Dấu ấn nông thôn mới

MAI NHI 31/12/2015 09:38

Năm 2015 ngành liên quan, chính quyền các địa phương và nhân dân trên toàn tỉnh tiếp tục chung sức đồng lòng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều khâu nhằm tạo cú hích mạnh cho tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Điểm sáng Điện Bàn

Ông Nguyễn Hữu Tuân - Chủ tịch UBND xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn) cho biết, ngày 27.3.2012, khi phát động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thì địa phương mới chỉ đạt 7 tiêu chí do Trung ương quy định. Gần 4 năm, nhờ cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể vào cuộc quyết liệt, nhất là đại bộ phận nhân dân tích cực hưởng ứng, ngày 9.10.2015 xã Điện Hồng đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Ông Tuân chia sẻ: “Thời gian qua, bằng nhiều kênh vốn huy động, Điện Hồng đã đầu tư hơn 127 tỷ đồng cho chương trình này, trong đó chủ yếu ưu tiên hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. Điều đáng mừng là, nhờ các lĩnh vực kinh tế đều phát triển mạnh nên đời sống nhân dân được cải thiện rất nhiều. Theo kết quả đánh giá, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 25,8 triệu đồng, tăng 12,8 triệu đồng so với năm 2012. Hiện giờ, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương chỉ còn dưới 4%, giảm 4,5% so với cách đây hơn 3 năm”.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, sau khi 3 xã thuộc vùng Gò Nổi là Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2014 thì ngay từ đầu năm 2015 ngành liên quan và chính quyền các địa phương ở Điện Bàn tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp căn cơ để việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại hiệu quả cao. Ông Chơi nói: “Nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên năm 2015 Điện Bàn đã có thêm 7 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn, gồm Điện Phước, Điện Hồng, Điện Hòa, Điện Thọ, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam. Như vậy, trong tổng số 13 xã xây dựng mô hình NTM trên toàn thị xã thì đến nay đã có 10 xã đạt chuẩn, 3 xã còn lại là Điện Minh, Điện Phương, Điện Tiến hiện đã đạt bình quân hơn 14 tiêu chí/xã và phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2016 này. Cần nói thêm, UBND thị xã Điện Bàn cũng đã trình hồ sơ đề nghị UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT thẩm định, xét công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2015”.

Được hỗ trợ đào tạo nghề, hàng nghìn lao động có công ăn việc làm ổn định.
Được hỗ trợ đào tạo nghề, hàng nghìn lao động có công ăn việc làm ổn định.

Được biết, giai đoạn 2011-2015 thị xã Điện Bàn đã huy động gần 1.249 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình hơn 144 tỷ đồng, vốn tín dụng xấp xỉ 352 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 155 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 412 tỷ đồng, vốn ngân sách xã 55 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 130 tỷ đồng…

Nhiều dấu ấn

Không chỉ thị xã Điện Bàn, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đã dồn mọi nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Mai - chuyên viên Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh cho hay, tính đến cuối năm 2015 bình quân tiêu chí đạt chuẩn là 12 tiêu chí/xã, tăng 9,4 tiêu chí/xã so với thời điểm cuối năm 2010 và tăng 3 tiêu chí/xã so với năm 2014. Ông Mai nói: “Ngoài 10 xã điểm đã cán đích vào cuối năm 2014 thì năm 2015 Quảng Nam có thêm 44 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Như vậy, giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh có tổng cộng 54 xã hoàn tất chương trình xây dựng NTM, chiếm tỷ lệ 27,31% trong tổng số 204 xã, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra tại Quyết định số 800/QĐ-TTg (ngày 4.6.2010) của Thủ tướng Chính phủ”.

Nhờ tập trung phát triển mạnh sản xuất, đời sống cư dân nông thôn không ngừng cải thiện. Ảnh: MAI NHI
Nhờ tập trung phát triển mạnh sản xuất, đời sống cư dân nông thôn không ngừng cải thiện. Ảnh: MAI NHI

Trong vòng 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn 16.693 tỷ đồng để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp cho chương trình là hơn 1.378 tỷ đồng, chiếm 8%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 3.850 tỷ đồng, chiếm 23%; vốn tín dụng 10.480 tỷ đồng, chiếm 62%; vốn doanh nghiệp và hợp tác xã 278 tỷ đồng, chiếm 2%; vốn cộng đồng dân cư 707 tỷ đồng, chiếm 5%.

Tuổi trẻ Điện Bàn chung sức xây dựng NTM.
Tuổi trẻ Điện Bàn chung sức xây dựng NTM.
Năm 2016 phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM
Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh sẽ có thêm 58 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Trong đó, Thăng Bình có 9 xã; Đại Lộc 7 xã; Quế Sơn 5 xã; Duy Xuyên, Núi Thành, Tiên Phước mỗi huyện 4 xã; Điện Bàn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tây Giang mỗi địa phương 3 xã; Phú Ninh, Tam Kỳ, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn mỗi địa phương 2 xã; còn lại Nam Trà My, Hội An, Bắc Trà My mỗi địa phương 1 xã. Được biết, riêng năm 2016 sẽ có 10 xã cán đích NTM, gồm Điện Minh, Điện Tiến, Điện Phương (Điện Bàn); Tam Lộc, Tam Lãnh (Phú Ninh); Bình Định Nam, Bình Phú (Thăng Bình); Quế Long (Quế Sơn), A Tiêng (Tây Giang); Đại Hòa (Đại Lộc).

Ông Nguyễn Thanh Mai cũng cho biết thêm, thời gian qua công tác hỗ trợ, đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành triển khai hết sức tích cực. Theo đó, từ năm 2011-2015 những đơn vị liên quan đã tổ chức đào tạo nghề cho 14.924 lao động ở khu vực nông thôn, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động, đa dạng hóa nguồn thu nhập của cư dân nông thôn. Đặc biệt, nhờ thực hiện hiệu quả các phương án phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp nên đời sống người dân nông thôn không ngừng nâng lên. Qua thống kê cho thấy, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người tại những vùng nông thôn của tỉnh đạt hơn 21,1 triệu đồng, tăng gần 11 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Cần nói thêm, nếu cách đây 5 năm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh chiếm 24,18% thì đến thời điểm này đã giảm xuống còn khoảng 9%.

MAI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO