Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, bức tranh kinh tế - xã hội huyện Duy Xuyên có thêm những gam màu sáng, tạo tiền đề quan trọng để năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới…
Thời gian tới, Duy Xuyên sẽ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: VĂN SỰ |
Kinh tế chuyển biến mạnh
Với sự chủ động, nhạy bén trong việc thu hút các dự án đầu tư nên những năm qua lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Duy Xuyên phát triển mạnh, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Duy Xuyên cho biết, huyện đã hình thành được 5 cụm công nghiệp gồm Tây An, Gò Dỗi, Đông Yên, Gò Mỹ, Cồn Đu. Nhờ tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu gồm hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng… gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nên đến nay Duy Xuyên thu hút thêm 38 doanh nghiệp vào đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 6.000 tỷ đồng. Theo ông Khánh, với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp và các ngành liên quan, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và tham gia thị trường xuất khẩu. “Theo số liệu thống kê mới nhất, 3 năm qua tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt 9.395 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 14,43%” - ông Khánh nói.
Theo ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên, hoạt động thương mại - du lịch của địa phương cũng đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là Duy Xuyên đã xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu phố chợ Nam Phước và hệ thống chợ nông thôn, góp phần mở rộng và từng bước kết nối mạng lưới kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Không chỉ vậy, huyện còn triển khai một số hạng mục trong quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2020, phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ và phối hợp phục dựng khu di tích lịch sử Hòn Tàu, nâng cấp khu tưởng niệm vụ thảm sát Vĩnh Trinh cũng như những di tích văn hóa… tạo thành nhiều điểm tham quan du lịch về nguồn. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Ông Mạnh cho biết: “Giai đoạn 2016 - 2018, tổng lượng khách du lịch đến Duy Xuyên đạt hơn 1 triệu lượt, trong đó có gần 920.000 khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 175 tỷ đồng, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành thương mại - dịch vụ đạt 11.000 tỷ đồng, vượt 1% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII đề ra”.
Linh hoạt các giải pháp
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Duy Xuyên phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 14%. Cơ cấu lao động phi nông nghiệp - nông nghiệp là 80% - 20%. Bình quân hàng năm giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 14%, thương mại - dịch vụ tăng 17% và thu phát sinh kinh tế trên địa bàn tăng 18%. Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%... |
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho rằng, sản xuất nông nghiệp của huyện liên tục gặp bất lợi do thời tiết và dịch bệnh, thị trường không ổn định, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa thấp. Các vùng nuôi trồng thủy sản phân tán nhỏ lẻ, sản lượng đạt thấp. Trong khi đó, công suất tàu thuyền tăng nhưng việc khai thác kém hiệu quả. Chính điều này khiến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp không đạt chỉ tiêu đề ra là 3,7%/năm. “Để tạo động lực tăng trưởng cho ngành nông nghiệp, thời gian tới các ngành liên quan, chính quyền địa phương và nhân dân cùng góp sức đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi gắn với ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Cạnh đó, tập trung khuyến khích, hỗ trợ người dân cải hoán tàu thuyền và quy hoạch, chỉnh trang những vùng nuôi trồng thủy sản. Đối với việc xây dựng nông thôn mới, phải nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để thực hiện hiệu quả, bền vững từng tiêu chí” - ông Năm nói.
Còn theo ông Nguyễn Quang Mạnh, kết cấu hạ tầng của Duy Xuyên chưa được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ, nhất là tại các cụm công nghiệp, chợ và khu dân cư - thương mại. Nguồn lao động còn thiếu và chất lượng chưa cao. Ngành dệt vải tiếp tục gặp khó khăn do công nghệ lạc hậu, thị trường hẹp, sức cạnh tranh kém. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch dù đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài. Tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng, cơi nới trái phép còn diễn ra phức tạp, nhất là ở vùng đông. Đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường, tình trạng khai thác đất, cát, sỏi trái phép ở một số nơi chưa được ngăn chặn triệt để.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII đề ra, từ nay đến năm 2020, Huyện ủy Duy Xuyên chủ trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch, đảm bảo yếu tố hài hòa, không chỉ chú trọng về kinh tế mà còn cả về văn hóa và môi trường. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trên các lĩnh vực dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, khu dân cư - thương mại và nhất là đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn để mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, địa phương tập trung rà soát từng tiêu chí, kịp thời bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp và đặc biệt là huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực tài chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình nông thôn mới.
VĂN SỰ - PHI THÀNH