản sắc Việt trên nền tảng phát triển, hội nhập. Doanh nghiệp cởi mở, tiếp cận thị trường đa chiều, tạo ra những sản phẩm mới nhưng phù hợp với tính cách, thẩm mỹ, văn hóa của con người Việt nói chung, người xứ Quảng nói riêng.
“Các chế độ bảo hành, vận chuyển, đổi trả sản phẩm được chúng tôi coi trọng, tạo tin yêu trong người tiêu dùng. Nhờ đó, vị thế thương hiệu của chúng tôi ngày càng được nâng cao” - ông Thiên nói.
Hơn 10 năm qua, với nhiều sáng tạo trong cách thức triển khai, các sở, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân đã đồng hành cùng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết quả thu được rất khả quan. Theo Sở Công Thương, nhờ chung tay hành động, đã chuyển biến ý thức người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo nên diện mạo mới của sản phẩm nội địa trên thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Riêng các sản phẩm thủ công xứ Quảng đã chiếm tỷ lệ cao, 80 - 90% trên thị trường nội địa. Đặc biệt nhiều sản phẩm giày da, túi xách da, ví, nịt từ da đã xuất khẩu, mang lại ngoại tệ lớn, thúc đẩy phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Những chuyển biến tích cực của hàng hóa xứ Quảng nói chung, hàng thủ công nói riêng đã vun đắp bản sắc văn hóa của tỉnh, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu hiệu quả”.