LTS: Mỗi kỳ đại hội Đảng là dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử cách mạng của quê hương, đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trong 40 mươi năm qua, từ sau khi quê hương được giải phóng, các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau này là Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng dẫn dắt sự phát triển của tỉnh nhà với nhiều thành công quan trọng.
Nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, 40 năm giải phóng quê hương, hướng đến Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra trong năm 2015, Báo Quảng Nam điểm lại những quyết sách lớn qua các kỳ đại hội tiêu biểu của Đảng bộ tỉnh, gắn với những giai đoạn đặc biệt của đất nước và của quê hương trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn Chủ tịch Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: DOÃN HOÀNG |
Đại hội lần thứ XI (1976 - 1980): Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng
Ngày 4.10.1975, tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà được sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũng được thành lập trên cơ sở hợp nhất đảng bộ Quảng Nam và Quảng Đà.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên sau ngày quê hương giải phóng, được tiến hành 2 vòng tại TP.Đà Nẵng (vòng 1 từ ngày 10 đến 18.11.1976 và vòng 2 từ ngày 25.4 đến 2.5.1977), có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; kết quả 2 năm khắc phục hậu quả chiến tranh; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong chặng đường kế tiếp (1976-1980). Đại hội xác định: “Ra sức tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, kiện toàn chính quyền các cấp, tiếp tục phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội; tạo ra một chuyển biến mới trong việc tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, khoa học kỹ thuật và tư tưởng văn hóa; xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới”.
Đại hội lần thứ XIV (1986 - 1990): Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu
Từ ngày 21 đến ngày 29.10.1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIV họp tại TP.Đà Nẵng.
Đại hội đánh giá: So với 5 năm trước, nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển với tốc độ chậm hơn, có mặt dừng lại, có biểu hiện giảm sút và đứng trước những khó khăn gay gắt… Trên cơ sở nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và những giải pháp lớn về kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 1986 - 1990, với nội dung: “Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống trung dũng kiên cường, đẩy mạnh phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, khai thác tốt nhất tiềm năng thế mạnh, mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, dồn sức phát triển nông nghiệp toàn diện, thật sự coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Đồng thời phát triển mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, lập lại trật tự trên mặt trận phân phối lưu thông, cải tạo xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng quan hệ sản xuất mới, tiếp tục xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.
Đại hội lần thứ XVI (1996 - 2000): Đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Đại hội lần cuối cùng của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng trước khi chia tách thành 2 tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, diễn ra từ ngày 24 đến 27.4.1996 tại Đà Nẵng, nhận định: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội trong nước khủng hoảng, các thế lực thù địch ra sức chống phá công cuộc đổi mới của chúng ta, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra những tiền đề quan trọng để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới”.
Đánh giá đúng tình hình, xác định thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ tỉnh khẳng định, đã có “những điều kiện để chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Đại hội lần thứ XVII (1997 - 2000): Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường
Quảng Nam được tái lập (từ ngày 1.1.1997), trong vô vàn khó khăn, thách thức của một tỉnh nghèo hàng nhất, nhì cả nước. Nền kinh tế thuần nông, cơ bản là tự cung tự cấp; tổng thu ngân sách năm 1997 chỉ khoảng 150 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII họp tại tỉnh lỵ Tam Kỳ (từ ngày 8 đến 10.10.1997), với sự tham dự của 250 đại biểu thuộc 14 đảng bộ huyện, thị xã và 5 đảng bộ khối, ngành trực thuộc, thay mặt cho hơn 25.000 đảng viên toàn tỉnh.
Đại hội nhấn mạnh những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đến năm 2000 là: “Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, động viên toàn đảng bộ, toàn quân và toàn dân nêu cao tinh thần tự lực, tự cường và những truyền thống tốt đẹp của con người Quảng Nam, khai thác các tiềm năng của tỉnh, đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế theo cơ cấu nông-lâm-ngư nghiệp - công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ. Chú trọng củng cố và phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; khẩn trương cải tạo, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mọi động lực để phát triển kinh tế và tăng nhanh khả năng tài chính của địa phương; kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chú ý chăm lo các đối tượng được hưởng chính sách, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội”.
Đại hội lần thứ XIX (2006 - 2010): Xác định chiến lược xây dựng tỉnh công nghiệp
Đại hội diễn ra từ ngày 6 đến 8.12.2005, tại Tam Kỳ, với quyết sách chiến lược về xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp.
Nghị quyết đại hội đặt ra yêu cầu đưa Quảng Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào thời kỳ 2015 - 1020. Giai đoạn 2006 - 2010, đại hội xác định các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 14%/năm, GDP bình quân đầu người vào năm 2010 khoảng 90USD; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 28%/năm, giá trị tăng thêm khoảng 23 - 23,5%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 16%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm là 27%; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống dưới 18% (theo tiêu chí mới) vào năm 2010.
Đại hội lần thứ XVIII (2000 - 2005): Tích cực thay đổi cơ cấu kinh tế
Nhân loại chuẩn bị bước vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, với những dự báo về sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa kinh tế. Tranh thủ thời cơ, vận hội mới khi đất nước tiếp tục đổi mới, mở cửa, hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, Quảng Nam đã chủ động xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, trình Trung ương xem xét, phê duyệt.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (diễn ra từ ngày 5 đến 8.12.2000 tại Tam Kỳ) nêu cao quyết tâm cải tạo, thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, coi đây là giải pháp chiến lược trong thời kỳ mới. Chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn 2000 - 2005 là: Tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm 10%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 22%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm 25%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 3,5%...
Đại hội lần thứ XX (2010 - 2015): Tập trung thực hiện 3 mũi đột phá
Trên cơ sở định hướng của Đảng về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần này (diễn ra từ ngày 28 đến 30.9.2010) nêu cao quyết tâm tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tập trung thực hiện 3 mũi đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; phấn đấu đưa Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Ảnh: DOÃN HOÀNG |
Nghị quyết Đại hội đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 13,5%; GDP (theo giá thực tế) bình quân đầu người vào năm 2015 đạt hơn 35 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm trên 44%, dịch vụ chiếm trên 44% và nông - lâm - ngư nghiệp chiếm dưới 12% trong cơ cấu GDP; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 22%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, có trên 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 2,5 - 3%; giải quyết việc làm 5 năm hơn 200.000 lao động…
LÊ VŨ