Dấu ấn nông dân Phú Ninh...

HÀN GIANG 14/06/2023 06:57

Xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, nâng cao vai trò chủ thể của hội viên trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới... là định hướng của Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Phú Ninh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2023 - 2028), diễn ra trong hai ngày 15&16/6.

Hội Nông dân huyện Phú Ninh và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ký kết kế hoạch phối hợp về phát động đợt thi đua “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Ảnh: N.Đ
Hội Nông dân huyện Phú Ninh và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ký kết kế hoạch phối hợp về phát động đợt thi đua “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Ảnh: N.Đ

Liên kết sản xuất

Du khách từ Đà Nẵng đến tận vườn nhà ông Sáu Thị (thôn Xuân Điền, xã Tam Phước, Phú Ninh) tham quan, tìm hiểu xuất xứ của trái bưởi da xanh mà họ đã tin dùng vào mỗi mùa trái. Nhiều năm nay, 50 gốc bưởi da xanh của hộ ông Thị cho thu nhập ổn định từ 40 - 50 triệu đồng/năm.

Thương lái ở Đà Nẵng đặt mua hết, ông không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, 10 hộ dân trong thôn Xuân Điền đã mạnh dạn liên kết cải tạo 10ha đất đồi trồng keo chuyển sang trồng 1.500 cây bưởi da xanh.

Ông Nguyễn Thành Danh - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Tam Phước, cho hay nguồn cây giống do HND xã Tam Phước kết nối hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhóm hộ đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây.

Cây phát triển xanh tốt, bước sang năm thứ ba đã bắt đầu cho quả, nhưng các hộ cắt bỏ để nuôi cây thuần thục chờ vụ trái năm tới. Trái bưởi da xanh trồng tại địa bàn thôn ngọt thơm, kỳ vọng mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn tại địa phương.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Phú Ninh có 45.755 lượt hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp hội đã bình xét và tôn vinh được 25.165 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, tăng bình quân hàng năm từ 3 - 5%. Qua đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 50,88 triệu đồng/người/năm 2022. Trong xây dựng NTM, hội viên nông dân đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công, hiến đất đai, cây cối, vật kiến trúc và đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới, nâng cấp 89km đường giao thông nông thôn, 52km giao thông nội đồng, xây dựng mới và nâng cấp 51 nhà văn hóa thôn, khối phố; 78km kênh mương được nâng cấp và sửa chữa.

“Đến nay, HND xã Tam Phước vận động, hướng dẫn hội viên nông dân cải tạo trên 100 vườn tạp, chỉnh trang nhà vườn theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh. Hội trực tiếp đứng ra tiếp nhận, cung ứng cây giống đảm bảo chất lượng từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh với hơn 10 nghìn cây ăn quả các loại cho hội viên. Các vườn phát triển tốt, bước đầu đã cho thu nhập” - ông Danh nói.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM vào năm 2011, gần 80% diện tích đất nông nghiệp của xã Tam Dân đã được dồn điền đổi thửa. Hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất.

Ông Lê Thành Nhơn - Chủ tịch HND xã Tam Dân cho biết, ngoài vận động nông dân sản xuất theo quy hoạch, Hội còn tập trung kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, cây giống, chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới, kết nối với nông dân để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bao tiêu sản phẩm và đã đạt nhiều kết quả.

Trong đó, HND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh, Công ty Phân bón sông Gianh tổ chức sản xuất chuỗi liên kết giá trị “Sản xuất lúa thương phẩm ST25 sử dụng phân bón hữu cơ sông Gianh” trên diện tích 14,8ha, với sự tham gia của 77 hộ nông dân.

Theo cam kết, công ty cung cấp lúa giống, phân bón, hỗ trợ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, cử cán bộ kỹ thuật vào hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa; sau thu hoạch, công ty thu mua lại toàn bộ sản lượng lúa.

Không còn hộ hội viên nghèo

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành HND huyện Phú Ninh đánh giá, với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của nông dân, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục ổn định và phát triển khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã được chú trọng, diện tích, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi và giá trị tạo ra trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên.

Giá trị bình quân hàng năm trên đơn vị diện tích canh tác đạt 77,3 triệu đồng/ha. Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm đạt hơn 5% đã góp phần đưa tổng giá trị toàn ngành nông - ngư nghiệp đạt hơn 1.215 tỷ đồng.

Theo ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch HND huyện Phú Ninh, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi được hội tập trung chỉ đạo phát động và tổ chức thực hiện theo hướng thực chất, có sức lan tỏa trên các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn để đầu tư phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

Đáng chú ý, HND từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả như: 120ha lúa giống hàng hóa; 2ha ớt SV433; 35ha lúa chất lượng cao, 10ha bưởi da xanh và hàng nghìn con lợn, gà thương phẩm.

Các mô hình chăn nuôi heo siêu nạc, gà thịt, gà đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Kinh tế vườn - kinh tế trang trại được quan tâm hỗ trợ phát triển. Duy trì nhân rộng và xây dựng mới 7 mô hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế và giúp nhau giảm nghèo.

“Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tạo nhiều việc làm ở nông thôn bằng nhiều hình thức, như giúp về vốn, giống, ngày công lao động, về cách làm ăn…

Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 2.550 lao động tại địa phương. Đồng thời thực hiện có hiệu quả việc tương trợ, giúp đỡ và giúp nhau giảm nghèo trong nội bộ nông dân. Đến nay, địa phương không còn hội viên nông dân là hộ nghèo” - ông Võ Thanh Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn nông dân Phú Ninh...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO