Tác phẩm, tác giả

Dấu ấn Nhà xuất bản Đà Nẵng

ANH QUÂN 04/08/2024 13:15

Với 40 năm hình thành và phát triển (8/8/1984 – 8/8/2024), Nhà xuất bản Đà Nẵng từng bước tạo dấu ấn trong việc lưu giữ, phát huy bản sắc đa dạng của lịch sử, văn hóa xứ Quảng qua từng ấn phẩm của mình.

Cuộc tình vùng đất lửa - tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng của nhà văn Hồ Duy Lệ vừa ra mắt bạn đọc. Ảnh: H.Q
Cuộc tình vùng đất lửa - tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng của nhà văn Hồ Duy Lệ ra mắt bạn đọc hồi tháng 3/2024. Ảnh: H.Q

Lưu giữ hồn cốt quê nhà…

Trong buổi ra mắt cuốn sách “Cuộc tình vùng đất lửa” do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản vào tháng 3/2024 vừa qua, nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ tâm sự, ông viết cuốn sách này để kỷ niệm về những cuộc chia ly đã để lại tình yêu, đau khổ và có cả hạnh phúc ở mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó có gia đình ông.

Đọc hơn 400 trang sách, những cuộc đời và cuộc tình - từ những người bình dị đến những anh hùng, hiện lên thật bi tráng. Đó cũng là “dòng chảy” trong suốt 30 năm sáng tác của Hồ Duy Lệ, từ cuốn sách đầu tiên “Cát xanh” (in năm 1994) đến nay.

Mảnh đất giàu truyền thống xứ Quảng luôn nảy sinh những ý tưởng để hình thành những trang sách trong con người của nhà báo, nhà văn - từng giữ các trọng trách người đứng đầu của các cơ quan xuất bản, báo chí: Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam…

Và để lưu lại những trang sử đời và truyền lửa đến bạn đọc, tác giả Hồ Duy Lệ gửi gắm những tác phẩm của mình ở Nhà xuất bản Đà Nẵng, từ đó lan tỏa trong đời sống xã hội.

Gần đây, trong dư luận của giới nghiên cứu ngôn ngữ và cả lịch sử, cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của PGS-TS. Andrea Hoa Pham - một người con xứ Quảng, đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Florida (Hoa Kỳ), nổi lên như một “hiện tượng”.

Cuốn sách này được Nhà xuất bản Đà Nẵng “đặt hàng” cho tác giả - từ một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ. Trong đó, với những luận giải được trình bày dưới dạng ngôn ngữ nhẹ nhàng, dễ hiểu với đông đảo người đọc, tác giả cho biết đây là câu chuyện về hành trình khám phá và hiểu biết của mình về những điều kỳ diệu và kỳ lạ của giọng Quảng Nam.

Để “hệ thống hóa” những sáng tác, nghiên cứu về quê nhà, từ năm 2021, Nhà xuất bản Đà Nẵng có chủ trương và tiến hành xây dựng “Tủ sách Đất Quảng”, với mong muốn tập hợp những tác phẩm có chất lượng viết về đất và người xứ Quảng, tôn vinh các tác giả sinh sống và làm việc tại quê hương.

Nỗ lực truyền bá giá trị vùng đất

Ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với việc khai thác đề tài xuất bản trong và ngoài nước, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, nhân viên của Nhà xuất bản Đà Nẵng chịu khó “cày sâu cuốc bẫm” trên mảnh đất quê hương, tổ chức biên soạn, biên tập và xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị.

Đó là các “tập đại thành” như: Phạm Phú Thứ toàn tập, Phan Châu Trinh toàn tập, Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập; những tập sách khắc họa dấu ấn của các người con ưu tú đất Quảng như Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La, Lê Cơ…

Đặc biệt, các tác phẩm của những nhà văn hóa quê hương như: Phan Khôi, Khương Hữu Dụng, Võ Quảng, Huỳnh Lý, Trinh Đường, Nguyễn Văn Xuân, Lưu Trùng Dương, Nguyên Ngọc… lần lượt được tuyển chọn và xuất bản.

Cùng với đó, nhiều công trình nghiên cứu, tổng tập đồ sộ về văn hóa văn nghệ được biên soạn như: Tổng tập Văn hóa văn nghệ dân gian, Đà Nẵng 20 năm Lý luận và phê bình văn học - nghệ thuật (1997-2017), Thơ Quảng Nam - Đà Nẵng 1975-1990, Văn Quảng Nam - Đà Nẵng 1975-1990…

Nhà xuất bản Đà Nẵng cũng luôn quan tâm, làm “bà đỡ” mát tay cho những sáng tác của đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu của quê nhà. Những người làm văn hóa văn nghệ xứ Quảng có lẽ luôn tin yêu và lựa chọn Nhà xuất bản Đà Nẵng như địa chỉ thân thiết để gửi gắm đứa con tinh thần của mình.

Từ những ngày đầu thành lập Nhà xuất bản, những tác giả như Gia Vi (Hoa lông chông trên cát, năm 1985), Đông Trình (Từ chiếc tao đời mẹ ru, 1986), Huỳnh Thảng (Ra đi lúc trời còn tối), Hồ Trung Tú (Búp bê cho người lớn, 1987)… đến các sáng tác gần đây của Lê Trâm, Trương Điện Thắng, Nguyễn Tam Mỹ…

Cùng với đó, Nhà xuất bản Đà Nẵng tiếp tục là nơi biên soạn, biên tập, cùng đối tác cho ra đời các tác phẩm của đội ngũ những nhà nghiên cứu về xứ Quảng như: Lưu Anh Rô, Hy Giang Lê Thị Mai, Võ Hà, Vũ Đình Anh… Điều này cho thấy một sự tiếp nối mang tính xuyên suốt trong nỗ lực hoạt động của Nhà xuất bản Đà Nẵng.

Có thể nói, qua những tác phẩm ra đời trong 40 năm hình thành và phát triển, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã ghi dấu ấn trong việc góp phần lưu giữ, truyền bá bề dày lịch sử và văn hóa của vùng đất xứ Quảng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn Nhà xuất bản Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO