Dấu ấn ngôi chùa cổ

QUỐC TUẤN - VĂN MẾN 23/09/2016 08:45

Tọa lạc tại thôn Thanh Quýt 3 (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn), ngôi chùa Từ Tâm có lịch sử hàng trăm năm tồn tại đã gắn bó với nhiều dấu ấn đậm nét của vùng đất này.

Chở che cách mạng

Nhắc đến vùng đất Thanh Quýt khi xưa nhiều người hẳn còn in đậm ký ức đau thương bởi sự tàn phá ác liệt của chiến tranh mà mảnh đất nghèo phải gánh chịu. Hàng loạt nhà cửa, trường học bị đốt, nhiều cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt bớ tù đày. Không một nơi nào trên miền quê nghèo ngày ấy có thể làm căn cứ an toàn để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến cứu nước. Trước tình thế vô cùng khó khăn, ngôi chùa Từ Tâm đã trở thành “địa chỉ đỏ” để bảo bọc dân làng và cán bộ kháng chiến.

Ngôi chùa được xây dựng khép kín khuất sâu trong con đường mòn lại cách xa khu dân cư, xung quanh được bao bọc bởi các lũy tre, giúp các cán bộ cách mạng tránh được họng súng kẻ thù. Ban ngày, ngôi chùa là nơi dạy học cho con em trong làng, tối đến là hầm ẩn nấp an toàn cho các đồng chí Đảng bộ xã Điện Thắng sinh hoạt, nghỉ ngơi.

Chùa Từ Tâm hiện đã được tu sửa khang trang.
Chùa Từ Tâm hiện đã được tu sửa khang trang.

Là nơi để thờ tự sinh hoạt tâm linh nhưng có nhiều dấu hiệu khả nghi nên không ít lần địch bắn phá không thương tiếc vào ngôi chùa. Thời điểm đó, có lần đồng chí Trương Công Bì - nguyên Chủ tịch xã Điện Thắng đến chùa gặp các chiến sĩ họp bàn kế hoạch kháng chiến, trên đường đi ông bị địch theo dõi chờ cơ hội để thủ tiêu. Bình tĩnh, khôn khéo đoán trước được sự tinh ranh của kẻ thù, các sư thầy đã ra ám hiệu có địch theo dõi nên lần đó ông không rơi vào sào huyệt của địch. Sư cô Thích Nữ Hạnh Châu - trụ trì chùa Từ Tâm chia sẻ, thời điểm đó các sư thầy chùa Từ Tâm không chỉ làm nhiệm vụ nuôi giấu, bảo vệ các cán bộ mà họ còn tích cực tham gia cách mạng. Các thầy đã đi liên hệ, gây dựng cơ sở cách mạng. Nhờ vậy, công tác giao liên, vận chuyển tài liệu được dễ dàng; các chiến sĩ yên tâm công tác, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng.

Ký ức thời khói lửa

Gần nửa thế kỷ đi qua, không ít người dân địa phương hiện tại đã từng một thời đèn sách tại chùa Từ Tâm vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời niên thiếu. Từng có thời gian dài theo học dưới mái trường chùa làng những năm ấy, bà Nguyễn Thị Tiếp kể: “Dụng cụ học tập đơn sơ lắm chỉ có 2 cuốn vở, ngày ấy không có thước kẻ phải lấy những thanh tre thẳng để làm thước và que tính toán. Học trò ai cũng mong tới ngày rằm, mồng một để các sư thầy chia trái cây, bánh kẹo. Tôi học dưới mái trường này hết thời cấp 1, mỗi lần máy bay đến là phải nằm sấp xuống dưới gầm bàn để địch không phát hiện”.

Cũng từ khó khăn ấy biết bao người con vùng quê này đã trưởng thành, như  giáo sư, tiến sĩ Lê Tự Quốc Thắng, anh em bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng bây giờ là lãnh đạo Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ… Ông Nguyễn Văn Nhung, người thầy gắn với nhiều thế hệ học sinh chùa làng bồi hồi nhớ lại: “Khi xưa trường học bị địch đốt cháy, chùa Từ Tâm trở thành nơi học tập của con em trong vùng. Ngày ấy khó khăn lắm, các ni sư phật tử ở đây phải đóng từng cái bàn, chiếc ghế giúp các em có chỗ tạm bợ khi ngồi học. Mỗi khi máy bay địch bay qua, tôi cùng các vị sư thầy trong chùa bồng hết các em xuống hầm để tránh bom. Ký ức thời gian khó ấy đã qua nhiều năm, bây giờ cuộc sống đổi thay ngôi chùa được chính quyền địa phương và bà con phật tử trùng tu xây dựng lại nên đẹp đẽ và bề thế hơn xưa rất nhiều”.

Từ sau ngày đất nước hòa bình, hàng năm nhà chùa kêu gọi sự tài trợ từ tấm lòng của các mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện quyên góp hàng chục triệu đồng để trao quà, khám bệnh cho người nghèo ở địa phương. Như hoàn cảnh của chị Trương Thị Miên (trú thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung) mẹ góa con côi, một mình chị nuôi 2 người con chưa trưởng thành, không có đất canh tác, nhà cửa tạm bợ, con cái đến tuổi học nhưng không thể đến trường vì quá nghèo. Trước tình cảnh ấy, nhà chùa vận động bà con phật tử ủng hộ xây cho gia đình chị một căn nhà trị giá 20 triệu đồng. Hay trường hợp em Nguyễn Thị Thanh Hà (trú thôn Thanh Quýt 4) mồ côi cha, mẹ làm việc vất vả nhưng không đủ trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Nhằm tạo điều kiện cho Hà yên tâm đến trường, nhà chùa còn hỗ trợ cho bé 200 nghìn đồng/tháng để làm chi phí sinh hoạt.

QUỐC TUẤN - VĂN MẾN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn ngôi chùa cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO